Thứ năm, 24/07/2025
   

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Sổ tay Thanh toán QR Code xuyên biên giới

Sáng 23/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức cuộc họp góp ý hoàn thiện dự thảo Sổ tay hướng dẫn cung cấp, vận hành và sử dụng dịch vụ thanh toán QR Code xuyên biên giới. TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA - chủ trì cuộc họp, với sự tham gia của đại diện nhiều tổ chức tín dụng hội viên.
Thanh toán
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Hùng

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau thời gian xây dựng và lấy ý kiến, dự thảo Bộ Quy tắc thực hành thống nhất về thanh toán QR Code xuyên biên giới đã được định hình với hệ thống điều khoản, chương mục đầy đủ. Cuộc họp lần này tập trung rà soát, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp thực tiễn để hoàn thiện lần cuối trước khi trình xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, Sổ tay sẽ áp dụng cho toàn bộ quy trình, hoạt động thanh toán QR Code xuyên biên giới, bảo đảm đa dạng phương thức thanh toán, đồng thời tuân thủ pháp luật hiện hành. Đây là công cụ quan trọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường hội nhập quốc tế và tạo thuận lợi cho thương mại, du lịch biên mậu.

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, hiện nay, Việt Nam đã kết nối thanh toán QR với Thái Lan, Lào, Campuchia và đang mở rộng sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tăng cường hội nhập quốc tế.

Tại cuộc họp, đại diện cho Tổ biên tập (công ty Napas) đã trình bày tóm tắt những nội dung chính tại dự thảo để đại diện các tổ chức tín dụng cùng thảo luận, trao đổi, trong đó có các quy định về mã QR triển khai tại Việt Nam và nước ngoài; quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối; mô hình kết nối; an ninh bảo mật; quy trình xử lý giao dịch; quy định về vận hành; các quy định đối với tổ chức chuyển mạch; quy định đối với tổ chức thanh toán và tổ chức phát hành; quy định đối với nhận diện thương hiệu... Ngoài ra, dự thảo Sổ tay đã nhận được ý kiến đóng góp tích cực của đông đảo các tổ chức tín dụng như VietinBank, Techcombank, BVBank, MB, TPBank, Nam A Bank, Wooribank, ... góp ý về nhiều nội dung quan trọng như tên dự thảo, phí thanh toán; vấn đề quản lý rủi ro gian lận giả mạo lừa đảo....

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của hội viên tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến quản lý ngoại hối. Đại diện Woori Bank nêu thực tiễn về việc áp dụng hạn mức cho khách hàng cư trú theo Nghị định 70/2014/NĐ-CP và Thông tư 20/2022/TT-NHNN, đồng thời đề xuất làm rõ đối tượng sử dụng dịch vụ QR Code xuyên biên giới để tránh hiểu nhầm và sai phạm.

Một số ngân hàng đề xuất ban hành mẫu hợp đồng mua bán ngoại tệ chung, hướng dẫn cụ thể về chứng từ, cam kết của khách hàng, quy trình lưu trữ chứng từ để đảm bảo tuân thủ nhưng không gây ách tắc hoạt động.

Các hội viên thống nhất quan điểm: bản chất thanh toán QR xuyên biên giới là chi tiêu minh bạch từ nguồn nội tệ, không phải chuyển tiền thuần túy, tương tự thanh toán thẻ quốc tế. Tuy nhiên, cần có hạn mức hợp lý và cơ chế kiểm soát để tránh biến tướng, lợi dụng chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế hoặc rửa tiền. Một số ngân hàng đã chủ động áp dụng hạn mức tạm thời (50 triệu đồng/giao dịch, 100 triệu đồng/tháng) nhằm giảm rủi ro.

Nội dung Sổ tay được xây dựng với nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, quy định đầy đủ các vấn đề về phí dịch vụ, hạn mức giao dịch, trách nhiệm của đơn vị chấp nhận thanh toán (merchant), cùng các yêu cầu về phòng chống gian lận, rửa tiền trong quá trình triển khai.

Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện các tổ chức tín dụng đã thống nhất đổi tên tài liệu từ “Bộ Quy tắc” sang “Sổ tay Thanh toán QR Code xuyên biên giới tại Việt Nam”, phù hợp tính chất chi tiết, khả thi giai đoạn hiện nay. Dự thảo Sổ tay hiện gồm 7 chương, bổ sung rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, trách nhiệm của các bên, nguyên tắc tính phí, quy định nhận diện thương hiệu, logo QR Code xuyên biên giới thống nhất, cũng như các yêu cầu về phòng chống gian lận, rửa tiền.

Đại diện các ngân hàng cũng kiến nghị rà soát các văn bản pháp lý hiện hành để đồng bộ, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm triển khai từ Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… để hoàn thiện Sổ tay theo hướng minh bạch, bám sát thực tiễn, đảm bảo khả thi khi áp dụng.

Kết luận cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận tinh thần trách nhiệm và những góp ý thiết thực, sâu sát từ các tổ chức hội viên. Ông đề nghị Tổ soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng toàn bộ nội dung, đảm bảo Sổ tay đạt chất lượng, tính khả thi, đúng quy định pháp luật. Thời gian hoàn thiện bản chỉnh sửa lần cuối để xin ý kiến các bộ, ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Ngân hàng Nhà nước…) và các đơn vị liên quan là đầu tháng 8/2025.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ với các tổ chức hội viên, cơ quan quản lý để Sổ tay được ban hành đúng tiến độ, mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển an toàn, bền vững của thị trường thanh toán Việt Nam và hoạt động ngành ngân hàng.

T.Đ

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay