Thứ tư, 18/12/2024
   

Tăng cường thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa các nước trong khu vực ASEAN

Việc người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày càng tăng tạo ra mảnh đất màu mỡ cho việc số hóa thương mại khi khoảng cách phát triển giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng thu hẹp.
thanh toán xuyên biên giới qua mã QR
Ảnh minh hoạ

Ngân hàng Shinhan Việt Nam vừa chính thức ra mắt dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR tại hai thị trường Thái Lan và Campuchia ngày 7/10 vừa qua. Như vậy, khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng số Shinhsan SOL Việt Nam (ứng dụng SOL) có thể giao dịch thanh toán tại hàng triệu điểm bán ở Thái Lan và Campuchia một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Đại diện Ngân hàng Shinhan Việt Nam, cho biết dịch vụ này của Shinhan phù hợp và bám sát các nội dung Văn bản số 437/HHNH-PLNV của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc đẩy nhanh thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR giữa các nước trong khu vực; cũng như chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Giao dịch mã QR trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 104,23% về số lượng và 99,57% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023 (số liệu thống kê của NHNN).

Theo NHNN, thanh toán xuyên biên giới là sự mở rộng tất yếu của đổi mới tài chính số nhằm bắt kịp nhu cầu giao dịch, thanh toán của người dân và nền kinh tế. Qua đó, mở rộng phạm vi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của Việt Nam ra nước ngoài, mang đến hệ sinh thái thanh toán tiện lợi cho người dân cũng như hỗ trợ các hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, du lịch giữa các quốc gia.

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai tiếp với Lào.

Tháng 8/2023, NHNN cũng đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác kết nối thanh toán khu vực với các Ngân hàng Trung ương ASEAN5, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN5 đã cam kết thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, minh bạch, toàn diện hơn và với chi phí thấp hơn, bảo đảm quyền và lợi ích của người dùng.

Thanh toán xuyên biên giới kích thích tăng trưởng thương mại nội khối ASEAN

Thông tin cập nhật tháng 5/2024 tại Cổng dữ liệu thống kê ASEAN (ASEANStatsDataPortal) cho biết, trong giai đoạn 2003–2023, tổng thương mại hàng hóa của ASEAN với cả đối tác trong và ngoài khối đều có sự tăng trưởng đáng kể. Năm 2003, tổng thương mại ASEAN đạt giá trị 871,8 tỷ USD. Con số này tăng lên 2.533,1 tỷ USD vào năm 2013 và lên 3.560,1 tỷ USD vào năm 2023.

Thương mại nội khối ASEAN chiếm khoảng 22% tổng thương mại ASEAN trong giai đoạn này. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 8,0% đối với tổng thương mại ASEAN, 8,2% đối với ngoài ASEAN và 7,4% đối với nội khối ASEAN. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của thương mại nội khối ASEAN thấp hơn tốc độ tăng trưởng của thương mại ngoài ASEAN đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Sau đại dịch COVID-19, thương mại nội khối ASEAN tăng trưởng nhanh hơn thương mại ngoài ASEAN. Thương mại nội khối ASEAN tăng trưởng lần lượt 25,5% và 20,3% vào năm 2021 và 2022, vượt qua mức tăng trưởng của thương mại ngoài ASEAN là 25,3% và 13,5%.

tang-cuong-thanh-toan-xuyen-bien-gioi-qua-ma-qr-giua-cac-nuoc-trong-khu-vuc-asean-20241012115509.jpg?rt=20241013155131

Tuy nhiên, vào năm 2023, tổng thương mại ASEAN, đạt 3,6 nghìn tỷ đô la Mỹ, đã giảm 7,4% so với năm trước. Thương mại nội khối ASEAN giảm 10,1% xuống còn 769,9 tỷ đô la Mỹ, trong khi thương mại ngoài ASEAN giảm 6,7% xuống còn 2.790,2 tỷ đô la Mỹ. Sự suy giảm này có thể là do nhiều yếu tố, bao gồm điều kiện kinh tế toàn cầu, động lực thương mại khu vực và những thách thức nội bộ trong mỗi quốc gia thành viên ASEAN.

Trong khi đó, “Khảo sát doanh nghiệp tại ASEAN” của Ngân hàng HSBC công bố đầu tháng 4/2024 đánh giá, ASEAN là một khối thương mại năng động với mức tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Tổng GDP của cả khu vực đạt 3 nghìn tỷ USD.

Đây cũng là thị trường Internet tăng trưởng nhanh nhất, đồng thời có mức độ kết nối số cao nhất thế giới. Đồng thời, thị trường thanh toán điện tử ở Đông Nam Á đang tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ sử dụng thanh toán qua điện thoại ngày càng cao.

Thay vì dựa vào thẻ ngân hàng vật lý, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã lựa chọn mã QR làm phương tiện thanh toán ưa thích bởi thao tác đơn giản, thuận tiện. Trong 18 tháng qua, các nước ASEAN đã nhân rộng các thỏa thuận khung để thực hiện các khoản thanh toán xuyên biên giới bằng nội tệ.

7/10 quốc gia trong khu vực, gồm có Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Singapore đã kết nối hệ thống thanh toán với nhau thông qua các ngân hàng trung ương và ngân hàng tư nhân quốc gia, bảo đảm việc trao đổi tiền tệ này sang tiền tệ khác.

Các nước ASEAN++ khác như Nhật Bản cũng đang rất quan tâm đến việc loại bỏ rắc rối trong việc thu đổi ngoại tệ cho khách du lịch và doanh nghiệp. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã tổ chức các cuộc thảo luận với chính phủ và ngân hàng trung ương các quốc gia ASEAN như Indonesia và Campuchia về việc hợp tác thanh toán mã QR giữa Nhật Bản và ASEAN.

Sáng kiến này nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa hệ thống mã QR kết nối các dịch vụ trong nước và quốc tế, cho phép khách du lịch mua hàng bằng phương thức thanh toán ở nước họ. Một hệ thống thanh toán hợp nhất dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024, mở đường cho việc tích hợp mã QR hoàn chỉnh vào năm 2025.

Vì thế, dịch vụ thanh toán mã QR xuyên biên giới được dự đoán sẽ ngày càng được ưa chuộng và trở thành một trong những giải pháp thanh toán phổ biến trong thời gian tới.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay