Thứ ba, 21/01/2025
   

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Thế giới

Ngày 24/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm trao đổi về vấn đề Tài chính toàn diện. TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp đoàn và chủ trì buổi làm việc.
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Đoàn công tác WB gồm ông Triệu Quốc Việt - Chuyên gia tài chính cao cấp, Trưởng đoàn công tác; ông Sirgfied Zottel – Chuyên gia tài chính cao cấp, Trưởng Phụ trách kỹ thuật; ông Guy Stuart – Chuyên gia tư vấn cùng các thành viên trong đoàn.

Theo đại diện WB, trong thời gian vừa qua, đoàn công tác của WB đã nghiên cứu, hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) cùng các cơ quan liên quan đánh giá hiệu quả và tình hình thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện giai đoạn 01 (2021-2025); đề xuất định hướng, khuyến nghị xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện giai đoạn 02 (2026-2030). Chính vì thế, đoàn làm việc của WB mong muốn nhận được những chia sẻ, đánh giá và định hướng của VNBA về Tài chính toàn diện tại Việt Nam cũng như những khó khăn thách thức mà Việt Nam có thể gặp phải.

Trao đổi tổng quan về tình hình thực hiện chiến lược tài chính toàn diện tại buổi tiếp, TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó đã xác định tài chính toàn diện là mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. 

Việc ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước.

Ngay sau khi Chiến lược được ban hành, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược.    

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, sự tiếp nhận chuyển đổi số của người dân nhanh chóng, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng về hạ tầng công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, khuôn khổ pháp lý, sự an toàn, tiện lợi… Minh chứng rõ nhất từ báo cáo của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) về thị trường thanh toán của Việt Nam năm 2023 cho thấy, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 3,5 tỷ giao dịch với tổng giá trị lên tới 66 triệu tỷ đồng. Giao dịch thanh toán trực tuyến (Ecom) đạt khoảng 210 triệu giao dịch, tăng 15% so với 2022 với tổng giá trị giao dịch khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Số lượng giao dịch qua QR Code đạt khoảng 183 triệu giao dịch, tăng 170% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch qua QR Code đạt khoảng 116 nghìn tỷ đồng, tăng 74% so với năm 2022. Số lượng thẻ đang lưu hành khoảng 146 triệu thẻ với tổng doanh số thanh toán năm 2023 đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với 2022.

Đoàn làm việc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Đoàn làm việc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Bên cạnh đó, theo báo cáo khảo sát mới đây của VISA (Công ty công nghệ thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới), 88% người tiêu dùng Việt Nam thanh toán không dùng tiền mặt. Lý do quan trọng nhất thu hút người tiêu dùng Việt Nam thanh toán không dùng tiền mặt là đảm bảo được sự an toàn, bảo mật thông tin cá nhân, tích hợp đa dạng dịch vụ tiện ích và chi phí thấp.

Một trong những động lực thúc đẩy tài chính toàn diện đến từ việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung rất nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, thậm chí chủ động đi trước cả khi hoàn thiện hành lang pháp lý.

Người dân có thể thanh toán tiện lợi, nhanh chóng ở mọi lúc, mọi nơi, an toàn, bảo mật, hạn chế được tình trạng mất cắp, rơi tiền, không phải kiểm đếm tiền, không lo nguy cơ tiền giả, không mất thời gian tìm tiền trả lại, không cần phải cầm nhiều tiền mặt, kèm theo là chi phí thấp. Thanh toán không dùng tiền mặt tích hợp đa dạng dịch vụ tiện ích: chỉ cần sử dụng một ứng dụng là có thể thanh toán cho nhiều dịch vụ khác nhau tích hợp trong đó. 

Gần đây, dịch vụ tiền di động (mobile money) đã được thí điểm triển khai. Theo đó, 3 nhà mạng viễn thông lớn được SBV cấp phép tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán, gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone). Các doanh nghiệp này đã tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông sẵn có của mình để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, nhằm mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội. Đây là một trong những chiến lược kế hoạch toàn diện tài chính quốc gia.

Đối với vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số hướng đến tài chính toàn diện, TS Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ trăn trở, hiện nay vẫn còn một số vướng mắc xung quanh việc thu phí đối với dịch vụ chữ ký số - chữ ký điện tử gây cản trở cho việc phổ biến giao dịch điện tử, hạn chế chiến lược chuyển đổi số.

Nhiều Tổ chức tín dụng (TCTD) muốn cung cấp cho người dân chữ ký điện tử, nhất là đối với người dân vùng sâu vùng xa mà không cần trả phí. Nếu phải trả phí người dân vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo sẽ gặp khó khăn khi thanh toán online, ký hợp đồng vay mượn và người dân sẵn sàng không sử dụng trên môi trường điện tử, làm hạn chế chuyển đổi số.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã trao đổi thêm về các vấn đề liên quan tới: thanh toán xuyên biên giới; xu hướng ngân hàng mở (Open Banking); quy định về ngân hàng đại lý trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, hiện nay, Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia, Lào, kỳ tới sẽ là Trung Quốc và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Điều này cho phép người dân mỗi nước quét mã QR để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại. Tuy nhiên, sau quá trình triển khai, Việt Nam cần hoàn thiện và mở rộng mạng lưới Merchant, kết nối liên thông giữa các TCTD. Xây dựng mạng lưới Merchant sẽ rất tốn kém vì vậy cần phải nghiên cứu triển khai để đảm bảo thanh toán xuyên biên giới được thuận lợi. 

Đối với lĩnh vực cho vay tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), TS Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, các TCTD rất quan tâm và sẵn sàng mở rộng cho vay đối với các doanh nghiệp đảm bảo được đầu vào và đầu ra, kiểm soát được dòng tiền, đủ điều kiện cho vay. Thậm chí, các TCTD sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để đảm bảo cho vay.

TS Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, vấn đề phát triển tài chính toàn diện, các ngân hàng thương mại hiện rất năng động, đã có sự chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, kinh nghiệm chuyển đổi số, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi triển khai các mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện trong giai đoạn mới. Tuy vậy, một mình ngành Ngân hàng thì không làm được mà cần sự vào cuộc, đồng hành của các bộ, ngành, các đơn vị liên quan.

Cũng tại buổi làm việc, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, VNBA luôn đồng hành với SBV, đóng góp ý kiến về cơ chế chính sách, các dự thảo Thông tư trước khi ban hành. Hàng chục Thông tư mà SBV ban hành đều có những ý kiến đóng góp của VNBA ở các giai đoạn triển khai. Nhiều nội dung quan trọng đều tham gia cùng và được SBV lắng nghe tiếp thu.

Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và đoàn công tác Ngân hàng Thế giới chụp ảnh lưu niệm
Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và đoàn công tác Ngân hàng Thế giới chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc buổi làm việc, đại diện WB bày tỏ lòng cảm ơn về những trao đổi, chia sẻ thông tin rất hữu ích của VNBA, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự tham vấn, trao đổi và sự hỗ trợ từ phía VNBA để đoàn công tác WB hoàn thiện báo cáo và đưa ra những đề xuất định hướng, khuyến nghị phù hợp giúp xây dựng hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia giai đoạn 2 tại Việt Nam.

N.A

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay