
Toàn cảnh buổi họp báo
Tham dự họp báo còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng NHNN, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), một số công ty trung gian thanh toán, Công ty cổ phần MISA, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR) - Bộ Công an.
Sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025” được tổ chức vào ngày 29/5/2025, tại Văn phòng Chính phủ, số 01 Hoàng Hoa Thám - Quận Ba Đình - Hà Nội. Tham dự sự kiện có lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo NHNN, đại diện lãnh đạo các Bộ (Bộ Công An, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính...); UBND TP. Hà Nội; Hiệp hội Dữ liệu... Ngoài ra còn có các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; NAPAS; các công ty cung ứng giải pháp chuyển đổi số trong nước; đại diện một số tổ chức quốc tế; các tổ chức có dự án hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng; các công ty tư vấn quốc tế về chuyển đổi số; các chuyên gia trong và ngoài nước.

Bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng chia sẻ về thông điệp sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025
Sự kiện năm nay đánh dấu năm bản lề tổng kết việc triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030 (Quyết định 810). Sự kiện cũng diễn ra trong bối cảnh các nghị quyết lớn về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phát biểu tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng nhấn mạnh: “Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và 68-NQ/TW, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định Nghị quyết 57 là một trong bốn trụ cột thể chế nền tảng, có ý nghĩa chiến lược nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tinh thần đó đã được cụ thể hóa thành chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2025 là ‘Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số’.”
Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng cũng cho biết, ngành Ngân hàng luôn là một trong những lĩnh vực tiên phong trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Việc tổ chức sự kiện năm nay với chủ đề: “Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới” chính là minh chứng cho quyết tâm ấy. Chủ đề này không chỉ bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, mà còn thể hiện rõ thông điệp: ngành Ngân hàng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thúc đẩy ứng dụng các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái số thông minh, kết nối liên thông và an toàn, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, sau 4 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ
Chủ đề “Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới” nhấn mạnh quyết tâm của ngành ngân hàng Việt Nam trong việc xây dựng hệ sinh thái tài chính số hiện đại, lấy khách hàng làm trung tâm, ứng dụng công nghệ tiên tiến như AI, dữ liệu lớn, blockchain để nâng cao trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng. Chủ đề năm nay phù hợp với với các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ như: Nghị quyết 57 và Quyết định 1813/QĐ-TTg về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Đây là sự kế thừa và phát triển từ chủ đề các năm trước, hướng tới một hệ sinh thái tài chính số thông minh, linh hoạt, bền vững, góp phần đưa đất nước Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) đã thông tin về những kết quả trong hoạt động chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Cụ thể, sau 4 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
NHNN không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Nhiều TCTD tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Đến nay, có hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tích cực.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được chú trọng. NHNN cũng thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan triển khai các biện pháp trong đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng; tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho khách hàng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng, lợi ích của thanh toán số.

Ông Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN)
Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, NHNN sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng, các kế hoạch do NHNN ban hành để thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng, các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 71/NQ-CP.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy và tháo gỡ khó khăn trong thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số ngành Ngân hàng;
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và NHNN trong triển khai Đề án 06;
Thứ tư, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng đảm bảo an ninh, an toàn, chú trọng việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung ngành ngân hàng tiến đến ra quyết định dựa trên dữ liệu;
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế để cập nhật xu hướng công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo;
Thứ sáu, tiếp tục triển khai phối hợp liên ngành: tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số và phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số;
Thứ bảy, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp.
Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2025 có sự tham gia của các NHTM như: Vietcombank, VietinBank, Agribank, MB, Techcombank, VPBank, BIDV, Nam A bank, SHB, TPbank, Kien Long Bank, HDBank, OCB, LPBank, Ngân hàng số Vikki, MSB, ACB, PVCombank, Eximbank; Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay), Công ty cổ phần MISA, Tập đoàn FPT.
Ngày 11/5 được chọn là Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Đây là ngày Thống đốc NHNN, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng ký ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN). Việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng có thể xem là cột mốc có ý nghĩa quan trọng giúp Ngành xác định rõ định hướng, kế hoạch hoạt động trong xu thế chuyển đổi số...