Chủ nhật, 27/04/2025
   

Các biện pháp giáo dục tài chính số hỗ trợ chuyển đổi và phục hồi tài chính

Báo cáo mới đây của OECD cho thấy các chính phủ và cơ quan quản lý nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng ngày càng nhiều các phương thức kỹ thuật số trong giáo dục tài chính để nâng cao nhận thức và hành vi đúng đắn của người tiêu dùng tài chính.

Báo cáo mới đây của OECD cho thấy các chính phủ và cơ quan quản lý nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng ngày càng nhiều các phương thức kỹ thuật số trong giáo dục tài chính để nâng cao nhận thức và hành vi đúng đắn của người tiêu dùng tài chính.

Đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật lên sự cần thiết phải tập trung vào sức chống chịu và khả năng phục hồi tài chính của cá nhân và hộ gia đình. Cuộc khủng hoảng cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số hóa trong các dịch vụ tài chính, kéo theo gia tăng rủi ro loại trừ kỹ thuật số. Do đó việc giáo dục về tài chính kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi và tăng cường khả năng phục hồi tài chính. Báo cáo mới đây của OECD cho thấy các chính phủ và cơ quan quản lý nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng ngày càng nhiều các phương thức kỹ thuật số trong giáo dục tài chính để nâng cao nhận thức và hành vi đúng đắn của người tiêu dùng tài chính.

Nâng cao nhận thức, hỗ trợ việc sử dụng an toàn các dịch vụ tài chính số

Tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính an toàn và được quản lý là yếu tố chính cho phép cá nhân tăng cường khả năng phục hồi tài chính. Để đảm bảo ngày càng nhiều người có thể sử dụng và hưởng lợi từ sản phầm dịch vụ tài chính số (DFS), điều quan trọng là nâng cao nhận thức về các đặc điểm, lợi thế và rủi ro của chúng, đồng thời cung cấp cho người dân thông tin và công cụ cần để hiểu khi nào nên tin tưởng vào các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Chính phủ và các cơ quan quản lý các nước đã sử dụng các nguồn tài nguyên kỹ thuật số để nâng cao nhận thức và hỗ trợ sử dụng an toàn DFS, thông qua các trang web giáo dục người tiêu dùng, các chương trình giáo dục tài chính số, và thông qua các chiến dịch truyền thông xã hội, những người có ảnh hưởng. Các sáng kiến ​​này đãđược điều chỉnh phù hợp với những người có mức độ hiểu biết về tài chính và kỹ thuật số hạn chế, những người mới và ít quen thuộc với DFS.

Tại Argentina, Ngân hàng trung ương (NHTW) hợp tác với Bộ Giáo dục triển khai chiến dịch giáo dục tài chính bao gồm các hướng dẫn để khuyến khích sử dụng thẻ ghi nợ; bảo mật mã rút tiền; sử dụng ngân hàng trực tuyến và ví điện tử để thanh toán các dịch vụ; an ninh mạng; và bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Chiến dịch đã được phổ biến dưới hình thức số, truyền hình công cộng và được sử dụng tại trường học. Tại Brazil, NHTW đã sử dụng các chiến dịch truyền thông và hợp tác với những người có ảnh hưởng về kỹ thuật số để nâng cao nhận thức của người dân về chương trình thanh toán kỹ thuật số mới (Pix). Trước khi ra mắt vào tháng 11/2020, NHTW đã sản xuất 30 video được đăng trên YouTube và hơn 100 bài viết trên mạng xã hội để giải thích các đặc trưng của Pix và tạo ra sự tin tưởng trong cộng đồng nói chung. Chương trình đã đạt được 40 triệu người dùng đăng ký trong tháng ra mắt cùng sự chấp nhận rộng rãi và nhanh chóng các tiến bộ. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã thiết kế một chiến dịch truyền thông xã hội có sự hợp tác với ngôi sao điện ảnh làm đại sứ thương hiệu để giới thiệu về các tính năng và lợi ích của việc thanh toán kỹ thuật số. Trong Tháng tiền tệ Hồng Kông năm 2021, Hội đồng Nhà đầu tư và Giáo dục Tài chính (IFEC) đã làm việc cùng với 60 đối tác tại Hồng Kông, Trung Quốc về chiến dịch thường niên tập trung vào quản lý tiền kỹ thuật số và phòng chống lừa đảo kỹ thuật số. Một loạt các tọa đàm và hội thảo trên Facebook đã được tổ chức để thảo luận về sự khác biệt giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng ảo, cách Fintech chuyển đổi đầu tư cá nhân và quản lý tiền, v.v. để nâng cao hiểu biết của mọi người về các DFS.

NHTW Bồ Đào Nha đã thiết kế một chiến dịch giáo dục tài chính số cho giới trẻ về các biện pháp phòng ngừa cần thiết được áp dụng trực tuyến khi sử dụng DFS. Chương trình được cập nhật trên websites của NHTW, Instagram, Twitter và thông qua các trò chơi do NHTW phát triển để nâng cao nhận thức của học sinh trong trường học. NHTW cũng hợp tác với Bộ Giáo dục và tổ chức hội thảo trên web cho giáo viên về các biện pháp phòng ngừa cần thiết khi sử dụng các kênh kỹ thuật số để tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính, đặc biệt là để thực hiện thanh toán.

Nhận thức về bảo mật thanh toán kỹ thuật số và về các tính năng khác của hệ thống tài chính cũng có thể được thúc đẩy thông qua các nền tảng nhắn tin tức thời dành cho người dùng có kỹ năng kỹ thuật số rất thấp. NHTW Ukraine đã sử dụng ứng dụng nhắn tin Viber để gửi đến người đăng ký nội dung giáo dục tài chính bằng ngôn ngữ đơn giản, giải thích những điều cơ bản về quản lý tài chính cá nhân, các loại dịch vụ tài chính và tổ chức tài chính khác nhau, cũng như thông tin về quyền của người tiêu dùng, bảo mật thanh toán, các câu đố hoặc bảng câu hỏi ngắn hàng ngày.

Tại Liên bang Nga, Bộ Tài chính đã tổ chức hơn 80 buổi phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội Odnoklassniki kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn ra, để cảnh báo những rủi ro mới mà người dân phải đối mặt liên quan đến DFS. NHTW cũng thường xuyên thực hiện các chiến dịch giáo dục trên mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng về các chủ đề như như chống lại gian lận, thao túng tâm lý, đầu tư đa cấp,…. NHTW cũng sản xuất các video được phát sóng tại trung tâm cung cấp dịch vụ công cộng, bưu điện, cửa hàng, phương tiện giao thông công cộng, xe lửa, sân bay...

Nhận thức và sử dụng an toàn DFS cũng đã được tích hợp trong các chương trình giáo dục tài chính hiện có tại Peru, cơ quan giám sát ngân hàng, bảo hiểm và quỹ hưu trí tư nhân (SBS) đã đưa nội dung sử dụng DFS an toàn vào chương trình đào tạo từ xa do tác động của Cuộc khủng hoảng COVID-19.

Hỗ trợ các hành vi liên quan đến tài chính bền vững

Nhiều sáng kiến ​​giáo dục tài chính số nhằm tăng cường các hành vi tài chính bền vững được triển khai, bao gồm lập ngân sách, tiết kiệm và sử dụng tín dụng an toàn.

Lập ngân sách. Việc theo dõi các dòng tiền, như lập kế hoạch và ghi chép chi phí, giữ ngân sách, đảm bảo thu nhập phù hợp hoặc lớn hơn chi tiêu là một đặc điểm quan trọng của tài chính bền vững. Tại Canada, Cơ quan Người tiêu dùng tài chính (FCAC) đã sử dụng ứng dụng di động của bên thứ ba cung cấp các ưu đãi cho người tiêu dùng để gửi các tin nhắn và câu hỏi giáo dục được cá nhân hóa giúp hình thành hành vi lập ngân sách. FCAC cũng phát triển một công cụ đơn giản và thân thiện giúp người dùng lập kế hoạch ngân sách trực tuyến để quản lý tiền, nợ một cách thông minh cũng như lập kế hoạch và tiết kiệm cho tương lai tài chính.

Tại Maroc, Tổ chức Giáo dục Tài chính cũng dùng tin nhắn qua ứng dụng di động có tên Mizaniyati để khuyến khchs người tiêu dùng trong hoạt động lập kế hoạch ngân sách. Ứng dụng còn góp phần hỗ trợ tài chính toàn diện thông qua những thông điệp đa dạng với ngôn ngữ đơn giản hướng tới những người không quen thuộc với hệ thống tài chính (kỹ thuật số). Còn ở Bồ Đào Nha, cơ quan giám sát tài chính đã có một chiến dịch thông qua các video ngắn trên Facebook để nâng cao nhận thức của người dân về các công cụ trực tuyến và nội dung có sẵn trên trang web Kế hoạch quốc gia về Giáo dục tài chính (Todos Contam), giúp hộ gia đình đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn như lập ngân sách và tiết kiệm.

Tiết kiệm trong ngắn hạn và dài hạn. Lập kế hoạch và tiết kiệm rất cần thiết để đảm bảo phục hồi tài chính, như một cách để tạo vùng đệm cho cả các trường hợp khẩn cấp và lâu dài hơn. Các hình thức giáo dục tài chính số để khuyến khích tiết kiệm bao gồm các thông điệp và lời nhắc nhở về tiết kiệm cho mục tiêu cá nhân hoặc cho dài hạn/hưu trí; các công cụ trực tuyến để tính thu nhập hưu trí, các khóa học từ xa hay các ứng dụng tương tác để khuyến khích tiết kiệm khi nghỉ hưu.

Tại Peru, một ứng dụng có tên Ahorrando Ando - SBS Savings được phát triển để hướng dẫn và nhắc nhở người dùng tiết kiệm thông qua thiết lập mục tiêu tiết kiệm. Người dùng có thể đặt số tiền và tần suất tiết kiệm mong muốn. Tại Canada, FCAC hợp tác với Đại học Washington, Viện Chính sách Xã hội và Intuit để đưa ra các biện pháp can thiệp khuyến khích mọi người tiết kiệm tiền hoàn thuế. Việc này được thực hiện bằng cách yêu cầu mọi người cam kết tiết kiệm trước khi nhận tiền hoàn thuế và cân nhắc xây dựng một quỹ tiết kiệm khẩn cấp. Kết quả ban đầu cho thấy 65% người tham gia đã tiết kiệm một phần khoản tiền hoàn thuế.

Hành vi tiết kiệm cũng có thể được xây dựng thông qua các lớp học tự định hướng từ xa, ví dụ Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng Mỹ (CFPB) đã cung cấp một khóa học 6 bước qua email với mục tiêu hỗ trợ xây dựng các khoản tiết kiệm dự phòng.

Các ứng dụng di động đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ tiết kiệm dài hạn khi chúng có thể được sử dụng để truy cập và quản lý các chương trình lương hưu tự nguyện và cho phép tùy chỉnh nội dung giáo dục tài chính. Cơ quan quản lý hệ thống lương hưu Mexico, sử dụng ứng dụng Afore Movil để tăng sự tham gia và đóng góp tự nguyện của người lao động trong hệ thống tiết kiệm hưu trí. Ứng dụng bao gồm các tính năng để quản lý tài khoản tiết kiệm hưu trí, liên lạc với hoặc chuyển đổi nhà cung cấp, lấy thông tin quản trị và cho phép người dùng đặt mục tiêu tiết kiệm. Ứng dụng này cùng với các nền tảng số khác chiếm 89% giao dịch tiết kiệm tự nguyện và 81% số tiền tiết kiệm trong 2019.

Sử dụng tín dụng an toàn. Các website giáo dục tài chính quốc gia ở nhiều nước lưu trữ tài liệu giáo dục về tín dụng thuộc nhiều loại hình, từ tín dụng thế chấp đến tín dụng tiêu dùng, và các công cụ kỹ thuật số giúp người tiêu dùng hiểu năng lực của họ trong việc ký kết các thỏa thuận tín dụng và so sánh các ưu đãi, các thông báo và cảnh báo. Tại Australia, những người tiêu dùng cố gắng đăng ký khoản vay payday trực tuyến sẽ nhận được cảnh báo về các lựa chọn thay thế và đưa ra tham chiếu cụ thể đến trang giáo dụ tài chính MoneySmart của Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc (ASIC) cung cấp thông tin chung cho người tiêu dùng về tín dụng và nợ, và bao gồm trang cụ thể về tín dụng trực tuyến.

Tại Hồng Kông, Trung Quốc, IFEC đã phát động chiến dịch Nợ và Đi vay để tăng cường thông lệ vay mượn có trách nhiệm trong đại dịch COVID-19. Chiến dịch đã cung cấp một công cụ máy tính khoản vay và nợ, và một danh mục các cân nhắc chính khi vay và chọn nhà cung cấp khoản vay, cùng với một loạt video giáo dục cung cấp các lời khuyên thực tế về vay và quản lý nợ.

Giải quyết khó khăn tài chính và nợ nần. Nhiều trang web giáo dục tài chính lưu trữ tài liệu giáo dục cho những người gặp khó khăn về tài chính và vật lộn với mức nợ không bền vững, cung cấp lời khuyên và chỉ dẫn đến dịch vụ giảm nợ, đồng thời hướng tới đặt nền móng cho khả năng phục hồi tài chính lâu dài.

Các công cụ kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện Lộ trình giảm nợ của Hà Lan- một sáng kiến ​​chung giữa các địa phương, doanh nghiệp và các đối tác phi lợi nhuận. Các giải pháp kỹ thuật số đã được chọn để cung cấp thông tin về: phòng ngừa nợ, quản lý tài chính cá nhân và các hỗ trợ cho những người gặp khó khăn tài chính. Trang web có tên Geldfit.nl cho phép người dùng tự đánh giá để xác định mức độ khó khăn tài chính và hình thức hỗ trợ thích hợp nhất. Dựa trên kết quả, người dùng được trợ giúp từ các tình nguyện viên (trực tiếp hoặc kỹ thuật số), chính quyền địa phương hoặc được hướng dẫn đến các trang web giáo dục. Thông qua ứng dụng di động miễn phí, Fikks, những người gặp khó khăn về tài chính cũng có thể nhận trợ giúp từ các tình nguyện viên được đào tạo bởi Viện Thông tin Tài chính gia đình quốc gia. Ứng dụng cũng cung cấp cho người dùng cái nhìn tổng quan về thu nhập và chi phí của họ.

Lựa chọn sản phẩm tài chính. Các công cụ kỹ thuật số như website và ứng dụng di động đặc biệt hữu ích để giúp các cá nhân so sánh các sản phẩm dịch vụ tài chính và có những cân nhắc thấu đáo trước khi quyết định. Ở một số nước, người tiêu dùng được cung cấp các công cụ kỹ thuật số để so sánh giá và tính năng của các sản phẩm và dịch vụ tài chính như một phần của nỗ lực giáo dục và bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Những công cụ như vậy có thể được đưa vào các trang web giáo dục tài chính quốc gia, như ở Bồ Đào Nha, Mexico, Peru. Tại Canada, FCAC cung cấp các công cụ giúp người tiêu dùng so sánh và đánh giá các tính năng của tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng cũng như so sánh chi phí giữa mua và thuê phương tiện. Tại Liên bang Nga, trang web giáo dục tài chính vashifinancy.ru có công cụ tính toán các khoản vay thế chấp, cho vay khẩn cấp và vay mua ô tô; trang web giáo dục của NHTW Fincult.info cho phép cho người dùng tính lạm phát, tiền gửi và tín dụng.

NHTW Croatia đã phát triển một ứng dụng di động có tên mHNB cho phép tìm kiếm dữ liệu tổng quan về điều kiện cho vay của các ngân hàng ở Croatia, cho phép người dùng so sánh các ưu đãi của các loại khoản vay từ tất cả các tổ chức tín dụng và phí đối với các dịch vụ được tiêu chuẩn hóa liên quan đến tài khoản thanh toán.

Giúp người tiêu dùng tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo và gian lận tài chính. Lừa đảo, gian lận tài chính khiến các nạn nhân phải chịu thiệt hại ngay lập tức và mất nguồn lực đồng thời mất niềm tin vào dịch vụ tài chính và có thể làm giảm sự tham gia của họ trong dài hạn. Từ lâu, các cơ quan quản lý tại nhiều nước đã phát triển các chiến dịch và website để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về những rủi ro liên quan đến DFS. Các chiến dịch này đã được triển khai, cập nhật và mở rộng nhanh chóng trong đại dịch COVID-19 và nội dung của chúng thường được chuyển thành các tài liệu của chính phủ về hỗ trợ COVID-19.

Tại Brazil, NHTW hợp tác với các bên liên quan trong một chiến dịch nhằm bảo vệ người cao tuổi khỏi gian lận tài chính được cung cấp qua nền tảng nhắn tin WhatsApp và các quảng cáo trên internet và truyền hình. NHTW cũng thực hiện một chiến dịch tập trung vào các mối đe dọa lừa đảo, gian lận sử dụng các giao dịch Pix, được thực hiện thông qua các bài đăng trên mạng xã hội và các video ngắn có thể được chia sẻ trên WhatsApp.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc) IFEC đã phát động chiến dịch ngăn chặn lừa đảo tài chính trực tuyến tập trung vào các thủ đoạn lừa đảo đầu tư và tài chính trực tuyến ngày càng phổ biến và cảnh báo người dân đề phòng. NHTW Italia tham gia vào một chiến dịch nâng cao nhận thức an ninh mạng thông qua trang web giáo dục tài chính của mình. Cũng tại Ý, CONSOB đã phát triển một chương trình nâng cao kiến ​​thức và cải thiện khả năng nhận biết các gian lận và tránh bị lừa đảo cho nhà đầu tư.

Ở Peru, SBS kết hợp nội dung ngăn chặn gian lận trên các kênh kỹ thuật số như một phần của các công cụ học tập điện tử và giải thích các hình thức gian lận phổ biến nhất. Điều này được thực hiện thông qua chương trình Finanzas para Ti - cung cấp các bài giảng miễn phí về giáo dục tài chính.

NHTW Bồ Đào Nha thường xuyên phát động các chiến dịch về an ninh mạng và phòng chống gian lận được phổ biến thông qua website của NHTW và phương tiện truyền thông xã hội. Chúng bao gồm một số lời khuyên giúp nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng ngừa cần thực hiện khi mua sắm trực tuyến và trên bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ủy ban Thị trường Chứng khoán Bồ Đào Nha (CMVM) đã ra mắt chiến dịch nhà đầu tư tài chính số tập trung vào gian lận kỹ thuật số, được quảng cáo trên các mạng xã hội của CMVM (Linkedln, Twitter và Facebook), và được hỗ trợ bởi các video và tài liệu quảng cáo trực tuyến.

Mạng xã hội được sử dụng rộng rãi để chuyển tiếp tài liệu giáo dục về gian lận và lừa đảo và bảo vệ dữ liệu cá nhân, cả trước và trong đại dịch COVID-19. Cơ quan giám sát tài chính Colombia đã tổ chức các cuộc hội thảo web trực tiếp được phát trực tuyến qua các trang mạng xã hội; NHTW Malaysia đã sử dụng Facebook để phát các cảnh báo về các vụ lừa đảo tài chính, các phương thức lừa đảo tài chính phổ biến và đưa ra lời khuyên để tránh trở thành nạn nhân. Ủy ban Thị trường Chứng khoán Quốc gia Tây Ban Nha (CNMV) đã sản xuất video về các bước cần thực hiện để tránh gian lận và phát qua mạng xã hội. NHTW Ukraine đã chỉ đạo một chiến dịch kỹ thuật số có tên “#FraudsterGoodbye” với sự tham gia của cảnh sát, ngân hàng thương mại, hệ thống thanh toán, nhà mạng,… nhằm nâng cao nhận thức về các hành vi gian lận liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt và ngân hàng trực tuyến.

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay