Ngày 09/12/2022, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi gặp mặt cuối năm với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.
NHNN gặp mặt cuối năm với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam (ảnh SBV)
Buổi gặp mặt có sự tham dự của Ban Lãnh đạo NHNN, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN cùng đông đảo đại diện các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao, các đối tác song phương, đa phương, các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.
Hoan nghênh và chào đón các đại biểu đến dự buổi gặp mặt cuối năm truyền thống của ngành Ngân hàng với các đối tác nước ngoài sau 02 năm gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, năm 2022 là năm thế giới chứng kiến những bất ổn, thách thức chưa từng có với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraina và những hệ quả của chúng như gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả các hàng hóa nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát gia tăng trên toàn thế giới. Các rủi ro đó đi cùng với các rủi ro cố hữu như biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị… khiến cho kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái rõ rệt.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi gặp mặt (ảnh SBV)
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố; lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4%, dự kiến cả năm ở mức khoảng 8%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% được Quốc hội đề ra.
Chung tay với những nỗ lực của Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, chắc chắn, linh hoạt phù hợp với diễn biến thực tế, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, lạm phát và tỷ giá được giữ ổn định trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang tăng cao, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá mạnh so với Đô la Mỹ. Ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ đã góp phần cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế. Đồng thời, NHNN kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo an toàn hoạt động. Ngành Ngân hàng cũng đã tích cực tham gia vào các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi số ngành ngân hàng, tài trợ chống biến đổi khí hậu…
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, đóng góp vào những kết quả trên không thể không nhắc đến vai trò của tất cả các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao và các tổ chức tín dụng nước ngoài. Thống đốc trân trọng những đóng góp của các tổ chức IMF, WB, ADB đã tích cực chung tay, đồng hành cùng Chính phủ và NHNN trong việc ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và những biến động khó lường trong nền kinh tế toàn cầu thông qua tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, cùng với đó là nhiều chương trình, dự án, hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN và ngành Ngân hàng nhằm cải thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế, nâng cao hiệu quả chính sách, thúc đẩy tài chính toàn diện, tài chính xanh, bền vững, chuyển đổi số….
Bên cạnh đó, Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSS), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cũng đã có những hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho NHNN và ngành Ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực thể chế và hoạt động của toàn ngành.
Thống đốc NHNN ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng nước ngoài thông qua Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) trong việc đóng góp, tư vấn các chủ trương, chính sách, góp phần cải thiện khuôn khổ pháp lý và thể chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các chính sách quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, và trong việc cung cấp nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển của quốc gia, nhất là hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP 26. Không chỉ đóng góp vào sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa NHNN và các đối tác trong các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương, Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) góp vai trò quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của quốc gia và của ngành Ngân hàng.
Theo Thống đốc, năm 2023 được dự báo là một năm nhiều thách thức với mức độ phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các nước, lạm phát cao, các điều kiện tài chính thắt chặt, chuỗi cung ứng gián đoạn, rủi ro suy giảm được dự báo ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam được dự báo sẽ khó tránh khỏi các tác động tiêu cực của những biến động kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
NHNN cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”; tăng cường khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, qua đó bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững. Thống đốc mong muốn và tin tưởng rằng, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và NHNN vượt qua thách thức, đạt những thành công mới.
Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Văn phòng IMF tại Việt Nam phát biểu (ảnh SBV)
Tại buổi gặp mặt, ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện Văn phòng IMF tại Việt Nam cho rằng, nhờ những nỗ lực to lớn của Chính phủ nói chung và các chính sách linh hoạt của NHNN nói riêng, kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong năm 2022, bất chấp những khó khăn, thách thức trong nước và trên toàn cầu. Trong năm vừa qua, quan hệ hợp tác giữa IMF và NHNN không ngừng được nâng cao, và IMF luôn sẵn sàng hỗ trợ NHNN và Chính phủ Việt Nam trong tương lai - ông Francois Painchaud nhấn mạnh.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu (ảnh SBV)
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam - đánh giá cao những chính sách linh hoạt, kịp thời của NHNN trước bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Ông Andrew Jeffries nhấn mạnh việc Việt Nam là cổ đông của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là thành viên Hội đồng Thống đốc của ADB, và NNHN là đối tác chính thức của ADB tại Việt Nam; đồng thời cam kết sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với NHNN.
Bà Michele Wee - Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam - phát biểu (ảnh SBV)
Trong phát biểu của mình, bà Michele Wee - Chủ tịch Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhấn mạnh, các ngân hàng quốc tế có thể đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bên vững của ngành Ngân hàng Việt Nam. Thay mặt BWG, bà Michele Wee cam kết các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ NHNN cũng như Chính phủ Việt Nam; đồng thời mong muốn tăng cường hơn nữa cơ chế hợp tác này, tiếp tục trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế với NHNN thông qua các chương trình hội thảo, tọa đàm… góp phần đưa sự phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam và các dịch vụ tài chính - ngân hàng lên một tầm cao mới.
Theo SBV