TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phát biểu tại hội thảo
Tạo cơ hội “bùng nổ”
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 55% về số lượng, qua kênh Internet là 76% về số lượng và 1,79% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tương ứng là 65% và 77%; qua phương thức QR Code tăng tương ứng là 152% và 301%; và qua ATM giảm 4% về số lượng và 6% về giá trị.
Điều này cho thấy, xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử đang trở nên mạnh mẽ. Các ngân hàng, trung gian thanh toán được kết nối liên thông với thời gian giao dịch tính bằng giây, giá trị giao dịch qua ngân hàng tính trung bình là 900.000 tỷ đồng, tương đương 40 tỷ USD, với khoảng hơn 8 triệu giao dịch một ngày.
Ngoài ra, đã có trên 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng thông qua chuyển đổi số, tỷ lệ chi phí doanh thu của các ngân hàng cũng giảm khoảng 30%, góp phần tiết giảm chi phí đáng kể cho hoạt động của ngân hàng.
“Tùy thuộc vào quy mô, khả năng tài chính và nguồn lực của mỗi ngân hàng sẽ có mức độ chuyển đổi số khác nhau, tuy nhiên thời điểm hiện tại hầu hết các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều đã cho ra mắt ứng dụng ngân hàng số, nỗ lực tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm số của mình”, TS. Nguyễn Quốc Hùng đánh giá.
Hỗ trợ quá trình chuyển đổi số ngân hàng không thể không kể đến sự đóng góp của các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tài chính (fintech). Theo ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Việt Nam luôn xác định đổi mới sáng tạo chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng nền kinh tế quốc gia và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) là một phần tất yếu trong quá trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Nikkei, Việt Nam thuộc nhóm thị trường Fintech cạnh tranh nhất châu Á, đặc biệt là giữa các công ty fintech nội địa với những startup giàu tiềm lực. Tương tự, trong Báo cáo Khởi nghiệp Việt Nam 2022 của Nextrans, Fintech cũng là mảng thu hút nhiều vốn đầu tư nhất với tổng vốn là 138 triệu USD, trong đó khởi nghiệp Fintech Việt Nam có tổng đầu tư đạt 137,9 triệu USD (chiếm 2,3% giá trị thương vụ trong khu vực).
Để Fintech có thể phát triển đúng hướng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chính sách, cơ chế để hỗ trợ thúc đẩy lĩnh vực mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.
Tháng 7/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1484 QĐ-BTC về việc phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, tập trung hướng đến nền tài chính số hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vào năm 2021…,ông Võ Xuân Hoài thông tin.
Các diễn giả thảo luận tại hội thảo
Nhanh chóng giải quyết những thách thức về pháp lý
Mặc dù thị trường Fintech Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, Phó Giám đốc NIC cho rằng, hiện vẫn tồn tại nhiều rào cản, thách thức đối với thị trường này. Số lượng doanh nghiệp Fintech và tỷ lệ giao dịch phi tiền mặt tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với những nước khác trong Đông Nam Á.
Mặt khác, các ngân hàng truyền thống đối mặt với thách thức trong cuộc đua số hóa bởi họ phải không ngừng đổi mới để bắt kịp dòng chảy công nghệ và hợp tác với các công ty Fintech nếu không muốn bị tụt lại phía sau; nhiều thách thức về pháp lý, quản lý rủi ro và bảo mật thông tin khách hàng cũng đang được các công ty fintech tại Việt Nam phải đối mặt và giải quyết.
Cụ thể hơn những thách thức của ngân hàng trong quá trình ứng dụng Fintech vào “cuộc đua” chuyển đổi số, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, định danh và xác thực khách hàng điện tử,... hay chia sẻ dữ liệu bảo mật thông tin khách hàng cần phải điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới; cơ sở hạ tầng giữa các ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc kết nối, tích hợp giữa ngành ngân hàng và các ngành, lĩnh vực khác, tạo lập quan hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ điện tử đa tiện ích cho khách hàng cũng cần được đồng bộ.
Cùng với đó, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có kinh nghiệm, kiến thức cả về nghiệp vụ công nghệ số, đặc biệt là xu hướng tội phạm công nghệ với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn biến khó lường ngày càng gia tăng, cũng đang là thách thức với ngành ngân hàng.
Nói về những giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc, ông Võ Xuân Hoài chia sẻ, tại Singapore hay Indonesia, hiện đã có cơ chế sandbox cho lĩnh vực Fintech trong khi ở Việt Nam, khung pháp lý thử nghiệm này vẫn chưa được chính thức thông qua. Do đó, Trung tâm đã sớm nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm sandbox nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới và tăng trưởng nhanh.
“Hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có một môi trường chính sách và môi trường đầu tư lành mạnh để phát triển hơn nữa nền kinh tế số, hội nhập quốc tế”, ông Võ Xuân Hoài bày tỏ.