![Bộ quy tắc](https://s-vnba-cdn.aicms.vn/thumb/w_1000/vnba-media/25/2/11/hiep-hoi-ngan-hang-viet-nam-ban-hanh-bo-quy-tac-va-thuc-hanh-thong-nhat-ve-danh-muc--nguyen-tac-cung-cap-chung-tu-doi-voi-giao-dich-chuyen-tien-mot-chieu-ra-nuoc-ngoai_67ab1fd28cb13.jpg)
Bộ Quy tắc hết sức cần thiết cho các ngân hàng trong bối cảnh giao dịch chuyển tiền ra nước ngày càng tăng cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ quy tắc và thực hành thống nhất này hướng dẫn danh mục, nguyên tắc cung cấp chứng từ đối với giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam cho các mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài được phép theo quy định tại Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các văn bản sửa đổi, bổ sung và thay thế (nếu có), Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, Thông tư 20/2022/TT-NHNN ngày 30/12/2022 hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Bộ quy tắc này quy định khung về danh mục và nguyên tắc cung cấp chứng từ cần tuân thủ khi thực hiện các giao dịch mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam cho các mục đích chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài.
Đối tượng áp dụng Bộ quy tắc này là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng; Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối không phải là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng nhưng lựa chọn áp dụng Bộ Quy tắc này.
Bộ quy tắc bao gồm 4 Chương với 18 Điều, tập hợp các nguyên tắc và hướng dẫn thực hành thống nhất về danh mục chứng từ và việc cung cấp chứng từ đối với giao dịch chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam.
Đây là Bộ Quy tắc hết sức cần thiết cho các ngân hàng trong bối cảnh giao dịch chuyển tiền ra nước ngày càng tăng cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc ban hành Bộ quy tắc sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 phía: Giúp các ngân hàng thực hiện thống nhất với khách hàng trên phạm vi toàn quốc, qua đó giảm thiểu các rủi ro liên quan, đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng thuận lợi trong việc kiểm soát, nhằm hạn chế tình trạng chuyển tiền bất hợp pháp.
Bộ Quy tắc do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ban hành không phải là văn bản quy định pháp luật, tuy nhiên sẽ là cơ sở để các ngân hàng thống nhất thực hiện như một thông lệ thị trường. Thực tế cho thấy, trên thế giới cũng như ở Việt Nam cũng đã có những Quy định nguyên tắc và thực hành thống nhất mặc dù không phải là văn bản quy định pháp luật, nhưng đã được áp dụng rộng rãi như: Các quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ của ICC (UCP 600); án lệ ở Việt Nam được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua và được công bố theo quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử…
![Bộ quy tắc](https://s-vnba-cdn.aicms.vn/thumb/w_1000/vnba-media/25/2/11/hiep-hoi-ngan-hang-viet-nam-chinh-thuc-ban-hanh-bo-quy-tac-ve-chuyen-tien-ra-nuoc-ngoai_67ab27c1c9c51.png)
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ban soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc họp để tiếp thu ý kiến giải trình và thống nhất xây dựng đề cương, hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc
Trước đó, căn cứ đề nghị của ngân hàng hội viên, ngày 24/10/2023, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn số 432/HHNH-PLNV báo cáo Thống đốc và đề xuất xây dựng Bộ Quy tắc và Thực hành thống nhất chuyển tiền ra nước ngoài. Ngày 10/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 8743/NHNN-QLNH thống nhất chủ trương và giao Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đầu mối phối hợp với các ngân hàng hội viên, Nhóm công tác ngân hàng (BWG) và các đơn vị liên quan trong Ngân hàng Nhà nước xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc.
Trong quá trình xây dựng Bộ Quy tắc, Hiệp hội Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến về Đề cương chi tiết, dự thảo Bộ Quy tắc. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo và lấy ý kiến của các Ngân hàng hội viên đối với dự thảo lần 1, lần 2. Sau khi xây dựng dự thảo lần 3, Ban soạn thảo tiếp tục xin ý kiến và làm việc với Vụ Quản lý ngoại hối để hoàn thiện và xây dựng dự thảo lần 4.
Đến ngày 30/9/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản xin ý kiến của 4 Bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao) và 4 đơn vị của Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Pháp chế, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Cục Phòng chống rửa tiền) đối với dự thảo lần 4 Bộ Quy tắc. Về cơ bản các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước thống nhất với nội dung dự thảo Bộ Quy tắc và đề nghị rà soát, chỉnh sửa một số nội dung để đảm bảo chặt chẽ hơn. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất sự cần thiết ban hành Bộ quy tắc, các Bộ ngành khác cũng có một số ý kiến cho Ban soạn thảo.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của 8/8 Bộ, ngành và các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước, ngày 07/02/2025, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã họp với Ban soạn thảo để tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo lần cuối cùng trước khi ban hành.
Chi tiết Bộ quy tắc xem tại đây