Hiện kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19, nhưng các nhà đầu tư vẫn thận trọng khi các doanh nghiệp vật lộn với rủi ro nợ, khủng hoảng cơ cấu và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Reuters dẫn lời 7 nguồn tin quen thuộc đề nghị được giấu tên cho biết, Trung Quốc đang thúc đẩy các ngân hàng cắt giảm lãi suất tiền gửi mạnh hơn nữa nhằm chuyển nguồn tiết kiệm khổng lồ của đất nước vào chi tiêu và đầu tư hiệu quả hơn.
Các thành viên của “cơ chế tự điều chỉnh lãi suất” của Trung Quốc, chủ yếu là các ngân hàng, đã nhóm họp trong tháng này và được thúc giục giảm lãi suất tiền gửi, hai nguồn tin tham dự cuộc họp và hai nguồn tin ngân hàng khác được thông báo về cuộc họp cho biết.
Lời kêu gọi được đưa ra khi các ngân hàng và nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ dòng tiền tiết kiệm và tiền gửi khổng lồ. Tiền đang chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng, nhưng “có ích lợi gì nếu mọi người tiết kiệm từng xu họ kiếm được, thay vì chi tiêu hoặc đầu tư?”, một nguồn tin nói và cho biết: “Thông điệp là các ngân hàng cần cùng nhau giảm lãi suất tiền gửi”.
Hiện kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19, nhưng các nhà đầu tư vẫn thận trọng khi các doanh nghiệp vật lộn với rủi ro nợ, khủng hoảng cơ cấu và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Trung Quốc đang trông đợi nhiều vào sức cầu nội địa. Tuy nhiên thay vì tiêu dùng, dòng tiền tiết kiệm lại đang chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng mà nguyên nhân một phần cũng do lãi suất tiết kiệm đang rất hấp dẫn. Theo đó, mặc dù lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm đã giảm 60 điểm cơ bản kể từ năm 2019 xuống còn 3,65%, song lãi suất tiền gửi chỉ giảm khá chậm khi các ngân hàng cạnh tranh để có tài khoản.
Theo dữ liệu từ Viện Công nghệ Kỹ thuật số Rong360, lãi suất chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn một năm không thay đổi khoảng 2,26% trong suốt thời gian này. Điều đó đã thu hút dòng tiền lớn chảy vào hệ thống ngân hàng đúng vào thời điểm Trung Quốc đang cố gắng khuyến khích chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng. Tiền gửi tăng mạnh trong khi nhu cầu tín dụng vẫn yếu cũng đã siết chặt lợi nhuận của ngân hàng.
Thống kê cho thấy, tiết kiệm hộ gia đình tăng 9,9 nghìn tỷ nhân dân tệ trong quý đầu năm, sau mức tăng kỷ lục 17,8 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái. Trong khi biên lãi ròng - thước đo chính về khả năng sinh lời của các ngân hàng - đã bị thu hẹp xuống mức thấp kỷ lục chỉ 1,91% trong quý IV/2022.
Các chủ ngân hàng cho biết họ cũng chịu áp lực giảm lãi suất và cắt giảm tiền gửi cấu trúc. Với tỷ suất lợi nhuận ở mức thấp kỷ lục, “các ngân hàng không có lựa chọn nào khác ngoài việc hạ lãi suất tiền gửi một cách hợp lý khi chính phủ tiếp tục đẩy chi phí tài chính xuống thấp hơn để hỗ trợ nền kinh tế thực”, Golden Credit Rating International Co cho biết trong một báo cáo.
Tiền gửi có cấu trúc, kết hợp tiền gửi truyền thống với các khoản đầu tư có năng suất cao hơn để trả lãi suất tốt hơn - mặc dù có hạn chế rút tiền - đã tăng 558,5 tỷ nhân dân tệ, tương đương 12% trong hai tháng đầu năm nay lên 5,12 nghìn tỷ nhân dân tệ. “Tăng trưởng nhanh hơn trong hoạt động kinh doanh tiền gửi có cấu trúc trong năm nay là điều phổ biến ở nhiều công ty cho vay và thông điệp từ cơ quan quản lý rõ ràng là giảm quy mô của hoạt động kinh doanh đó”, một nguồn tin ngân hàng cho biết.
Một nguồn tin khác cũng thông tin, một trong “bốn ngân hàng lớn” của Trung Quốc đã có kế hoạch cắt giảm một số lãi suất tiền gửi dành cho cá nhân và doanh nghiệp vào tuần tới. Các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm “tiền gửi có kỳ hạn” và “tiền gửi thỏa thuận”.
Những người khác quen thuộc với cuộc họp cho biết, cơ chế này đã yêu cầu cắt giảm khoảng 10 điểm cơ bản đối với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn bình quân gia quyền trong quý so với một năm trước đó và một số ngân hàng được khuyến khích thu lại các sản phẩm tiền gửi có lãi suất cao.
Tuy nhiên Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Theo thoibaonganhang.vn