Theo quy định trong các thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2025, chủ tài khoản thanh toán hoặc chủ thẻ ngân hàng sẽ không thể thực hiện các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền online hay giao dịch tại ATM nếu chưa hoàn tất xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân. Chính vì vậy, thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại, ví điện tử và công ty chứng khoán liên tục gửi thông báo nhắc nhở khách hàng nhanh chóng thực hiện xác thực sinh trắc học khi mốc thời gian 1-1-2025 đang đến gần.
Ngân hàng rủ nhau chạy nước rút
Cụ thể, một loạt ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Sacombank, Techcombank, Nam A Bank, VPBank, MB và ACB đang khuyến khích người dùng nhanh chóng xác thực sinh trắc học. Các ngân hàng này cài đặt sẵn thông báo nhắc nhở mỗi khi người dùng đăng nhập ứng dụng để thanh toán. Đặc biệt, Vietcombank từ cuối tháng 11 đã mở cửa các điểm giao dịch ngoài giờ hành chính để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân đã hết hạn.
Trong khi đó, MB, VPBank và Techcombank còn tổ chức tặng quà và tiền mặt cho người dùng hoàn thành việc xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân trước mốc quy định.
MoMo cũng đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dùng kịp thời hoàn tất xác thực sinh trắc học trên ứng dụng MoMo, đồng thời mở rộng đa kênh để tuân thủ Thông tư 40/2024/TT-NHNN của NHNN.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, cho biết từ tháng 11-2024, MoMo đã phối hợp với Bộ Công an để tích hợp dịch vụ xác thực điện tử ngay trên ứng dụng VNeID. Người dùng MoMo có thể tự xác thực sinh trắc học qua VNeID một cách thuận tiện và bảo mật mà không cần sử dụng công nghệ NFC, giúp hỗ trợ người dùng gặp khó khăn trong việc xác thực do thiết bị thiếu NFC hoặc không thông thạo công nghệ.
Đặc biệt, các công ty chứng khoán cũng đang thúc đẩy việc cập nhật sinh trắc học, bởi trước đó các công ty này đã dời việc cập nhật từ ngày 1-10-2024 sang ngày 1-1-2025. Theo đó, ngoài việc gửi email nhắc nhở, các công ty còn thông báo cho nhà đầu tư qua ứng dụng trong mỗi lần giao dịch chứng khoán. Đại diện Công ty Chứng khoán VPS cho biết từ cuối tháng 11-2024, công ty đã cập nhật tính năng quét NFC trên căn cước công dân (CCCD) khi khách hàng mở tài khoản chứng khoán, nhằm hạn chế giả mạo và ngăn chặn việc lợi dụng thông tin khách hàng để mở tài khoản trái phép.
Đại diện một ngân hàng cổ phần cho biết việc khuyến khích người dùng sớm hoàn thành sinh trắc học để tránh tình trạng quá tải, ùn ứ, thậm chí tắc nghẽn như trường hợp tháng 7-2024 (các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực sinh trắc học).
Khách hàng vẫn… đủng đỉnh
Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều người dùng và nhà đầu tư vẫn "đủng đỉnh", chưa vội cập nhật sinh trắc học. Anh Minh Khanh (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết anh có tổng cộng 5 tài khoản NH, 1 tài khoản chứng khoán và 2 tài khoản ví điện tử. "Mỗi lần cập nhật sinh trắc học là phải lấy CCCD, chụp ảnh chân dung và đọc NFC cũng mất thời gian nên tôi chưa vội" - anh Khanh nói.
Một số người lớn tuổi, không rành công nghệ phải nhờ người thân trong gia đình hỗ trợ cập nhật sinh trắc học hoặc làm lại giấy tờ tùy thân hết hạn… nên cũng chưa thể cập nhật.
Theo quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN của NHNN, từ ngày 1-1-2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng sẽ không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến (rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền…) và giao dịch chuyển/rút tiền tại ATM nếu chưa cập nhật thông tin. Các thông tin cần cập nhật gồm: đối số, đối chiếu giấy khai báo và thông tin sinh trắc nghiệm đúng đắn; cập nhật, bổ sung thông tin mới thay thế cho giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, hộ chiếu, thị thực) đã hết hiệu lực.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú dẫn thống kê mới nhất của NHNN cho thấy đã có khoảng 38 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công từ ngày 1-7 đến nay. Từ đầu năm 2025, tất cả tài khoản chưa được các ngân hàng thương mại hay trung gian thanh toán thu thập thông tin sinh trắc học để kiểm tra bảo đảm chính chủ sẽ chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy, thay vì thanh toán trực tuyến.
"Báo cáo từ các tổ chức tín dụng cho biết sau khi thực hiện xác thực sinh trắc học từ ngày 1-7-2024, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50% so với trước đây. Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024" - ông Tú thông tin.
Cùng với yêu cầu của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng chủ động tăng cường giải pháp bảo mật để đối phó tình trạng gian lận, lừa đảo của tội phạm công nghệ. MB là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo.
Sau gần 6 tháng triển khai, số liệu cập nhật mới nhất cho thấy MB đã phát hiện hơn 4.200 tài khoản vào danh sách đáng ngờ. Cụ thể, khi thao tác chuyển tiền, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo trong trường hợp người nhận là tài khoản có khả năng lừa đảo, giúp ngừng giao dịch nghi ngờ để tránh bị mất tiền oan.
"Tính năng phát hiện và cảnh báo lừa đảo là kết quả của sự phối hợp giữa MB và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an, cập nhật danh sách tất cả tài khoản tham gia hoặc có liên đới với hành vi lừa đảo trên toàn quốc. Trước mỗi giao dịch chuyển tiền của khách hàng, MB sẽ kiểm tra nhanh để nhận diện tài khoản có nằm trong danh sách khả nghi hay không" - đại diện MB nói.
VPBank cho hay ngân hàng đang làm việc với A05, kết hợp với NAPAS để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chứa tất cả tài khoản giả mạo hoặc được đánh dấu là gian lận và lừa đảo. Mỗi khi khách hàng chuyển tiền vào các tài khoản này, ngân hàng đưa ra cảnh báo để người dùng biết.
Theo các ngân hàng, trong tương lai gần, cơ sở dữ liệu các tài khoản bị đánh dấu lừa đảo dự kiến được mở rộng trên phạm vi liên ngân hàng sẽ giúp khách hàng giảm thiểu nguy cơ bị lừa chuyển tiền hoặc chuyển nhầm tiền vào các tài khoản lừa đảo.
Ngăn chặn mua bán tài khoản ngân hàng
Theo BIDV, tình trạng mua/bán/cho thuê/mượn tài khoản, truy cập các đường link không rõ nguồn gốc, tải ứng dụng giả mạo, nghe tư vấn của kẻ xấu dẫn đến lộ thông tin cá nhân, mật khẩu ngân hàng điện tử, mã OTP… Đây là những nguyên nhân chính khiến nhiều người bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Theo các chuyên gia bảo mật, sinh trắc học được xem là một bước tiến tích cực giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ người dùng trước các gian lận, lừa đảo. "Với các giao dịch cần xác thực sinh trắc học, bên cạnh phương thức xác thực bằng mã Smart/SMS OTP, khách hàng phải đối chiếu hình ảnh khuôn mặt thực tế của người đang thực hiện giao dịch bảo đảm khớp với dữ liệu lưu trữ trong chip của CCCD gắn chip. Việc bổ sung lớp bảo mật sinh trắc học này sẽ giúp hạn chế tối đa các thủ đoạn mạo danh lừa đảo, chiếm quyền truy cập thiết bị hoặc đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản" - đại diện BIDV cho biết.