Thứ bảy, 14/12/2024
   

Bảo hiểm tiền gửi thúc đẩy các tổ chức tín dụng phát triển ổn định và bền vững

Các tổ chức tín dụng đóng vai trò trung gian huy động nguồn lực trong cộng đồng nhằm phục vụ đầu tư phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Sự xuất hiện của bảo hiểm tiền gửi phản ánh tính trách nhiệm xã hội đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, được cụ thể hóa bằng mức độ trách nhiệm trực tiếp đối với người gửi tiền và gián tiếp đối với sự phát triển ổn định và bền vững của các tổ chức tín dụng.

 

Bảo hiểm tiền gửi thúc đẩy các tổ chức tín dụng phát triển ổn định và bền vững
Bảo hiểm tiền gửi thúc đẩy các tổ chức tín dụng phát triển ổn định và bền vững

Chính sách bảo hiểm tiền gửi giúp các tổ chức tín dụng thực hiện trách nhiệm với người gửi tiền - đối tượng tin tưởng trao tài chính của mình cho các tổ chức tín dụng kinh doanh. Điều kiện tham gia bảo hiểm tiền gửi, loại tiền gửi được bảo hiểm, phí bảo hiểm, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi, quy trình, thủ tục chi trả bảo hiểm tiền gửi, hoạt động giám sát, kiểm tra của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, phổ cập chính sách bảo hiểm tiền gửi và tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia giải quyết khó khăn cho các tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi là những nội dung cốt lõi của chính sách bảo hiểm tiền gửi. Mức độ thực hiện các nội dung này phản ánh khả năng đáp ứng tiêu chí đạo đức và trách nhiệm xã hội của các tổ chức tín dụng, xét trên góc độ người gửi tiền.

Tham gia bảo hiểm tiền gửi là điều kiện bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi của người dân nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Bên cạnh đó, việc tham gia bảo hiểm tiền gửi cũng góp phần giúp tăng cường niềm tin từ cộng đồng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, từ đó tăng khả năng huy động tiền gửi để phục vụ các hoạt động kinh doanh, đầu tư sinh lời của các tổ chức này.

Nguồn thu phí bảo hiểm tiền gửi từ tất cả các tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi hình thành nên quỹ bảo hiểm tiền gửi, được dùng để chi trả cho người gửi tiền trong tình huống có tổ chức tín dụng đóng cửa mà không đủ khả năng trả tiền gửi và các trách nhiệm tài chính khác cho khách hàng. Với sự tham gia của hầu hết các tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi (trừ ngân hàng chính sách), quỹ bảo hiểm tiền gửi sẽ có khả năng chi trả cho số lượng lớn người gửi tiền ở tổ chức tín dụng đóng cửa. Điều này giảm đáng kể khả năng rủi ro xảy ra ở diện rộng, liên quan tới nhiều tổ chức tín dụng.

Phí bảo hiểm tiền gửi được xác định theo hai hình thức: Phí tham gia (phí thành viên) thường được tính và nộp vào thời điểm tổ chức tín dụng được chấp nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, và phí đóng góp thường xuyên. Hình thức phí thành viên rất ít được áp dụng, mà phổ biến là phí đóng góp thường xuyên. Có hai cách tính phí thường xuyên, đó là tính theo một tỷ lệ đồng hạng cho tất cả các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi và tính theo tỷ lệ phân biệt theo mức độ được đánh giá cho từng tổ chức tín dụng.

Trong giai đoạn mới triển khai bảo hiểm tiền gửi, hầu hết các quốc gia đều lựa chọn tỷ lệ phí đồng hạng để tính mức phí phải đóng của mỗi tổ chức tín dụng. Việc áp dụng tỷ lệ phí đồng hạng cho thấy yếu tố đáp ứng trách nhiệm xã hội, bởi nếu có sự phân biệt trong mức phí áp dụng sẽ tạo nên phản ứng thiếu tích cực trên thị trường. Tổ chức tín dụng bị áp dụng phí cao sẽ là tín hiệu cho hoạt động ở mức độ rủi ro cao hơn. Độ trễ trong áp dụng phí phân biệt theo rủi ro cho phép tổ chức tín dụng khó khăn có lộ trình vươn lên và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Loại tiền gửi được bảo hiểm thông thường được thiết kế tùy thuộc vào mức độ phát triển của các tổ chức tín dụng ở mỗi quốc gia. Đối với quốc gia có hệ thống tổ chức tín dụng phát triển lâu đời, chuẩn hóa, đồng tiền quốc gia có tính chuyển đổi ở mức cao, có thương hiệu trên thị trường, và nhu cầu bảo vệ đồng nội tệ không đặt ra nhiệm vụ lớn cho hệ thống các tổ chức tín dụng thì loại tiền gửi được bảo hiểm có thể xem xét tới ngoại tệ.

Cho tới nay, đối tượng tiền gửi là ngoại tệ chưa được nhiều quốc gia xem xét đưa vào danh sách tiền gửi được bảo hiểm. Hầu hết các quốc gia triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi đều tập trung sự bảo vệ đối với đồng tiền nội địa, là cơ sở bền vững cho ổn định kinh tế, chính trị và xã hội.

Hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi phản ánh mức độ bồi thường cho người gửi tiền khi tổ chức tín dụng không có khả năng hoàn trả tiền gửi tức thì. Hạn mức chi trả được xác định dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người, mức độ lạm phát và mức độ đáp ứng dao động từ 80 - 90% số người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Hơn nữa, hạn mức chi trả được xác định trả ngay tức thì cho người gửi tiền với số lượng tiền trong hạn mức. Số tiền gửi vượt hạn mức sẽ được xem xét trả trong giai đoạn thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng đóng cửa. Như vậy, trật tự ưu tiên trong sử dụng quỹ bảo hiểm tiền gửi là để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền nhỏ lẻ. Đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền thông qua hạn mức chi trả và thủ tục chi trả thuận lợi, công khai và minh bạch là một trong số các yếu tố cơ bản đáp ứng trách nhiệm xã hội của chính sách bảo hiểm tiền gửi; qua đó góp phần gia tăng niềm tin người gửi tiền đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Giám sát, kiểm tra tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là những nghiệp vụ nòng cốt, cho phép tổ chức bảo hiểm tiền gửi đóng góp trực tiếp vào giảm thiểu rủi ro phát sinh trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tùy vào mức độ triển khai và phát triển chính sách bảo hiểm tiền gửi của mỗi quốc gia mà chức năng kiểm tra và giám sát được xây dựng đảm bảo tính đồng bộ trong giám sát hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tránh chồng chéo với các thiết chế khác trong mạng an toàn tài chính.

Hoạt động phổ cập chính sách bảo hiểm tiền gửi được tổ chức bảo hiểm tiền gửi chủ trì triển khai dưới nhiều hình thức và bao gồm nhiều đối tác cùng tham gia. Mức độ phổ cập nội dung chính sách bảo hiểm tiền gửi quyết định tới tác dụng và hiệu quả triển khai chính sách. Các biểu hiện hoang mang, mất niềm tin, hiệu ứng đám đông khi có thông tin bất lợi về hoạt động của tổ chức tín dụng sẽ được kiểm soát và hạn chế nếu nội dung chính sách bảo hiểm tiền gửi được phổ cập cụ thể, sâu rộng và hiệu quả tới công chúng.

Yếu tố nhắc đến cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong thực thi trách nhiệm xã hội là quá trình tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia giải quyết khó khăn cho tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi. Khi tổ chức tín dụng có khó khăn, tổ chức bảo hiểm tiền gửi là kênh hỗ trợ đắc lực, sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ cần thiết để khắc phục, chuyển giao xử lý khó khăn.

Theo đó, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể cho vay hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng có khó khăn, kiểm tra phát hiện sai phạm, phối hợp tìm đối tác chuyển giao (mua lại) tổ chức tín dụng và cuối cùng có thể đảm trách là người điều hành chèo lái tổ chức tín dụng có khó khăn (triển khai ngân hàng bắc cầu)... Những hoạt động này có tác dụng trực tiếp giải quyết khó khăn của tổ chức tín dụng trước, trong và sau khi chi trả bảo hiểm tiền gửi, góp phần giải quyết tối ưu quyền lợi của người gửi tiền.

Thành công của công cụ bảo hiểm tiền gửi có thể được đánh giá ở nhiều góc độ, hơn hết và trước tiên, khi hầu hết người gửi tiền được bảo vệ quyền lợi, dòng lưu chuyển tài chính của nền kinh tế không bị gián đoạn, khó khăn của tổ chức tín dụng không bị trầm trọng hơn… Có thể khẳng định, công cụ bảo hiểm tiền gửi đã góp phần thực hiện tối ưu trách nhiệm xã hội của các tổ chức tín dụng, xét trên góc độ người gửi tiền.

DIV
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay