Thứ tư, 22/01/2025
   

Chuyển đổi số ngân hàng tạo cơ hội cho nông dân phát triển bền vững

Sáng 13/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân”.

Hội thảo tập trung thảo luận về 02 chủ đề chính là “Chuyển đổi số tài chính, ngân hàng: Những kết quả đáng khích lệ” và “Tháo gỡ những vướng mắc trong chuyển đổi số tài chính, ngân hàng”.

Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam
Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Tham dự hội thảo có ông Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông…các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank…

Phát biểu khai mạc, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, cách mạng công nghiệp, công nghệ lần thứ 4 gắn liền với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số đã và đang trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế giới và mỗi quốc gia. Một trong những sứ mệnh lớn lao của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục, y tế, ngân hàng tới người dân. Từ đó, từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đều có thể tiếp cận được dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, văn minh và hiện đại.

Hội thảo chuyển đổi số ngân hàng tạo cơ hội cho nông dân phát triển bền vững
Hội thảo chuyển đổi số ngân hàng tạo cơ hội cho nông dân phát triển bền vững

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, việc tham gia chuyển đổi số của nông dân góp phần không nhỏ cho thành công của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là 1 trong những 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số.

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định, ngành Ngân hàng không thể cung cấp dịch vụ và hoàn thành chiến lược tài chính quốc gia nếu thiếu sự tham gia của các cơ quan truyền thông khi 65% dân số sống ở nông thôn. Hiện có khoảng 100 ngân hàng, các ngân hàng này sẽ không thể tồn tại nếu không cung ứng dịch vụ trên không gian số tốt, chất lượng tốt với chi phí hợp lý và an toàn. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của NHNN và thực tế các ngân hàng cũng đang rất cạnh tranh trong chuyển đổi số, điều này rất khác so với các ngành kinh tế khác.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Cũng nhân dịp này, Phó Thống đốc cũng vui mừng thông báo tới bà con nông dân, bên cạnh làm tốt hoạt động thanh toán, từ ngày 1/10, NHNN đã ban hành Thông tư cho phép vay tiêu dùng trên môi trường số, khuôn khổ pháp lý để hoàn thiện quá trình cho vay này cũng đã được triển khai. NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại bên cạnh việc đánh giá khách hàng vay, khả năng trả nợ của khách hàng vay theo phương án truyền thống, NHNN cũng đang phối hợp với Bộ Công an đánh giá dưới 2 khía cạnh là xác thực khách hàng và đánh giá khách hàng dựa trên cơ sở dữ liệu trên căn cước công dân. Khi các dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “giàu có” hơn với những thông tin khác, bao gồm thuế, bảo hiểm xã hội… thì ngân hàng sẽ tiến hành cho vay tín chấp nhiều hơn.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, bên cạnh quảng bá số lượng khách hàng, địa điểm giao dịch, các ngân hàng cần tăng cường truyền thông về tính năng của các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cái tốt và tiện cho nông dân... Các dịch vụ ngân hàng có thiết kế cho vùng sâu, vùng xa nên các ngân hàng cần lắng nghe ý kiến của bà con nông dân, doanh nghiệp ở vùng nông thôn để thiết kế các sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện chuyển đổi số ngân hàng đã mang dịch vụ đến với người nông dân, qua cuộc cách mạng số 4.0, cùng với đó là các quyết định, Nghị quyết của Chính phủ. Trong đó, điển hình là Nghị quyết 50 của Chính phủ nhằm triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Quyết định 749 và Quyết định 1813 của Thủ tướng về không dùng tiền mặt.

ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Gần đây, với các quyết định liên quan đến các dự án như đề án 06 để tạo điều kiện xây dựng kho dữ liệu quốc gia về dân cư giúp cho các Bộ ngành liên quan có thể khai thác kho dữ liệu để phục vụ phát triển kinh tế, trong đó, có ngân hàng.

Việc triển khai Quyết định 149 của Thủ tướng về chiến lược tài chính toàn diện, với mục tiêu ứng dụng công nghệ số thúc đẩy đổi mới sáng tạo để sản xuất các sản phẩm phù hợp nhu cầu cũng như khả năng chi trả của Nông dân. Đặc biệt, với người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đối tượng thu nhập thấp.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành quyết định 810 về kế hoạch chuyển đổi số với các định lượng để yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng ứng dụng khoa học công nghệ 4.0.

Trong đó, xác định lấy dữ liệu là trung tâm, là nguyên liệu là nền tảng triển khai và là giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số. Qua đó, ngành ngân hàng đặt mục tiêu đến 2025 đạt 50% được triển khai trên môi trường số, 75% thực hiện đến năm 2030. Cụ thể, năm 2025, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu, 50% người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, với 50% quyết định cho vay nhỏ lẻ và đến năm 2030, đạt mục tiêu 75% người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử.

Với chỉ tiêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số đến người dân, đặc biệt, người Nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều nội dung hỗ trợ đảm bảo các hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán có thể triển khai cung cấp dịch vụ tới người dân. Qua đó, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, nông thôn...

Quang cảnh tọa đàm
Quang cảnh tọa đàm

Theo ông Tuấn, các sản phẩm dịch vụ phục vụ khu vực nông thôn, đã có gần 5,2 triệu tài khoản được mở, trong đó gần 3,6 triệu tài khoản được đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; 11,67 nghìn điểm kinh doanh và hơn 172,83 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán; hơn 41,8 triệu giao dịch qua tài khoản với gần 2.200 tỷ đồng giá trị giao dịch.

Bên cạnh đó, toàn ngành ngân hàng đã triển khai trên 92.000 điểm giao dịch, trong đó số điểm ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm trên 62%. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đạt 13,9 triệu; số lượng giao dịch đạt 25,63 triệu với giá trị đạt hơn 183.000 tỷ đồng. Đồng thời, trên ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay...) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh.

Ngoài ra, đã có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC và 27 triệu tài khoản mở bằng eKYC (đến tháng 6/2023). Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại (thẻ ngân hàng, QR code, Ví điện tử...) được các ngân hàng, trung gian thanh toán triển khai, cung ứng…

Đối với chính sách hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, ngành ngân hàng đã có các chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như cho vay đóng mới, nâng cấp tàu; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp... Cho vay góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc tính đến 30/6/2023 đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,58% so với cuối năm 2022.

Thời gian tới, ông Tuấn cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, cung ứng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là đơn giản quy trình cho vay trên cơ sở giải pháp đánh giá khả tín khách hàng, tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số...

Ngọc Anh

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay