Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, Hội nghị hôm nay là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là động lực, mà đã trở thành nền tảng cho phát triển của thế kỷ XXI.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2024, kinh tế số đã chiếm 15% GDP của kinh tế toàn cầu, tương ứng với 16.000 tỷ USD. Nhiều quốc gia đã xác định kinh tế số là thành phần cốt lõi trong chiến lược quốc gia.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị
Theo Phó Thống đốc, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động khó lường như chiến tranh thương mại, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn để thích ứng, tồn tại và vươn lên.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá nghiêm túc, toàn diện thời cơ và những khó khăn, thách thức của đất nước, Trung ương đã ban hành 04 Nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Theo lời Tổng Bí thư Tô Lâm, “hiện nay có thể gọi 4 Nghị quyết trên là “Bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh”, trong đó “phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Toàn cảnh Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 57-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Quán triệt nội dung, tinh thần tại Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP, Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã nghiên cứu, rà soát đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao để ban hành Kế hoạch triển khai của ngành Ngân hàng tại Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ngày 5/3/2025 với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán. Các nhiệm vụ tại Kế hoạch đã được giao cụ thể đến các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tổ chức triển khai.
Phó Thống đốc cho biết, triển khai Quyết định số 923/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, NHNN phát động triển khai 02 phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và phong trào “Bình dân học vụ số” trong toàn ngành Ngân hàng. Đây là lời phát động và hiệu triệu toàn ngành ngân hàng không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Ngày 23/4/2025 vừa qua, Ban chỉ đạo ngành Ngân hàng về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã có Phiên họp lần thứ nhất triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết 57-NQ/TW. Ngày 29/5/2025, NHNN tiếp tục tổ chức Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Do vậy, trong phạm vi chương trình Hội nghị ngày hôm nay, Phó Thống đốc đề nghị các tham luận sẽ tập trung chủ yếu vào các nội dung gắn với việc thực hiện nhiệm vụ tại phong trào “Bình dân học vụ số”. Các chủ đề tập trung chia sẻ đó là: Mô hình, sáng kiến tiêu biểu ứng dụng công nghệ số có thể nhân rộng; chia sẻ kinh nghiệm, hành trình lan tỏa và xây dựng văn hóa số, văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa học suốt đời; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng tầm năng lực số cho nhân lực ngành Ngân hàng. Đồng thời, đề xuất các hành động cụ thể, các kiến nghị đối với NHNN để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được nhân rộng và mang lại hiệu quả thiết thực cho toàn Ngành.