Thứ tư, 22/01/2025
   

Triển khai kế hoạch xây dựng Sổ tay hướng dẫn thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR

Chiều ngày 19/12/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng “Sổ tay hướng dẫn cung cấp, vận hành và sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR”. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng chủ trì cuộc họp.
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thúc đẩy hợp tác thanh toán song phương qua mã QR giữa các quốc gia trong khu vực là phù hợp với xu hướng liên kết. Để thúc đẩy thanh toán giữa các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đã hợp tác với Thái Lan, Campuchia và Lào triển khai kết nối thanh toán song phương qua mã QR. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc khiến quá trình thanh toán chưa thông suốt, còn gặp gián đoạn. Do đó, cần thiết có thông lệ, “hệ sinh thái” chung để các bên tham gia thống nhất, đảm bảo hoạt động thanh toán liên thông với nhau.

Căn cứ vào chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng giao cho Vụ Thanh toán phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng rà soát lại tình hình triển khai thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với các đối tác song phương. Sau khi bàn bạc thống nhất với tổ chức hội viên và trung gian thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã ban hành Quyết định 81/QĐ-HHNH ngày 25/11/2024 về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng sổ tay hướng dẫn cung cấp, vận hành và sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR (Sổ tay hướng dẫn). Cuộc họp hôm nay nhằm thống nhất chủ trương chung, đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình và hoàn thiện để sớm ban hành sổ tay hướng dẫn này.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc xây dựng và sớm ban hành sổ tay hướng dẫn rất là cấp bách, Ngân hàng Nhà nước cũng rất quan tâm và mong muốn sớm hoàn thiện hệ thống kết nối để tất cả các tổ chức tín dụng đều có thể triển khai thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR. Để “Sổ tay hướng dẫn” sớm được ban hành chính thức cần mỗi thành viên trong Ban soạn thảo và Tổ biên tập phải thật sự quyết tâm và đặt nhiều tâm huyết, quán triệt đến từng nội dung, đồng thời phân công nhiệm vụ phù hợp, rõ ràng theo kế hoạch thời gian cụ thể. Trong đó, NAPAS và VNPAY là đầu mối phối hợp để triển khai thật hiệu quả.

thanh toán
Quang cảnh buổi họp

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) – Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo, đã cập nhật tình hình triển khai thanh toán qua mã QR tại Việt Nam. Theo đó, tính tới hiện tại, mỗi ngày NAPAS xử lý khoảng 10 triệu giao dịch qua VietQR, trong đó ít nhất có khoảng 40% là các loại giao dịch thanh toán. Có thể thấy, độ phủ về thanh toán mã QR tại Việt Nam là rất tốt, số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán rất nhiều.

Mặc dù vậy, đại diện NAPAS cũng chỉ ra, khi khách du lịch Thái Lan, Campuchia và Lào sang Việt Nam đều gặp khó khăn khi thanh toán qua mã QR, do mã QR hiện tại chủ yếu là QR chuyển tiền chứ chưa phải QR thanh toán và định dạng QR giữa các bên còn khác nhau. Việc duy trì nhiều định dạng là không phù hợp. Chỉ cần 1 định dạng mã QR để thị trường phát triển tốt nhất.

Năm 2024, NAPAS đã cho ra mắt VietQR Global, sử dụng cho tất cả các thanh toán xuyên biên giới thông qua các kênh song biên. Năm 2025, dự kiến sẽ kết nối với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông Nguyễn Hưng Nguyên thông tin thêm, ngày 18/12 vừa qua, BVBank đã thực hiện thành công giao dịch qua VietQR Global đầu tiên cho khách hàng Thái Lan sang Việt Nam.

Trao đổi tại cuộc họp, đại diện cho Tổ biên tập Sổ tay hướng dẫn đã báo cáo tình hình thực hiện phát triển thanh toán song phương qua mã QR. Theo đó, về tình hình phát triển thanh toán song phương mã QR trên thế giới, có hai xu hướng triển khai giao dịch bằng mã QR: Triển khai QR đối với các giao dịch chuyển tiền và chuyển đổi dần sang các giao dịch thanh toán; Triển khai QR đối với các giao dịch thanh toán ngay từ đầu.

Các quốc gia có xu hướng thống nhất một chuẩn QR do chính phủ bảo trợ ban hành. Chính phủ các quốc gia hỗ trợ tài chính cho các tổ chức phát triển mạng lưới, miễn giảm phí nhằm thúc đẩy sử dụng dịch vụ.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã cùng thảo luận về các vấn đề liên quan đến mạng lưới merchant (điểm chấp nhận thanh toán); giải pháp để merchant chuyển đổi từ mã QR chuyển tiền sang mã QR thanh toán; các quy định về mạng lưới chấp nhận thanh toán khi tham gia dịch vụ; chế tài áp dụng với các vi phạm quy định cung cấp dịch vụ; phí giao dịch; chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước…

Đại diện Tổ biên tập chỉ ra các khó khăn chính trong việc triển khai thanh toán xuyên biên giới qua mã QR bao gồm: Phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán, tính liên thông giữa các mạng lưới mã QR Việt Nam, tuân thủ cung cấp dịch vụ, chính sách thúc đẩy từ cơ quan quản lý, tuân thủ nhận diện thương hiệu...

Trao đổi ý kiến tại cuộc họp, đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, Ngân hàng Nhà nước ủng hộ việc các ngân hàng phát triển mạng lưới merchant và liên thông với nhau. Về vấn đề phí cũng như các vướng mắc khác, đại diện Vụ Thanh toán ghi nhận và cho biết, sẽ có văn bản báo cáo lãnh đạo NHNN xem xét tháo gỡ khó khăn.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đã đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các tổ chức tín dụng trong việc thống nhất xây dựng sổ tay thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR có thu phí. TS. Nguyễn Quốc Hùng đã phân chia công việc cho từng thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập, đồng thời, đề ra lộ trình cụ thể. Dự kiến, đến 31/3/2025, sẽ xây dựng được dự thảo sổ tay thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR. Dự kiến tháng 4/2025, sẽ gửi dự thảo xin ý kiến góp ý từ các vụ, cục cùng Ngân hàng Nhà nước và ngay trong quý II/2025, “Sổ tay thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR” sẽ ban hành chính thức.

Trước đó, ngày 25/11/2024, VNBA đã có Quyết định số 81/QĐ-HHNH về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng sổ tay hướng dẫn cung cấp, vận hành và sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR.

Trong đó, Ban soạn thảo có nhiệm vụ triển khai xây dựng dự thảo sổ tay hướng dẫn cung cấp, vận hành và sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR trình Hiệp hội Ngân hàng ban hành. Đồng thời, Tổ biên tập có nhiệm vụ giúp Ban soạn thảo trong việc thu thập thông tin, tài liệu cần thiết, dự thảo số tay hướng dẫn cung cấp, vận hành và sử dụng dịch vụ thanh toán xuyên biên giới bằng mã QR; Tổng hợp các ý kiến tham gia, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo và thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác theo chỉ đạo của Ban soạn thảo.

Cụ thể, Ban soạn thảo có 15 thành viên, trong đó: Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA - Trưởng Ban soạn thảo; Ông Nguyễn Hưng Nguyên - Phó Tổng giám đốc - Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - Phó Trưởng Ban Thường trực; Ông Nguyễn Tuấn Lương - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPAY - Phó Trưởng ban, cùng đại diện Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, Techcombank, MB, Sacombank, TPBank, Nam A Bank, BVBank, Woori Việt Nam và Ban Pháp luật và Nghiệp vụ VNBA. Ngoài ra còn có Tổ biên tập với 13 thành viên

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay