Thứ ba, 21/01/2025
   

Cơ hội, thách thức trong chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng góp phần đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt

Ngày 1/7/2023, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số tổ chức Hội thảo khoa học góp ý về đề tài "Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện". TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tham dự và có bài tham luận.

Với tựa đề "Cơ hội, thách thức trong chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng góp phần đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt", tham luận của TS. Nguyễn Quốc Hùng đã khái quát tình hình thực hiện và kết quả chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng, góp phần đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời chỉ ra một số cơ hội mà chuyển đổi số đem lại đối với lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng, cũng như những khó khăn, thách thức.
Đáng chú ý của tham luận đó là một số khuyến nghị, giải pháp thực hiện chuyển đổi số nhằm đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt.

co hoi thach thuc trong chuyen doi so cua he thong ngan hang gop phan day nhanh tien trinh thanh toan khong dung tien mat

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, nhờ có các giải pháp đồng bộ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành, trong những năm vừa qua, chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng có tốc độ phát triển rất nhanh, nhiều ngân hàng có tỉ lệ giao dịch trên kênh số chiếm đến 94-97% số lượng giao dịch trên kênh số, đặc biệt trong trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ thanh toán truyền thống, hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang triển khai các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông với nhiều sản phẩm, phương tiện mới, bảo đảm an toàn, tiện lợi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của khách hàng, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các ngân hàng thương mại Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ công nghệ mới, ngân hàng lõi, ứng dụng API, xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở,... Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, với tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua.

Các ngân hàng đã áp dụng mô hình kết nối do ngân hàng làm chủ/kiểm soát (Orchestrator) với các khách hàng của ngân hàng như VietinBank hợp tác cùng Opportunity Network trong cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp, Vietcombank và M-Service hợp tác trong thanh toán chuyển tiền; hợp tác giữa VPBank và Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán số, hay sự kết hợp giữa VIB và công ty Fintech Weezi cung cấp ứng dụng MyVIB Keyboard giúp khách hàng có khả năng chuyển tiền qua mạng xã hội; Techcombank hợp tác cùng Fastcash đưa ra tính tăng F@st mobile giúp chuyển tiền qua Facebook và Google+;…, đồng thời cũng triển khai mô hình tham gia hệ sinh thái đối tác (Partnership) khi ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho các hệ sinh thái như BIDV đã có quan hệ đối tác với VNPT, Viettel, FPT…

Ứng dụng Mobile banking, “Ví điện tử” của nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đóng bảo hiểm, vay thấu chi, vay tiêu dùng… Ngoài ra là những dịch vụ ngoài ngân hàng (beyond banking) như: Giao hàng, đặt xe, đặt vé… mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh cá nhân.

Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động. Ngoài ra, đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với vơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị; qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Số lượng tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại trên cả nước đạt khoảng 68,7 triệu tài khoản, khoảng 70 ngân hàng thương mại đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và khoảng 36 ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (các công ty Fintech trong lĩnh vực thanh toán). Bên cạnh đó, vấn đề an ninh, an toàn bảo mật trong lĩnh vực thanh toán được ngành Ngân hàng hết sức quan tâm, chú trọng.

"Các kết quả nêu trên cho thấy, quá trình chuyển đổi số ngân hàng đã làm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng, góp phần đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt", TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Chup anh luu niem 1723

Các đại biệu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, chuyển đổi số đang mang lại nhiều cơ hội cho lĩnh vực thanh toán tại các ngân hàng Việt Nam, từ đó giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán là đảm bảo an toàn và bảo mật cho các giao dịch thanh toán. Sự phát triển của công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối), big data (dữ liệu khối lượng lớn), AI (trí thông minh nhân tạo) đòi hỏi các ngân hàng phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và các hành lang an toàn trước những sự cố về an ninh mạng và bảo mật thông tin khách hàng trong thời kỳ công nghệ số. Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng tinh vi của công nghệ số kéo theo sự gia tăng của những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao hoạt động ngày càng thường xuyên. Đối với lĩnh vực thanh toán, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán thẻ qua POS, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ, đặc biệt đối với những người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa do kiến thức công nghệ thông tin còn hạn chế;

Hành lang pháp lý phục vụ hoạt động thanh toán điện tử chưa hoàn thiện. Trong đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử... là những vấn đề mới, phức tạp đến nay chưa có hướng dẫn của các cơ quan quản lý hoặc đang giai đoạn thí điểm. Chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới rất lớn; Bên cạnh đó, các ngân hàng phải cũng phải đầu tư nhiều, thường xuyên vào các giải pháp bảo mật để đảm bảo rằng thông tin khách hàng và giao dịch thanh toán không bị lộ ra ngoài; đào tạo nhân viên và khách hàng về các công nghệ mới và cách sử dụng công nghệ mới an toàn....

Do đó, để thực hiện chuyển đổi số nhằm đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng việc hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển ngân hàng số cần được chú trọng và đẩy nhanh tiến độ. Trong đó NHNN sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động ngân hàng số, xác thực khách hàng điện tử - eKYC, cho vay theo phương thức điện tử, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay; đồng thời cần nhanh chóng xây dựng các quy định pháp lý về quản lý rủi ro công nghệ thông tin, dữ liệu và chuyển đổi số trong ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang dần tiến tới triển khai mô hình ngân hàng số thuần túy. NHNN nên xem xét các phương án đưa ra các yêu cầu về quản trị rủi ro CNTT, dữ liệu cũng như đảm bảo an toàn trong dịch vụ thuê ngoài, quyền riêng tư, bảo vệ an toàn dữ liệu...

Bên cạnh đó, cần ứng dụng, phát triển nhanh, mạnh hơn nữa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dựa trên Internet, thiết bị di động, dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI); Mobile-Money nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… để cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm thanh toán thuận tiện và an toàn hơn.

VNBA News.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay