Sáng 06/10/2023, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo và Triển lãm ngành ngân hàng Việt Nam – Smart Banking năm 2023. Sự kiện do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn IEC (IEC Group) phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì và chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Với chủ đề "Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số", Hội thảo và triển lãm quốc tế về Smart Banking 2023 bao gồm 01 phiên toàn thể và 03 Phiên hội thảo, Diễn tập Thực chiến phòng thủ không gian mạng – DF Cyber Defense và Triển lãm Quốc tế với sự tham gia của hơn 1000 đại biểu cùng thảo luận về những vấn đề nổi bật trong ngành ngân hàng hiện nay như xu hướng ngành ngân hàng, giải pháp nhân hàng số, các công nghệ định hình ngành ngân hàng và phát triển ngân hàng dựa trên dữ liệu.
Tham dự Hội thảo có Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ông Trần Văn Tần - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng phụ trách Cục công nghệ thông tin, Ngân hàng nhà nước Việt Nam; Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số; Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng – Cục An toàn thông tin, Bộ Thông Tin và Truyền thông cùng các ban ngành lãnh đạo liên quan.
Dữ liệu là tài sản quý giá đối với các ngân hàng
Phát biểu khai mạc, ông Trần Văn Tần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thời gian qua, ngành ngân hàng đã ban hành nhiều chỉ thị, thông tư, kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số như Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022 – 2025; Chỉ thị về đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; Kế hoạch triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Như vậy, tốc độ mở rộng và tiềm năng phát triển các ứng dụng ngân hàng số là rất lớn. Qua đó, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng ngành ngân hàng.
Ngoài việc phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, ngành ngân hàng cũng phải thích ứng với sự phát triển không ngừng của công nghệ và những thay đổi trong hành vi khách hàng. Đồng thời, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng công nghệ cao cùng dịch vụ cá nhân hóa cao nhằm tăng trải nghiệm của khách hàng. Vì vậy, việc thu thập, khai thác và xử lý dữ liệu luôn được các ngân hàng coi trọng.
Chính vì vậy, dữ liệu là tài sản quý giá đối với các ngân hàng. Do việc sử dụng dữ liệu số trong ngành ngân hàng, giúp cải thiện quyết định kinh doanh, nâng cao hiệu suất và cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Bởi qua phân tích và ứng dụng thông tin từ các nguồn dữ liệu khác nhau, ngân hàng có thể hiểu rõ hơn về khách hàng cũng như dự đoán xu hướng thị trường và tối ưu hóa quy trình kinh doanh.
Đặc biệt, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) đã mang đến khả năng phân tích dữ liệu một cách chi tiết và nhanh chóng. Từ những công nghệ hiện đại này giúp tạo ra những thông tin giá trị và hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp nhất. Sự phát triển nhanh chóng của chiến lược kinh doanh dựa trên dữ liệu trong ngành ngân hàng đã tạo ra những lợi ích đáng kể.
Cụ thể, các ngân hàng có thể tăng cường việc tiếp cận khách hàng, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tính cá nhân hóa cao, đồng thời tối ưu hóa quy trình phát hiện rủi ro và phòng ngừa gian lận, cải thiện quy trình vay và xử lý hồ sơ vay vốn và tăng cường khả năng dự đoán và phân tích thị trường.
Đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
Hiện ngành ngân hàng đã tập trung làm "sạch" khoảng 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi số ngành ngân hàng
Trong quá trình chuyển đổi số cũng như áp dụng các mô hình mới dựa trên công nghệ hiện đại, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ dữ liệu.
Đề cập tới thách thức của ngành ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, ông Trần Văn Tần mong muốn thông qua Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học cùng các lãnh đạo trong ngành ngân hàng tập trung thảo luận làm rõ thêm 03 vấn đề, cụ thể như sau:
Một là, thảo luận, đánh giá một số kết quả chuyển đổi số chính của ngành ngân hàng đặc biệt trong lĩnh vực dữ liệu số, đồng thời làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách hướng tới hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện cho chuyển đổi số nhanh và bền vững.
Hai là, thảo luận, đề xuất các giải pháp công nghệ hiện đại, chia sẻ các mô hình hay và các cách làm đổi mới sáng tạo; Chia sẻ các giải pháp trao đổi thông tin, thu thập số liệu, phân loại, làm sạch dữ liệu, xây dựng và phân tích cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu quả vận hành và phát triển bền vững.
