Sáng ngày 13/12/2024, tại Diễn đàn Vietnam Banking Innovation Summit 2024 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết, năm 2024 đánh dấu một bước tiến mới trong thanh toán quốc tế khi các ngân hàng Việt Nam lần đầu tiên cho phép khách hàng sử dụng mã QR để giao dịch tại Lào, Campuchia và Thái Lan, thay thế phương thức thanh toán truyền thống bằng tiền mặt và thẻ.
Điều này có nghĩa rằng, người Việt Nam có thể dễ dàng thanh toán bằng ví điện tử tại Lào, Campuchia và Thái Lan chỉ với một chiếc smartphone, loại bỏ sự cần thiết mang theo tiền mặt hoặc thẻ.
Theo tiến sĩ Lực, hiện các ngân hàng Việt đi rất nhanh trong quá trình chuyển đổi số. Các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và đang tích cực đầu tư vào công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.
Việc tự động hóa các quy trình nghiệp vụ không chỉ giúp tiết giảm chi phí và thời gian mà còn mở ra cơ hội phát triển các sản phẩm, dịch vụ số mới mẻ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong kỷ nguyên số.
Tiến sĩ Lực cũng cho biết, cho vay trực tuyến được dự báo sẽ tăng trưởng đến 49%, một phần bởi xuất phát điểm thấp do mới được luật hóa. Mặc dù, môi trường chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của ngành ngân hàng Việt Nam, nhưng khung pháp lý trong phát triển ngân hàng số còn chưa đồng bộ, hướng dẫn về dịch vụ cloud trong ngành ngân hàng chưa có.
Ngoài ra, Nhà nước nên sớm ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, nhân rộng mô hình tương tự cho fintech trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đổi mới sáng tạo không chỉ là xu hướng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành ngân hàng. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2030 đã khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ. Các ngân hàng đã nắm bắt, áp dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain, AI, big data và sinh trắc học để nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng.
"Trong thời gian tới quá trình chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ hơn nữa ở lĩnh vực ngân hàng. Đặc biệt, AI và AI tạo sinh đang tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực ngành ngân hàng. Sự kết hợp giữa dữ liệu lớn, sức mạnh tính toán và các thuật toán tiên tiến đã mở ra những khả năng mới, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới mẻ" - ông Sơn nói.
Ông Frankie Wai, Giám đốc giải pháp kinh doanh Temenos AG nhận định, trên toàn cầu, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số bắt đầu từ năm 2013-2014 và đã được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý. Nhờ những chính sách khuyến khích, ngành ngân hàng Việt Nam đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trên thế giới.
"AI đã chứng tỏ khả năng phân tích dữ liệu khách hàng một cách sâu sắc, giúp các ngân hàng hiểu rõ hơn về nhu cầu và hành vi của khách hàng. Nhờ đó, các ngân hàng có thể xây dựng các sản phẩm và dịch vụ tài chính cá nhân hóa, tăng cường tương tác với khách hàng và tạo ra các cộng đồng khách hàng gắn kết.
Đồng thời, AI còn được ứng dụng để phát triển các giải pháp thanh toán xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch giữa các quốc gia trong khu vực" - ông Frankie Wai nói.