1. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu vừa có nghị quyết tái bổ nhiệm ông Từ Tiến Phát giữ chức vụ Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 3 năm (2025-2028) kể từ ngày 14/01/2025.
Ông Từ Tiến Phát sinh năm 1974. Ông Phát đã có hơn 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và chính thức gia nhập ACB từ năm 1996. Ông Phát đã từng trải qua các vị trí tại ACB như: Phó Phòng Tín dụng, Giám đốc Chi nhánh, Phó Giám đốc, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân.
Trước khi giữ vị trí Tổng Giám đốc ACB vào tháng 01/2022, ông Phát là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân ACB từ năm 2015. Ông Phát cũng từng là thành viên đại diện cho ACB tham gia quản trị tại Ngân hàng Đại Á.
-
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank)
Ngày 17/01/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Chuyển giao bắt buộc các TCTD yếu kém là một trong những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. NHNN đã phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Phương án chuyển giao bắt buộc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.
Sau khi được chuyển giao bắt buộc, DongA Bank và GPBank sẽ là các NHTM TNHH MTV do HDBank và VPBank sở hữu 100% vốn điều lệ.
Dưới sự quản lý của HDBank, VPBank, trong vai trò chủ sở hữu, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, của khách hàng tại DongA Bank, GPBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật. HDBank, VPBank là những ngân hàng TMCP có đủ năng lực, kinh nghiệm và nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, với cơ chế được áp dụng theo các quy định của pháp luật, việc nhận chuyển giao bắt buộc cũng là cơ hội để HDBank, VPBank mở rộng hoạt động, triển khai các mô hình kinh doanh mới, hiện đại.
Tại HDBank, sau chuyển giao bắt buộc, DongA Bank vẫn là pháp nhân độc lập, không hợp nhất báo cáo tài chính vào HDBank. DongA Bank được quản lý và hỗ trợ từ HDBank để dần phục hồi hoạt động và cải thiện tình hình tài chính. Việc tiếp nhận DongA Bank tạo cơ hội cho HDBank mở rộng quy mô hoạt động, tăng trưởng tín dụng…
DongA Bank và HDBank sẽ được áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ từ NHNN để đảm bảo quá trình chuyển giao bắt buộc hiệu quả. Với kinh nghiệm triển khai thành công một số dự án tái cấu trúc, M&A an toàn, hiệu quả, mang lại sự ổn định và phát triển cho các bên tham gia, HDBank sẽ tập trung nguồn lực, kinh nghiệm tái cấu trúc để đồng hành và hỗ trợ DongA Bank củng cố hoạt động, khắc phục tồn tại, hướng tới mục tiêu xây dựng DongA Bank trở thành ngân hàng có tài chính lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ công nhân viên ngân hàng, mang lại lợi ích tốt hơn cho khách hàng và đối tác.
-
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)
- Ngân hàng Bản Việt mới đây hợp tác Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) triển khai tiện ích thanh toán bằng mã QR tại Lào hoàn toàn miễn phí. Đây là một tính năng vô cùng thuận tiện dành cho người dùng đi du lịch hoặc công tác tại Lào khi có thêm hình thức thanh toán mới không dùng tiền mặt bên cạnh thanh toán bằng thẻ tín dụng thông thường.
Cụ thể, ngày 09/01 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước VN và Ngân hàng Cộng hòa DC ND Lào đã tổ chức Lễ công bố kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR giữa Việt Nam - Lào tại Thủ đô Vientiane (Lào), nhằm thúc đẩy sử dụng bản tệ trong giao dịch thanh toán, chuyển tiền, đầu tư và vay nợ của hai nước, thông qua hai dự án là: “Kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR” và “Hoàn thiện khuôn khổ để thúc đẩy sử dụng bản tệ trong thanh toán, chuyển tiền phục vụ thương mại, đầu tư và vay nợ”. Dự án là kết quả hợp tác từ năm 2023 giữa NHNN Việt Nam và NHCHDCND Lào, thông qua hai đơn vị đầu mối là NAPAS và Công ty Mạng lưới thanh toán Quốc gia Lào (LAPNet) cùng các ngân hàng thương mại hai nước. Đến nay, dự án đã hoàn thành kết nối đối với chiều thanh toán của khách Việt Nam khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại Lào.
BVBank là một trong các Ngân hàng được tham dự Hội nghị và tiên phong triển khai tính năng thanh toán bằng QR tại Lào. Từ nay, khách hàng của BVBank có thể sử dụng tài khoản thanh toán VND hoặc thẻ tín dụng BVBank và tính năng “Quét mã QR” trên ứng dụng Ngân hàng số Digimi để thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán bằng mã QR tại Lào. Giá trị giao dịch được quy đổi từ Kíp Lào sang VND theo tỷ giá quy định tại thời điểm thanh toán. Đặc biệt, giao dịch thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng Ngân hàng số Digimi có hạn mức lên đến 499.999.999VND/giao dịch và hoàn toàn miễn phí dịch vụ. Trước đây, BVBank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc mở rộng thanh toán QR code tại Thái Lan và Campuchia.
Tính đến cuối Quý 4/2024, số lượng khách hàng của BVBank đã đạt hơn 2,2 triệu, trong đó góp phần lớn từ sự phát triển của ngân hàng số (chiếm 64%), các giao dịch qua kênh số tăng gần 40% so với năm 2023. Bên cạnh các tiện ích số hóa, BVBank cũng liên tục triển khai nhiều ưu đãi dành cho khách hàng: từ ngày 02/01/2025 - 15/03/2025, khách hàng đến BVBank gửi tiết kiệm sẽ được nhận ngay quà tặng, mức gửi càng cao, quà tặng càng hấp dẫn và đa dạng lựa chọn; từ ngày 03-05/02/2025 (mùng 6,7,8 Tết Nguyên Đán), tất cả khách hàng đến BVBank giao dịch sẽ được nhận ngay 01 bao lì xì may mắn mệnh giá 50.000 đồng... BVBank cũng liên kết với nhiều đối tác để triển khai hàng loạt ưu đãi cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng BVBank: hoàn tiền 500.000 VND cho khách hàng khi thanh toán bằng thẻ tín dụng BVBank; mua 02 vé xem phim CGV online vào các ngày thứ 5, 6, 7, Chủ nhật với giá chỉ 99.000đ khi thanh toán bằng thẻ tín dụng BVBank JCB…
- Ngân hàng Bản Việt mới đây thông báo về việc khai trương 01 Phòng giao dịch mới: BVBank Gò Vấp (thuộc Chi nhánh Tây Sài Gòn) tại đường Phan Văn Trị, khu dân cư Cityland, phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM, chính thức hoạt động từ ngày 13/01/2025.
-
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank)
- Vừa qua, công ty McAfee - tổ chức phần mềm an ninh toàn cầu của Mỹ đã công bố phát hiện về một ứng dụng có tên là BMI CalculationVsn dùng để tính chỉ số cơ thể có chứa mã độc, cho phép ghi lại màn hình và truy cập danh sách ứng dụng của người dùng. Theo McAfee, ứng dụng này được thiết kế với mục đích giả là giúp người dùng đánh giá chỉ số cơ thể có ở mức độ phù hợp hay không. Ứng dụng được hoạt động với các tính năng thông thường về đánh giá chỉ số cơ thể. Tuy nhiên, khi người dùng bấm vào nút “Calculate”, ứng dụng ngay lập tức yêu cầu quyền ghi lại màn hình. Đánh vào tâm lý của nhiều người dùng muốn nhận kết quả nhanh mà không muốn bị phiền hà, sẵn sàng chấp nhận quyền truy cập để tiết kiệm thời gian. Sau khi người dùng đồng ý, ứng dụng sẽ bắt đầu ghi lại màn hình và lưu lại tất cả thao tác. Hành động này có nguy cơ làm lộ thông tin cá nhân, mật khẩu, mã xác thực hai yếu tố (2FA) hoặc các tin nhắn quan trọng. Điểm đặc biệt, ứng dụng này còn đọc được tin nhắn SMS, tạo điều kiện cho tin tặc lợi dụng để đánh cắp mã 2FA, đặc biệt được dùng trong các dịch vụ tài chính hoặc tài khoản mạng xã hội.
Trong quá trình phân tích, McAfee chỉ ra rằng, ứng dụng có đủ khả năng để đánh cắp thông tin nhưng hiện tại chưa phát hiện nguồn dữ liệu được gửi hay phát tán đi. Do đó, người dùng cần cẩn trọng khi tải và cài đặt các ứng dụng, ngay cả khi ứng dụng đó nằm trên các nền tảng chính thức như Google Play Store hoặc Apple App Store. Trong trường hợp sử dụng các ứng dụng và buộc phải cung cấp quyền nào đó, người dùng nên đọc kỹ mô tả và đánh giá của ứng dụng, kiểm tra liệu quyền này có hợp lý hay không.
Để đảm bảo an toàn giao dịch, các thông tin bảo mật, KienlongBank khuyến nghị khách hàng kiểm tra lại thiết bị, gỡ ngay ứng dụng độc hại hoặc có nguy cơ tiềm ẩn cao đã được cảnh báo.
- Dịp Tết Nguyên Đán đang cận kề, chuyên gia an ninh mạng đã chia sẻ một phương thức mới mà thời gian gần đây kẻ xấu thường dùng, nhắc nhở mọi người cần cẩn thận và có biện pháp bảo vệ tài khoản của mình.
Cụ thể, hacker thu thập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người dùng thông qua các “chợ đen” giao dịch dữ liệu, hoặc tìm kiếm từ những thông tin bị lộ trên nguồn công khai như Google, Facebook, Telegram. Sau khi có đủ thông tin, chúng sẽ dùng tên đăng nhập và mật khẩu để thử truy cập tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp truy cập được, chúng sẽ khai thác thông tin nhạy cảm như số dư tài khoản.
Chúng thường cố ý khiến tài khoản bị vô hiệu hóa bằng cách nhập sai mật khẩu nhiều lần. Hành động này khiến ngân hàng phải khóa tạm thời hoặc vô hiệu hóa tài khoản, buộc khách hàng phải tự khôi phục qua nhiều bước phức tạp. Lợi dụng tình huống này, chúng giả danh thành nhân viên ngân hàng liên hệ với nạn nhân, thông báo lỗi và hướng dẫn tải ứng dụng độc hại hoặc quét mã QR có mã độc. Tại đây, chúng khai thác tối đa thông tin nhạy cảm từ tài khoản người dùng.
Kẻ xấu có thể thực hiện hai chiêu trò: giao dịch nhỏ không vượt mức xác minh bảo mật, hoặc cài ứng dụng giả mạo để đánh cắp toàn bộ thông tin cá nhân như mã OTP, mật khẩu, PIN sau đó có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch lớn hoặc chiếm đoạt tài sản.
Để phòng ngừa, KienlongBank khuyến cáo khách hàng: Không cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc; Không tải phim, game lậu hoặc nhấn vào các đường link lạ; Nên sử dụng mật khẩu phức tạp bao gồm chữ hoa, chữ thường, số, và ký tự đặc biệt; Luôn bảo mật các nội dung quan trọng như mã PIN hoặc sinh trắc học.
-
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)
- Kết thúc năm 2024, kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Nam Á ghi nhận tăng trưởng về quy mô hoạt động; chất lượng tài sản gia tăng; các chỉ số huy động và dư nợ tín dụng đạt hiệu quả tốt.
Cụ thể, năm 2024, tổng tài sản Nam A Bank đạt hơn 245.000 tỷ đồng, tăng gần 16,8% so cùng kỳ 2023. Huy động vốn đạt gần 179.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so cùng kỳ năm 2023. Hoạt động tín dụng đạt gần 168.000 tỷ đồng, tăng 18,34% so đầu năm. Tăng trưởng những chỉ tiêu này góp phần giúp lợi nhuận trước thuế Nam A Bank 2024 đạt hơn 4.545 tỷ đồng (vượt 13,6% chỉ tiêu được giao và tăng gần 38% so cùng kỳ 2023).
Tỷ lệ NIM tiếp tục được cải thiện lên mức 3,5% (so với 3,3% cùng kỳ). Tỷ lệ ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) duy trì mức 20%, ROA là 1,5%, cho thấy Ngân hàng không chỉ tăng trưởng về quy mô, đạt hiệu quả sinh lời mà chất lượng hoạt động còn được cải thiện.
Đến cuối 31/12/2024, nợ xấu Nam A Bank về mức 2,1%. Ngân hàng cũng gia tăng trích lập dự phòng để bao phủ nợ xấu lên mức 60%. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) đạt 12,46% (mức tối thiểu NHNN quy định là 8%).
Trong năm, Nam A Bank chủ động rà soát và điều chỉnh các chính sách tín dụng, đảm bảo phù hợp với diễn biến thị trường và hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn. Các chỉ số thanh khoản luôn được giữ ở mức an toàn với tỷ lệ LDR (cho vay trên huy động) đạt 80,64%, trong khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn duy trì khoảng 21,41%.
Hệ thống quản trị rủi ro của Nam A Bank liên tục được nâng cấp theo các chuẩn quốc tế về Basel II và Basel III, Basel Reform… Năm 2024, Nam A Bank cũng đã hoàn thành báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế (IFRS). Việc tiên phong triển khai áp dụng các thông lệ quốc tế trên giúp Ngân hàng nâng cao công tác quản trị rủi ro và quản trị tài chính trong hoạt động ngân hàng.
Giai đoạn từ 2020, Nam A Bank chuyển đổi số mạnh mẽ cũng như mở rộng quy mô hoạt động khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng năm 2024, Nam A Bank khai trương và đưa vào hoạt động thêm 05 chi nhánh, 03 phòng giao dịch mở mới và mở rộng thêm 14 điểm giao dịch số ONEBANK.
- Ngày 09/01, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Ngân hàng Nhà nước VN và Ngân hàng CHDCND Lào tổ chức Lễ công bố khuôn khổ thanh toán bản tệ và kết nối thanh toán bán lẻ song phương sử dụng mã QR giữa Việt Nam - Lào.
Nam A Bank là một trong 7 ngân hàng Việt (Vietinbank, Vietcombank, BIDV…) tham gia kết nối Dịch vụ thanh toán qua mã QR xuyên biên giới Việt Nam - Lào trong giai đoạn 1 của dự án. Hoạt động này góp phần thúc đẩy sử dụng bản tệ trong giao dịch thanh toán, chuyển tiền phục vụ thương mại, đầu tư và vay nợ giữa Việt Nam và Lào…, từ đó giúp người tiêu dùng hai nước có thêm lựa chọn về đồng tiền giao dịch, giảm chi phí do không phải quy đổi tỷ giá qua đồng tiền thứ ba. Trước đó, Nam A Bank cũng là một trong những ngân hàng Việt đầu tiên triển khai tính năng tiên tiến này tại Thái Lan.
Với chiến lược “xanh hóa - số hóa” toàn diện, Nam A Bank từng bước mở rộng thị trường ra quốc tế. Ngân hàng không ngừng nâng tầm vị thế, tiếp tục khẳng định tiềm năng phát triển bền vững, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.
6. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
Sáng ngày 10/01, tại hội sở OCB đã diễn ra lễ ký kết cùng Tập đoàn FPT, khởi động “Dự án hiện đại hoá nền tảng phân tích dữ liệu với Oracle ExaC@C Database 23ai”, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của Ngân hàng.
Oracle Exadata Cloud at Customer của Oracle (ExaC@C) hiện đang là giải pháp tiên tiến nhất của nền tảng cơ sở dữ liệu trên thế giới. Với ưu điểm được đặt ngay tại trung tâm dữ liệu của khách hàng, giúp rút ngắn thời gian triển khai, sử dụng tài nguyên linh hoạt, hiệu suất cao, đảm bảo an toàn bảo mật thông tin và tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của nhiều tổ chức. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu Oracle 23ai được tích hợp trong ExaC@C giúp đơn giản hóa quá trình sử dụng AI, nhanh chóng áp dụng AI vào việc phân tích dữ liệu cũng như tự động hóa quy trình quản lý và vận hành hệ thống CNTT.
OCB đã quyết định lựa chọn giải pháp này nhằm xây dựng nền tảng chủ lực, phục vụ cho hoạt động quản trị và điều hành của ngân hàng, không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống báo cáo và phân tích dữ liệu tập trung của OCB mà còn hỗ trợ chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu, tối ưu hóa khả năng phân tích, dự đoán và đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Trước đó, OCB và FPT cũng đã đồng hành hợp tác qua hàng loạt dự án công nghệ trọng điểm như: triển khai Phần mềm Quản lý nhân sự và trao chứng chỉ PCI DSS về bảo mật thông tin thẻ thanh toán cho ngân hàng OCB, giúp OCB cải thiện công tác quản lý nhân sự cũng như các quy trình liên quan như tuyển dụng, đào tạo, thôi việc…; hỗ trợ công tác chấm công, tính lương; nâng cao năng lực các dịch vụ thẻ đạt tiêu chuẩn bảo mật quốc tế.
7. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
Tuần qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn tiếp tục thông báo về việc chấm dứt hoạt động 01 PGD tại Hà Nội (từ ngày 18/01/2025), đó là: Phòng giao dịch Trần Quốc Tuấn - Chi nhánh Hai Bà Trưng.
Như vậy, tính từ tháng 6/2023 đến nay, SCB đã giải thể hoạt động 159 PGD tại các tỉnh thành, riêng tại TP.HCM là 80 PGD, tại các tỉnh thành khác là 79 PGD.
SCB khẳng định, việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch trên không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của Ngân hàng SCB.
8. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)
Ngày 12/01/2025, Saigonbank được vinh danh Top 12 Thương hiệu mạnh Quốc gia - Viet Nam Top Brand 2025, do Viện Nghiên cứu đánh giá chất lượng doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực tổ chức với quy mô cấp Quốc gia và được các chuyên gia kinh tế hàng đầu bình chọn thông qua các tiêu chí như: bảo vệ thương hiệu, chất lượng sản phẩm - dịch vụ, kết quả kinh doanh, năng lực đổi mới, chiến lược phát triển bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội...
Trải qua hơn 37 năm hình thành và phát triển, Saigonbank không ngừng phát triển, kiến tạo niềm tin vững chắc, khẳng định là thương hiệu uy tín với khách hàng. Năm 2024, Saigonbank ghi nhận sự tăng trưởng bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Saigonbank được nhiều người biết đến là một trong những ngân hàng tiên phong trong các hoạt động vì lợi ích cộng đồng, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Với giá trị cốt lõi “Tín - Tâm - Tầm - Chung tay vì sự phát triển của cộng đồng”, Ngân hàng đã triển khai hàng loạt dự án ý nghĩa như hỗ trợ giáo dục, y tế, ngân hàng xanh và bảo vệ môi trường, ra mắt gói sản phẩm ưu đãi dành cho người có thu nhập thấp… góp phần nâng cao uy tín, mang lại niềm tin của khách hàng.
9. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
- Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet vừa công bố bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2024. Theo đó, Sacombank đạt hạng 24, tăng 3 hạng so với năm 2023, được vinh danh trong Top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam. Đây là năm thứ 13 liên tiếp, Sacombank được ghi danh trong bảng xếp hạng này.
Sacombank được đánh giá cao nhờ quy mô doanh thu lớn, hoạt động ổn định, hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế có những chuyển biến mạnh mẽ, bộc lộ những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Năm 2024, tổng tài sản của Sacombank đạt 29,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước; huy động vốn đạt 674.800 tỷ đồng, trong đó huy động thị trường 1 đạt 577.900 tỷ, tăng 10%; dư nợ tín dụng đạt 539.300 tỷ đồng, tăng 12%. Lợi nhuận trước thuế đạt 12,720 tỷ đồng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 33% so với năm trước, vượt 20% so với chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao. Các chỉ tiêu sinh lời ROA đạt 1,42%, ROE đạt 20,02%, đều cao hơn năm trước. Đồng thời, hiệu quả hoạt động không ngừng nâng cao với 95,5% tỷ trọng trong tổng tài sản là tài sản có sinh lời, quy mô kinh doanh tăng bình quân 10-13%/năm.
Sacombank luôn tiên phong hưởng ứng các chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, triển khai các hoạt động đồng hành cùng sự phát triển của cộng đồng. Chỉ tính riêng năm 2024, Ngân hàng đã dành 130.000 tỷ đồng cho các gói vay ưu đãi và các chương trình miễn giảm lãi phí khác nhằm hỗ trợ khách hàng vượt khó sau thiên tai. Sacombank cũng là thương hiệu chủ động gắn kết và phát triển kinh tế, an sinh xã hội ở địa phương nơi có chi nhánh Sacombank trú đóng thông qua những chương trình thiện nguyện thường niên.
Trước đó, Sacombank đã được Brand Finance xếp hạng 322/500 Ngân hàng có giá trị thương hiệu đứng đầu thế giới, tăng 32 bậc và vào Top 22 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, tăng 3 bậc so với năm ngoái. Sacombank cũng được hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Rating và Moody’s nâng bậc xếp hạng ở nhiều chỉ tiêu quan trọng.
- Vừa qua, Sacombank tiếp tục là ngân hàng tiên phong trong kết nối thanh toán qua QR Code với Lào. Như vậy, sau Thái Lan và Campuchia, từ nay người dân Việt Nam khi đi du lịch, công tác tại Lào có thể dùng ứng dụng Sacombank Pay để quét mã QR thanh toán dịch vụ, hàng hóa thay vì phải đổi tiền mặt sang đồng Kíp Lào.
Cụ thể, khách hàng sử dụng Sacombank Pay khi đến Lào có thể giao dịch qua QR Code tại các điểm chấp nhận thanh toán thuộc Mạng lưới thanh toán quốc gia Lào (LAPNet) bằng nguồn tiền thẻ thanh toán/thẻ tín dụng nội địa Sacombank Napas. Khi sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới khách hàng sẽ được hưởng tỷ giá chuyển đổi ưu đãi thay vì phải mất phí đổi tiền VND sang đồng Kíp Lào (LAK), đồng thời, giúp giảm thiểu các rủi ro khi mang tiền mặt trong thời gian lưu trú tại Lào.
- Sacombank công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 12/2024 là 7,24%/năm, tăng 0,18% so với tháng 11/2024; chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,02%, tăng 0,15% so với tháng 11/2024.
10. Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
- Ngày 10/01/2025, Eximbank có quyết định thông qua việc miễn nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc là ông Phạm Đăng Khoa và bà Lê Thị Mai Loan.
Ông Phạm Đăng Khoa được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Eximbank từ ngày 11/10/2024 và có đơn từ nhiệm từ ngày 30/12/2024, chỉ sau 2 tháng nhậm chức.
Bà Loan được bầu làm Thành viên HĐQT Eximbank tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 2/2023. Sau đó, bà Loan được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Eximbank. Sau 2 tháng nhậm chức, bà Loan nộp đơn từ nhiệm khỏi vị trí này. HĐQT Eximbank đã bổ nhiệm lại bà Lê Thị Mai Loan vào vị trí Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 25/5/2023. Đến tháng 01/2024, bà Loan không còn là Thành viên HĐQT.
Hiện tại, Ban điều hành Eximbank có 5 thành viên gồm: Quyền Tổng Giám đốc (ông Nguyễn Hoàng Hải); 3 Phó Tổng Giám đốc (ông Nguyễn Hướng Minh, ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ); và ông Lã Quang Trung giữ chức vụ Kế toán trưởng.
Ngày 26/02/2025 sắp tới, Eximbank sẽ họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2025 tại Hà Nội, với nội dung dự kiến bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền.
- Theo công bố của Eximbank, lãi suất cho vay bình quân tháng 12/2024 của Ngân hàng là 6,81%/năm (giảm 0,08% so với tháng 11/2024). Trong đó, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân là 7,56%/năm, tăng 0,02%; lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp là 5,89%/năm, giảm 0,14%; chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 1,81%, giảm 0,2%, so với tháng 11/2024.
11. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank)
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 2758/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung Vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động của Vietbank. Theo đó, vốn điều lệ của Vietbank được điều chỉnh lên 7.139 tỷ đồng thông qua việc phát hành 142,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại đến ngày 31/12/2023, tương đương với tỷ lệ cổ tức phân bổ 25% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành.
Như vậy, trong năm 2024, Vietbank đã thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 2.362 tỷ đồng thông qua hai đợt tăng vốn, nâng vốn điều lệ của Ngân hàng từ 4.777 tỷ đồng lên 7.139 tỷ đồng, hoàn thành đúng kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 cũng như cam kết của Ngân hàng với NHNN.
Bên cạnh đó, Vietbank đã hoàn thành mục tiêu mở mới 14 điểm giao dịch gồm 5 chi nhánh và 9 điểm giao dịch tại các tỉnh thành trọng điểm như Bắc Ninh, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Ninh… nâng tổng số điểm giao dịch lên 132 trên toàn quốc. Hiện tại Vietbank có 30 chi nhánh và 102 phòng giao dịch.
Bên cạnh việc phát triển mạng lưới, Vietbank không ngừng cải tiến, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ khách hàng cá nhân như tài khoản thanh toán, thẻ tín dụng. Nhờ vậy, Vietbank tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Vietbank đạt 820,4 tỷ đồng, tăng mạnh 96% so cùng kỳ năm trước, đạt 78% kế hoạch năm. Cuối tháng 9, tổng tài sản đạt 151.957 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng ở mức 90.811 tỷ đồng, tăng 13,6%.
Trong tháng 12, Vietbank ghi danh vào Top 10 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 trong các ngành kinh tế trọng điểm và Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam 2024. Trước đó, Vietbank nhận giải thưởng “Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc Việt Nam năm 2024” do Báo Vietnamnet và Tổ chức Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) bình chọn. Đây là lần thứ năm liên tiếp Vietbank nhận giải thưởng nhờ việc luôn duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh ổn định trong suốt giai đoạn 2022 - 2023, cùng nhiều đóng góp đáng kể cho cộng đồng, xã hội và ngân sách Nhà nước.
- Ngày 08/01/2025, vòng chung kết cuộc thi học thuật E-Banker đã kết thúc. Cuộc thi do Đoàn Khoa Ngân hàng - Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức, là sân chơi học thuật chuyên sâu dành cho sinh viên có đam mê với các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là tài chính - ngân hàng và chứng khoán, với 4 vòng thi từ ngày 16/10/2024 đến 08/01/2025. Không chỉ đồng hành về chuyên môn, Vietbank còn trực tiếp tương tác với các bạn sinh viên tại đêm Gala chung kết. Gian hàng mở tài khoản của ngân hàng đã thu hút gần 100 tài khoản được mở mới thành công.
Trước thềm chung kết, Vietbank cũng tổ chức chương trình tham quan Vietbank Chi nhánh Sài Gòn, giúp các bạn trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiểu rõ hơn về quy trình hoạt động và phân nhiệm của từng phòng, ban tại một ngân hàng. Bên cạnh đó, buổi phỏng vấn thử cũng đã hỗ trợ thí sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tự tin thể hiện bản thân và nhận được những đánh giá chân thật từ các chuyên gia, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Với chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Vietbank không chỉ tạo ra môi trường học hỏi lý thuyết mà còn khuyến khích sinh viên ứng dụng kiến thức vào thực tế. Cuộc thi E-Banker là sân chơi để Vietbank tạo điều kiện cho các bạn trẻ thể hiện tài năng và có cơ hội đóng góp vào sự phát triển của ngành ngân hàng.