Ba là, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng các nước trên thế giới về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, từ đó đề xuất các giải pháp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới (phân tích dữ liệu lớn, học máy, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật) vào các lĩnh vực hoạt động của ngành ngân hàng
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá nội dung hội thảo rất quan trọng, vì vậy, ông Dũng mong muốn các cơ quan ban ngành, các tổ chức tín dụng cùng trao đổi, thảo luận, tìm tòi và nghiên cứu để triển khai, tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng cần tập trung làm "sạch" và số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ để tạo ra dữ liệu "sạch" trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Ông Dũng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ luôn đồng hành cùng các tổ chức tín dụng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong thời gian tới. NHNN cũng sẽ nghiên cứu sửa đổi một số quyết định liên quan tới hoạt động thanh toán để phù hợp với thực tiễn, đồng thời kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền để ban hành các chính sách, định hướng phù hợp. Ông Dũng cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cần xây dựng kế hoạch, kịch bản nhằm cố gắng triển khai tốt kế hoạch chuyển đổi số, đề án 06, làm "sạch" dữ liệu trong cung cấp dịch vụ ngân hàng ngày một tốt hơn.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Dữ liệu là nguồn tài nguyên, nguyên liệu chính để cung cấp thông tin, dịch vụ cho khách hàng. Nguồn dữ liệu là tiềm năng để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cần phải tăng cường công tác quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo; Các tổ chức tín dụng cũng cần phải xây dựng Data Warehouse, Data Lake, triển khai API Portal để kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu; Các tổ chức tín dụng cần triển khai kết nối dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia; NHNN sẽ đồng hành, rà soát, ban hành các văn bản pháp luật và kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, phòng chống tội phạm mạng tại các tổ chức tín dụng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, trong thời tới, NHNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý; Tiếp tục triển khai, sử dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, tối ưu quá trình cho vay; Bên cạnh đó, cần nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số; Ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng số tiện lợi và tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền, giáo dục cho người dân, bố trí nhân lực, phục vụ cho chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
Chia sẻ về mô hình ngân hàng dựa trên dữ liệu, dữ liệu là nguyên liệu tăng trưởng, ông Alexy Thomas - Phó Tổng giám đốc công ty Ernst & Young LLP cho biết, ngân hàng số đang được tập trung nhiều và đây là xu hướng trên thế giới, nếu các ngân hàng cũ không bắt kịp sẽ mất đi lượng khách hàng của mình. Dữ liệu được đánh giá như một nguyên liệu mới cho các tổ chức để quản lý rủi ro và mang lại giá trị mới cho ngân hàng. Các ngân hàng lấy khách hàng làm trọng tâm để tìm hiểu và thấu hiểu mong muốn của khách hàng giúp khách hàng có những trải nghiệm thông minh và dùng AI vào trải nghiệm khách hàng, mang lại tính cá nhân hóa. Ông nhấn mạnh, các ngân hàng cần đưa dữ liệu vào kỷ nguyên AI trong cùng một nơi để tập trung dữ liệu, khai thác và sử dụng dữ liệu tối ưu. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần cải thiện kỹ năng, nâng cao năng lực của cán bộ nhân viên và có cơ chế quản trị dữ liệu xuyên suốt trong tổ chức. Dữ liệu trong mỗi tổ chức cần khác thác và sử dụng thường xuyên và cần chuyển đổi số, tự động hóa mọi thứ để bắt kịp xu hướng trên thế giới.
Triển khai vào thực tiễn, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, TPBank 2 năm liền được Tạp chí The Asian Banker đánh giá là Hệ sinh thái số số 1 tại Việt Nam. TPBank đã phát triển hệ sinh thái đa dạng vụ đổi mới số và sáng tạo số thông qua hợp tác với đối tác đa lĩnh vực. TPBank đã xây dựng quy trình đánh giá an ninh bảo mật đối tác kết nối; Xây dựng chuẩn API, môi trường Sandbox để rút ngắn thời gian tích hợp; Quy hoạch hạ tầng dữ liệu tối ưu; Đảm bảo hệ thống đáp ứng các chuẩn mực bảo mật, khắt khe nhất.
Ông Hưng cũng kiến nghị đối với Ngân hàng Mở (Open Banking), cần ban hành thêm các văn bản hướng dẫn, tổ chức thêm nhiều hội thảo định hướng chia sẻ kinh nghiệm để triển khai đồng bộ thống nhất; Cần ban hành thêm các quy định, hướng dẫn cụ thể với các bên tham gia Open Banking khác như Fintech, Sàn thương mại điện tử, các cổ chức doanh nghiệp khác; Ban hành quy chuẩn API Framework, cơ chế Sandbox và chuẩn An ninh bảo mật.
Với nhiều ý kiến thảo luận và các tham luận của chuyên gia, của các tổ chức tín dụng có thể thấy rằng, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế nói riêng và ngành tài chính - ngân hàng (một trong những ngành quan trọng bậc nhất) nói chung trong xu thế tất yếu. Đặc biệt, chuyển đổi số lấy con người làm trọng tâm, những việc làm xoay quanh và hướng tới mục đích cuối cùng là bảo vệ khách hàng và người dùng trong thời đại kỷ nguyên số.
Ngọc Anh