Thứ tư, 22/01/2025
   

Công tác xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn

Theo báo cáo gửi tới Quốc hội của Ngân hàng Nhà nước cho biết, Công tác xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đồng thời, khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện,…

 

Công tác xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn
Công tác xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Đồng thời, phấn đấu đến cuối năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) ở mức dưới 3%, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2012 đến nay, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro. Kết quả, tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 1.641,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, tổ chức tín dụng tự xử lý ở mức cao 1.223,0 nghìn tỷ đồng (chiếm 74,5% trong tổng nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) 418,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,5% trong tổng nợ xấu được xử lý. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 75,0 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 5,8 nghìn tỷ đồng (+8,4%) so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng đạt được kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 5/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 419,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Đến cuối tháng 5/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,65% (cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,46% so với tổng dư nợ (tăng so với mức 4,21% vào cuối năm 2022).

Tuy nhiên, thời gian tới, chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục chịu áp lực từ các yếu tố như diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều điểm bất lợi. Từ đó, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng, làm gia tăng nợ xấu, gây áp lực trong việc trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu cũng như tiến độ xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn, một số nguyên nhân như doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của các hộ gia đình và doanh nghiệp; Khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện; thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản.

Thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế. Ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, thiếu chủ động, không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm khiến quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng kéo dài, kém hiệu quả.

Không chỉ cơ chế, nguồn lực hỗ trợ công tác cơ cấu lại còn khó khăn, hạn chế. Cụ thể, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém còn thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù để xử lý triệt để. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng phi ngân hàng do mình làm chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn.

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ 13 của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, liên quan đến nội dung nợ xấu, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp khó trả nợ cũ, không muốn vay mới, nợ xấu có xu hướng tăng lên. Song, nợ xấu vẫn đang được theo dõi sát sao, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, đảm bảo trích lập dự phòng đầy đủ để có nguồn lực xử lý nợ xấu khi cần thiết.

Để gỡ khó trong công tác xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng kèm theo Quyết định số 1382/QĐ-NHNN ngày 02/8/2022, góp phần đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay