Thứ bảy, 25/01/2025
   

VNBA lấy ý kiến hội viên đối với Hồ sơ Dự án Luật Phá sản (sửa đổi)

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có công văn gửi Tổng Giám đốc các tổ chức hội viên lấy ý kiến đối với Hồ sơ Dự án Luật Phá sản (sửa đổi).
Luật Phá sản
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Công văn số 20/TANDTC-PC ngày 21/01/2025 của Tòa án nhân dân tối cao về việc lấy ý kiến đối với Hồ sơ Dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Theo Tòa án nhân dân tối cao, mục đích xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tuyên bố phá sản và thanh lý kịp thời những doanh nghiệp, hợp tác xã không còn khả năng phục hồi. Giải quyết vụ việc phá sản hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thủ tục, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Cụ thể gồm: (1) Khuyến khích áp dụng sớm thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; (2) Xây dựng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ việc phá sản đủ điều kiện luật định; (3) Áp dụng phương thức điện tử trong giải quyết vụ việc phá sản; (4) Hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết phá sản để khắc phục vướng mắc, bất cập và phù hợp với thông lệ quốc tế (5) Đề cao vai trò và tăng cường trách nhiệm của Quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản.

Trong đó, phạm vi điều chỉnh của Luật, gồm: trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phục hồi, thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết yêu cầu phục hồi, tuyên bố phá sản; thi hành quyết định tuyên bố phá sản; nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành, người tham gia thủ tục phục hồi, phá sản.

Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc phá sản. Người tham gia vụ việc phá sản là người nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản của Việt Nam.

Theo đó, dự thảo hồ sơ Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) được xây dựng có 184 điều, với 12 chương, gồm: Chương I, những quy định chung (gồm 63 điều, từ Điều 1 đến Điều 63); Chương II, thủ tục hòa giải (gồm 04 điều, từ Điều 64 đến Điều 67); Chương III, thủ tục phục hồi (gồm 37 điều, từ Điều 68 đến Điều 104);

Chương IV, thủ tục phá sản (gồm 29 điều, từ Điều 105 đến Điều 133); Chương V, thủ tục phục hồi, phá sản rút gọn (gồm 11 điều, từ Điều 134 đến Điều 144); Chương VI, thủ tục phá sản tổ chức tín dụng (gồm 08 điều, từ Điều 145 đến Điều 152); Chương VII, yêu cầu nước ngoài hỗ trợ thủ tục phá sản (gồm 02 điều, Điều 153 và Điều 154);

Chương VIII, hỗ trợ vụ việc phá sản nước ngoài (gồm 04 điều, từ Điều 155 đến Điều 158); Chương IX, thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về phá sản của Tòa án nước ngoài (gồm 06 điều, từ Điều 159 đến Điều 164); Chương X, thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản (gồm điều 12, từ Điều 165 đến Điều 176);

Chương XI, trách nhiệm của các bên có liên quan, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm (gồm 05 điều, từ Điều 177 đến Điều 181); Chương XII, điều khoản thi hành (gồm 03 điều, từ Điều 182 đến Điều 184).

Chi tiết hồ sơ Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và tờ trình quý hội viên xem tại đây. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị các Tổ chức hội viên tham gia ý kiến đối với Hồ sơ Dự án này.

Văn bản góp ý của Quý Hội viên (bao gồm cả file word) xin gửi về Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam theo địa chỉ email: thuptm.vnba@gmail.com trước ngày 10/02/2025 để tổng hợp (Điện thoại: 0339.120.916 - Ms. Minh Thu).

VNBA rất mong nhận được sự quan tâm, hợp tác của quý Tổ chức hội viên.

PLNV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay