Thứ sáu, 22/11/2024
   

Bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền khi tổ chức tín dụng gặp sự cố

Gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng (TCTD) thường được người dân ưu tiên lựa chọn vì tính tiện lợi, an toàn và bền vững. Tuy nhiên, nếu chẳng may TCTD bị phá sản, tiền gửi đó được đảm bảo thế nào, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo vệ ra sao? tại Luật bảo hiểm tiền gửi (BHTG) các luật

Gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng (TCTD) thường được người dân ưu tiên lựa chọn vì tính tiện lợi, an toàn và bền vững. Tuy nhiên, nếu chẳng may TCTD bị phá sản, tiền gửi đó được đảm bảo thế nào, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo vệ ra sao? tại Luật bảo hiểm tiền gửi (BHTG) các luật khác có liên quan.

Theo quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147a; hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a hoặc khoản 7 Điều 151d của Luật này khi TCTD được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

Như vậy, theo quy định này, TCTD vẫn có thể phá sản khi rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam chưa có ngân hàng nào phá sản. Chủ trương phá sản được coi là biện pháp cuối cùng khi TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc.

Bên cạnh đó, theo Điều 155 Luật Các TCTD 2010, sau khi NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt; hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì TCTD đó làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

Để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người gửi tiền, các nội dung về chủ thể được BHTG và tiền gửi được bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của người được BHTG, hạn mức chi trả BHTG … đã được quy định rõ ràng tại Luật BHTG - cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam. Luật BHTG thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm an toàn đối với tiền gửi của người gửi tiền trong hạn mức BHTG khi tổ chức tham gia BHTG mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản, hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Theo đó, tại Điều 6 Luật BHTG quy định: Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia BHTG bắt buộc, trừ Ngân hàng chính sách. Đồng thời, Điều 4 Luật BHTG cũng chỉ rõ một số nội dung chính sách mà người gửi tiền cần đặc biệt lưu tâm để hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, cụ thể:

BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản;

Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm;

Người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG;

Tổ chức tham gia BHTG là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật Các TCTD được nhận tiền gửi của cá nhân.

Những năm qua, BHTGVN đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người gửi tiền, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh cho hoạt động ngân hàng và ngăn ngừa khủng hoảng tài chính, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo lãnh đạo BHTGVN, một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách BHTG đó là “bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền” trong điều kiện các ngân hàng hoạt động bình thường, cũng như khi xảy ra sự cố đổ vỡ đe dọa an toàn hệ thống.

Cụ thể, BHTGVN bảo vệ trực tiếp cho người gửi tiền thông qua việc thực hiện chi trả BHTG khi tổ chức tham gia BHTG phá sản với hạn mức tối đa 125 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi) theo quy định hiện hành. Phần vượt quá mức 125 triệu đồng sẽ được giải quyết sau khi cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG đúng thứ tự theo quy định của pháp luật. Theo tính toán của BHTGVN, với hạn mức 125 triệu đồng, hơn 90% người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ, phù hợp với khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế - hạn mức trả tiền BHTG cần bảo vệ toàn bộ được 90% - 95% người gửi tiền được bảo hiểm.

BHTGVN còn bảo vệ gián tiếp người gửi tiền thông qua triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghiệp vụ BHTG như kiểm tra và giám sát các tổ chức tham gia BHTG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiến nghị NHNN xử lý các vi phạm về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn hệ thống; cung cấp thông tin, truyền thông chính sách BHTG, từ đó giúp người gửi tiền nâng cao nhận thức về quyền lợi, nhận biết được TCTD an toàn để gửi tiền nhằm bảo vệ mình, tránh những rủi ro đáng tiếc về mất tiền gửi có thể xảy ra. Tính đến tháng 6/2022, BHTGVN bảo vệ cho hơn 6,9 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG trong toàn hệ thống ngân hàng trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, lãi suất cao thường đi đôi với rủi ro lớn. Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017 mở ra hướng cho phép các TCTD phá sản khiến người dân cũng sẽ cân nhắc khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiền, điều đó cũng đồng nghĩa trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền của BHTGVN sẽ ngày càng tăng lên. Để thực hiện tốt mục tiêu này, đại diện lãnh đạo BHTGVN cho biết, bên cạnh việc sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về hoạt động BHTG cũng sẽ tích cực nâng cao năng lực tài chính của tổ chức để có thể đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Tuy nhiên, lãnh đạo BHTGVN cũng làm rõ, mặc dù quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, nhà nước là phải đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền nếu chẳng may TCTD đổ vỡ. Nhưng về phía người gửi tiền cũng cần có trách nhiệm tìm hiểu, lựa chọn ngân hàng có uy tín để gửi tiền, thay vì chạy theo lãi suất cao và nghĩ rằng rủi ro đã có tổ chức BHTG đứng ra đảm bảo toàn bộ quyền lợi của mình.

Còn về phía các TCTD cũng cần có trách nhiệm với đồng tiền người dân gửi vào, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng; tránh dùng biện pháp cạnh tranh bằng lãi suất cao để lôi kéo khách hàng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh để luôn duy trì tốt kỷ luật thị trường cũng như an toàn hệ thống.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay