Thứ bảy, 29/06/2024
   

Các phương pháp tiếp cận tiền điện tử từ góc độ bảo hiểm tiền gửi

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quốc tế (IADI), một số tổ chức BHTG trên thế giới áp dụng một trong ba cách tiếp cận đối với tiền điện tử dựa trên cấu trúc thị trường, khung khổ pháp lý và các quy định hiện hành, cũng như đánh giá rủi ro liên quan đến việc áp dụng rộng rãi các

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) quốc tế (IADI), một số tổ chức BHTG trên thế giới áp dụng một trong ba cách tiếp cận đối với tiền điện tử dựa trên cấu trúc thị trường, khung khổ pháp lý và các quy định hiện hành, cũng như đánh giá rủi ro liên quan đến việc áp dụng rộng rãi các sản phẩm này, bao gồm: Tiếp cận trực tiếp, trung gian, và loại trừ.

Các phương pháp tiếp cận tài chính điện tử

Phương pháp tiếp cận trực tiếp

Phương pháp tiếp cận trực tiếp có khái niệm tương đương phương pháp BHTG truyền thống, khi các loại tiền điện tử là các sản phẩm tiền gửi được bảo hiểm do các tổ chức tài chính được nhà nước quản lý và giám sát; các tổ chức tài chính này bắt buộc phải tham gia BHTG. Một số nước trên thế giới như Colombia, Ấn Độ và Mexico đã áp dụng cách tiếp cận này. Theo đó, bên cạnh việc cho phép các ngân hàng được phát hành các sản phẩm tiền điện tử được BHTG, Chính phủ các nước này ban hành các quy định về an toàn và giám sát đối  với các tổ chức tài chính phát hành tiền điện tử với chi phí bảo mật ít tốn kém hơn.

Phương pháp tiếp cận trung gian

Đây được cho là phương pháp tiếp cận phức tạp nhất và ít được các tổ chức BHTG trên thế giới lựa chọn sử dụng. Phương pháp tiếp cận này cho phép các tổ chức BHTG bảo hiểm cho các sản phẩm tiền điện tử của cả các công ty tài chính không phải là thành viên của hệ thống BHTG.

Hiện nay, một số tổ chức BHTG đã áp dụng hình thức tiếp cận này, tiêu biểu là Kenya và Nigeria. Tại các quốc gia này, bên cạnh ngân hàng, các công ty phi tài chính, bao gồm các công ty viễn thông (MNO) [1] và các công ty công nghệ cũng cung cấp tiền điện tử và được BHTG.

Đối với phương pháp tiếp cận trung gian này, các công ty công nghệ phi tài chính cũng cấp các sản phẩm tài chính điện tử và nắm giữ tiền điện tử của khách hàng.  Các công ty này thực hiện các giao dịch với khách hàng và gửi tiền nắm giữ tại một hoặc nhiều tài khoản tại ngân hàng hoặc một tổ chức tài chính được BHTG. Do các công ty công nghệ không thuộc đối tượng tham gia BHTG, vì vậy tiền điện tử của khách hàng sẽ được bảo hiểm gián tiếp thông qua tài khoản lưu ký tại tổ chức tài chính tham gia BHTG.

Phương pháp loại trừ

Phương pháp loại trừ có thể gọi là phương pháp “không bảo hiểm”, là phương pháp được hầu hết các tổ chức BHTG trên thế giới áp dụng hiện nay. Một số lý do chính khiến các quốc gia không áp dụng bảo hiểm cho tiền điện tử là do tiền điện tử không đáp ứng được định nghĩa về “tiền gửi được bảo hiểm” hoặc các tổ chức ban hành và sử dụng tiền điện tử không phải là thành viên của tổ chức tham gia BHTG.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia này chỉ coi tiền điện tử là các công cụ tạm thời để thực hiện thanh toán hoặc chuyển khoản, do đó không được BHTG. Một số quốc gia như Peru, Philippines loại trừ tiền gửi điện tử ra khỏi định nghĩa “tiền gửi được bảo hiểm” và không BHTG đối với các loại hình tài chính điện tử.

Thách thức đối với việc tiếp cận tài chính điện tử

Thứ nhất, đối với phương pháp tiếp cận trực tiếp, trường hợp chỉ BHTG đối với các sản phẩm tiền điện tử của các tổ chức tham gia BHTG, dẫn đến hạn chế sự phát triển và cạnh tranh sản phẩm tài chính điện tử của các công ty công nghệ tư nhân.

Ngoài ra, rào cản trong khung khổ pháp lý về BHTG khiến các công ty công nghệ tư nhân gặp khó khăn trong việc trở thành thành viên của tổ chức BHTG. Một thách thức khác của phương pháp tiếp cận trực tiếp đó là yếu tố bảo mật đối với thông tin tài khoàn của khách hàng sử dụng tiền điện tử. Tại một số quốc gia đang áp dụng phương pháp này, các tổ chức tài chính thường thuê tổ chức thứ ba (các công ty công nghệ tư nhân) quản lý tài khoản tiền điện tử của khách hàng. Điều này có thể gây ra rủi ro đạo đức trong việc truy cập thông tin cá nhân và ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng.

Thứ hai, đối với phương pháp tiếp cận trung gian, theo quy định pháp luật, hạn mức BHTG áp dụng đối với tổng số tiền của một chủ tài khoản cá nhân, điều này sẽ yêu cầu tổ chức BHTG phải thống kê chi tiết tổng số tiền bao gồm: (i) tài khoản tiền gửi thông thường và (ii) tài khoản thanh toán sử dụng tiền điện tử.

Tuy nhiên, trên thực tế số dư tại tài khoản tiền điện tử biến động liên tục dẫn đến việc các cơ quan quản lý khó tiếp cận chính xác số dư của khách hàng khi có yêu cầu được bảo hiểm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu kỹ lưỡng giải pháp xử lý trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng, nơi lưu ký tài khoản trung gian của công ty công nghệ. Thực tế hiện chưa xảy ra việc thực hiện chuyển giao tài khoản lưu ký tiền điện tử khi ngân hàng đổ vỡ, vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm hơn đến vấn đề này.

Khuyến nghị đối với Việt Nam

Nhằm nắm bắt xu hướng tài chính điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án  nhấn mạnh nội dung hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Việt Nam, trong đó có: Trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Trên thực tế, tại thị trường Việt Nam những năm vừa qua, các công ty công nghệ tài chính đã cạnh tranh quyết liệt khi cho ra mắt hàng loạt các loại ví điện tử có thương hiệu như: Momo, Samsung Pay, VTC Pay, Bankplus, Payoo, ZaloPay, 1Pay, Bảo Kim, Vimo, Mobivi, eDong, Ví FPT, eMonkey, Pay365, TopPay, Ngân Lượng, AirPay… Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 9/5/2022, có 48 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tính đến cuối năm 2021, tổng số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua internet đạt hơn 214,7 triệu lượt giao dịch, ước tính hơn 11,2 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 13,8 giá trị giao dịch tại thời điểm đầu năm 2021). Điều này cho thấy, ví điện tử hiện đang là phương thức thanh toán được nhiều người ưa chuộng sử dụng.

Theo Điều 18, Luật BHTG: “Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này”.

Dựa trên định nghĩa này, có thể thấy Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang sử dụng phương pháp không bảo hiểm đối với tiền điện tử. Với mục tiêu bảo vệ lợi ích và quyền lợi hợp pháp cho người gửi tiền, trong thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần nghiên cứu, xem xét đề xuất mở rộng chính sách BHTG đối với tiền điện tử để phù hợp với sự phát triển của hệ thống tài chính - ngân hàng nước nhà.

Theo DIV

Tài liệu tham khảo:

https://www.iadi.org/en/assets/File/Papers/Consultation/FII_for_EXCO_approval_for_public_consultation_clean.pdf

-https://openknowledge.worldbank.org/bitstream/handle/10986/25707/110632-BRI-PUBLIC-ADD-VC-Brief-Deposit-Insurance-and-Digital-Financial-Inclusion.pdf?sequence=1&isAllowed=y

-https://www.cgap.org/blog/deposit-insurance-digital-financial-products-3-approaches

-https://dangcongsan.vn/tai-chinh-va-chung-khoan/day-manh-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tai-viet-nam-giai-doan-2021-2025-600261.html

-https://tapchinganhang.gov.vn/de-thi-truong-vi-dien-tu-viet-nam-phat-trien-on-dinh-ben-vung.htm

-https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/hdtt/ctccudvtt?_afrLoop=57106630398475224#%40%3F_afrLoop%3D57106630398475224%26centerWidth%3D80%2525%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dd979qvj0v_214

https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/hdtt/gdiam?_afrLoop=57106678055719224&_adf.ctrl-state=d979qvj0v_86

[1] MNO: Mobile Network Operator

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay