Thứ ba, 24/12/2024
   

VNBA làm việc với nhóm chuyên gia quốc tế CSIS về thanh toán xuyên biên giới

Chiều 12/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc, trao đổi với nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) về hệ thống thanh toán xuyên biên giới ASEAN (ASEAN CBPS).
thanh toán xuyên biên giới
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo một số Ban, đơn vị Cơ quan Thường trực VNBA.

Theo đại diện nhóm chuyên gia, phía CSIS đang thực hiện nghiên cứu tính khả thi trong việc triển khai thanh toán xuyên biên giới dành cho khách du lịch, người lao động quốc tế tại Việt Nam. Chính vì thế, CSIS mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp từ VNBA về hệ thống thanh toán xuyên biên giới ASEAN (ASEAN CBPS) và các vấn đề liên quan.

Trao đổi tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Quốc Hùng đã trả lời câu hỏi của các chuyên gia nghiên cứu cũng như chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc kết nối thanh toán xuyên biên giới mà các tổ chức tín dụng hội viên đang triển khai.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc liên thông hệ thống thanh toán xuyên biên giới giữa các nước ASEAN bằng mã QR là sự mở rộng tất yếu của đổi mới tài chính số, nhằm bắt kịp nhu cầu thanh toán của người dân các nước khi đi du lịch, làm việc và sinh sống tại nước ngoài.

Với lợi thế tăng trưởng Internet nhanh, ASEAN cũng là một trong các thị trường có mức độ kết nối số cao nhất thế giới, các phương thức thanh toán điện tử trên ứng dụng di động đang tăng trưởng mạnh mẽ và tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán qua điện thoại ngày càng cao.

Do đó, việc liên thông kết nối thanh toán xuyên biên giới giữa các nước dự kiến sẽ góp phần hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại và du lịch giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN, kích thích tăng trưởng thương mại nội khối ASEAN.

Quang cảnh buổi trao đổi, làm việc
Quang cảnh buổi trao đổi, làm việc

Về thách thức lớn nhất mà các ngân hàng tại Việt Nam có thể gặp phải trong quá trình triển khai CBPS, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng đó là việc xây dựng được merchant thanh toán chung. Đây là dịch vụ cho phép khách hàng sử dụng để thanh toán cho các giao dịch mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán của đơn vị chấp nhận thanh toán từ tài khoản của khách hàng tại ngân hàng thông qua tính năng mã QR trên ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng hoặc Ví điện tử.

Để xây dựng được merchant thanh toán chung cần sự thống nhất giữa các ngân hàng tại Việt Nam cả về hạ tầng công nghệ và mức phí (hệ sinh thái thanh toán qua mã QR). Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã giao VNBA làm đầu mối cùng các ngân hàng triển khai xây dựng hệ sinh thái thanh toán qua mã QR để mỗi ngân hàng đều có thể kết nối và thanh toán.

Hiện VNBA cũng đã thành lập Tổ công tác xây dựng sổ tay hướng dẫn cung cấp, vận hành và sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR. Nhờ đó, dự kiến sẽ đẩy mạnh các giải pháp tăng tốc độ kết nối các quốc gia để mở rộng thị trường chấp nhận thanh toán QR xuyên biên giới.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết thêm, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan (năm 2019), Campuchia (năm 2023), Lào (năm 2024) nhưng chủ yếu các kết nối thanh toán là QR chuyển tiền. Do vậy, VNBA, Napas và các ngân hàng cũng đang tích cực phát triển mảng QR thanh toán cả trong nội địa và quốc tế.

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, việc thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới trong khu vực ASEAN, sẽ góp phần hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại và du lịch giữa các quốc gia trong khu vực, đồng thời kích thích tăng trưởng thương mại nội khối ASEAN.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thêm sự lựa chọn thanh toán thuận tiện hơn, giảm được các rủi ro mất thẻ, lộ thông tin thẻ, rủi ro trộm cắp khi mang tiền mặt. Đồng thời, còn giúp giảm lượng tiền mặt lưu thông qua biên giới. Qua đó, hạn chế việc mua bán ngoại tệ ngoài thị trường chợ đen.

Cũng tại buổi làm việc, nhóm chuyên gia nghiên cứu quốc tế CSIS và CIEM đã đặt nhiều câu hỏi tham vấn TS Nguyễn Quốc Hùng về hành lang pháp lý hiện có đối với thanh toán xuyên biên giới qua mã QR, về QR Merchant, dự báo tiềm năng thị trường cũng như đánh giá rủi ro liên quan tới phòng, chống rửa tiền qua mã QR…

Kết thúc buổi làm việc, nhóm nghiên cứu quốc tế CSIS và CIEM bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao những thông tin, chia sẻ rất hữu ích từ TS Nguyễn Quốc Hùng, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ VNBA trong thời gian tới.

Đại diện VNBA và nhóm nghiên cứu về hệ thống thanh toán xuyên biên giới ASEAN cùng chụp ảnh lưu niệm
Đại diện VNBA và nhóm chuyên gia nghiên cứu CSIC, CIEM chụp ảnh lưu niệm

Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia, Lào. Điều này cho phép người dân mỗi nước quét mã QR để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại.

Lợi ích lớn nhất của kênh thanh toán mới này là tạo thuận lợi cho khách hàng khi đi du lịch và công tác ở Thái Lan, Lào, Campuchia. Như vậy, người Việt thanh toán trên điện thoại thông minh ở nước ngoài sẽ tiện lợi hơn so với trả tiền mặt, không lo bị mất thẻ hay giảm thiểu rủi ro gian lận giao dịch khi thực hiện thanh toán. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thanh toán xuyên biên giới còn giúp các ngành bán lẻ được hưởng lợi trong bối cảnh chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tăng, từ đó có thể thúc đẩy ngành du lịch.

Hiện nay rất nhiều tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam như Vietcombank, BIDV, Sacombank, TPBank, Vietinbank, Vietcombank, NamA Bank, Techcombank, BVBank, MB… đã triển khai hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia, Lào và tiến tới sẽ là nhiều quốc gia khác.

T.Đ

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay