Hành trình phát triển Mobile Money chỉ mới bắt đầu với nhiều khó khăn và kém cạnh tranh, cần tìm lời giải cho sự bùng nổ của dịch vụ này trong thời gian tới.
Mobile Money “lép vế” trên thị trường
Theo một chuyên gia về mảng thanh toán đánh giá, dịch vụ Mobile Money đang ở vào thế khó khi “sinh sau đẻ muộn”. Bởi, Mobile Money từng được coi như một hình mẫu thành công, tạo nên cuộc cách mạng thanh toán ở một số quốc gia có mạng lưới ngân hàng chậm phát; nhưng đến nay, thanh toán không tiền mặt đang ngày càng tăng trưởng ở Việt Nam với các dịch vụ hiện đại như Internet Banking, ví điện tử, mã QR..., Do vậy Mobile Money khó tạo nên một cuộc cách mạng về thanh toán trong tương lai.
Về vấn đề này, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty dịch vụ số Viettel cho rằng, đây là lần đầu tiên thực hiện cấp phép và triển khai chính thức tại Việt Nam, nên Mobile Money cũng đặt ra bài toán khó về thay đổi hành vi tiêu dùng và sử dụng tiền của người dân. Làm sao để người dân có đủ nhận thức, tin tưởng sử dụng Mobile Money, chuyển đổi dần từ sử dụng tiền giấy sang cuộc sống không tiền mặt và thay đổi toàn diện thói quen, cũng như hưởng lợi trực tiếp từ nền kinh tế số. Đây sẽ là đề bài chung cho Nhà nước, các cơ quan báo chí, ngân hàng, các đơn vị triển khai tiền di động để cùng đồng hành phối hợp giải quyết.
“Với tiềm lực sẵn có là sóng viễn thông phủ 99% diện tích Việt Nam và hệ thống hạ tầng phục vụ phủ tới 11.000 phường xã, trong đó có các xã vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo,... Viettel đảm bảo tất cả ở đâu có sóng di động thì người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ”, ông Việt chia sẻ.
Còn theo bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số Mobifone, Việt Nam triển khai Mobile Money đi chậm hơn thế giới khoảng 20 năm, dường như thời điểm vàng đã qua đi. Còn thời điểm này, khi nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, các ngân hàng đang chuyển đổi rất mạnh sang ngân hàng số, thì Mobile Money liệu có còn cơ hội phát triển? Từ đó để thấy, ngân hàng số sẽ là một bài toán cạnh tranh rất mạnh với các công ty Fintech trong đó có Mobile Money.
Đại diện Mobifone nhấn mạnh, khó khăn và thách thức lớn nhất hiện này là về thói quen tiêu dùng, Mobile Money đưa ra trong bối cảnh thị trường có rất nhiều sản phẩm thanh toán từ ngân hàng, đến ngân hàng số, đến các công ty Fintech thì sự cạnh tranh rất lớn trong điều kiện để đăng ký Mobile Money lại quá khó khăn.
Không những phải xác thực danh tính (KYC) như ngân hàng, mà còn phải khớp hoàn toàn thông tin thuê bao, trong đó số chứng minh thư, căn cước công dân, giấy tờ tùy thân của nhiều người có sự sai lệch, dẫn đến đăng ký không thành công.
“Bên cạnh đó, hạn mức sử dụng của Mobile Money chỉ có 10 triệu đồng, thấp hơn ví điện tử rất nhiều và không thể so sánh với ngân hàng. Khi chúng ta cung cấp một phương thức thanh toán mới, nhưng lại có nhiều hạn chế từ lúc đăng ký cho đến sử dụng hạn mức thì rất nhiều khách hàng rời bỏ.
Ngoài ra, các điểm kinh doanh của nhà mạng đang phủ khắp trên toàn quốc, nhưng điều kiện của điểm kinh doanh Mobile Money lại phải có tư cách pháp nhân, trong khi ở các nước khác, điều kiện này không cần, dẫn đến việc tốn chi phí, nguồn lực phát triển các điểm kinh doanh”, bà Tú bày tỏ.
Trùng khớp với những chia sẻ trên, đại diện Tổng công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tấn cũng nêu, việc đăng ký KYC của Mobile Money làm mất đi tính ưu việt của dịch vụ này, khiến doanh nghiệp thí điểm phải tốn thêm nguồn lực để phát triển thuê bao di động trở thành khách hàng Mobile Money.
“Hạn mức sử dụng thấp và hạn chế không được chuyển/nhận tiền từ các thuê bao Mobile Money của nhà mạng khác cũng là điểm gây bất tiện cho người dùng. Mặt khác, khái niệm Mobile Money vẫn còn xa lạ, người dân ở các khu vực vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất e dè, thiếu sự tin tưởng. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp khi VNPT trao đổi, đàm phán mở điểm kinh doanh đều đánh giá việc trở thành điểm kinh doanh ủy quyền dịch vụ Mobile Money không mang lại lợi ích kinh tế đủ lớn trong khi phải đáp ứng nhiều yêu cầu chặt chẽ", ông Tấn cho hay.
Gỡ khó cho Mobile Money
Để gỡ khó trong bối cảnh Mobile Money vẫn còn “ì ạch”, vị đại diện Viettel đưa ra một số đề xuất như: Thứ nhất, cần đẩy mạnh các hoạt động giải ngân sản xuất kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế thông qua tài khoản tiền di động. Vì đây vừa là phương thức, vừa là động lực cải thiện kinh tế của người dân, kích thích sử dụng Mobile Money đến gần hơn với đời sống.
Thứ hai, đưa ra các định hướng chính sách hỗ trợ xây dựng và nhân rộng hơn nữa các mô hình thanh toán không tiền mặt trên khắp cả nước, tiến tới mọi người dân đều sớm được tiếp cận và chấp nhận thanh toán số như một hình thức chi tiêu quen thuộc, tiện ích.
Thứ ba, đề suất cơ quan báo chí truyền thông cùng phối hợp triển khai thúc đẩy định hướng nhận thức về Mobile Money, xây dựng cái nhìn chân thực, gần gũi, dần xóa bỏ tâm lý nghi ngại cho người dân về xã hội số và thanh toán không tiền mặt.
Thứ tư, ngân hàng và các nhà mạng tiếp tục duy trì đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, mang lại giá trị cho người dân khi sử dụng tiện ích thanh toán số, để mọi người dân ở mọi vùng miền trên tổ quốc sẽ ngày càng nhận được nhiều giá trị, làm lợi từ nền kinh tế số.
Đóng góp ý kiến của mình, ông Nguyễn Văn Tấn đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước xem xét cho phép thuê bao di động không cần thực hiện định danh lại, đồng thời không cần đáp ứng yêu cầu đã sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money (do tại thời điểm đăng ký mới của dịch vụ di động, nhà mạng đã thực hiện định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động).
“Đặc biệt, cho phép khách hàng sử dụng Mobile Money của các nhà mạng thực hiện thí điểm chuyển/nhận tiền với nhau. Riêng với hoạt động phát triển điểm kinh doanh, cơ quan quản lý Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp thí điểm có thể mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp ngoài các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền nhưng có tiềm lực về kinh doanh dịch vụ Mobile Money và đáp ứng được các quy định quản trị, để có thể nhanh chóng mở rộng mạng lưới kinh doanh đến các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, đối với hoạt động phát triển điểm chấp nhận thanh toán, cần cho phép các doanh nghiệp thí điểm có thể ký kết hợp tác trực tiếp với các đơn vị/ tổ chức trung gian khác trên thị trường như các ngân hàng, trung gian thanh toán… để tận dụng được lợi thế về sẵn mạng lưới của các đơn vị này trên thị trường, nhanh chóng tạo được môi trường thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ Mobile Money” ông Tấn đề xuất.
Về phía Mobifone, bà Phạm Minh Tú bổ sung thêm rằng, do Mobile Money ở Việt Nam đang trong giai đoạn thí điểm, có những khó khăn vướng mắc rất chung, nên cần cho phép các nhà mạng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để việc đăng ký không bị sai lệch.
Mobile Money chưa phải là thế mạnh quá nhiều trong việc đa dạng sản phẩm thanh toán, vậy cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có công cụ, phương tiện hỗ trợ cho các nhà mạng tuyên truyền rộng rãi, hay có các chính sách mở tài khoản Mobile Money cho toàn dân để sử dụng dịch vụ hành chính công.
Thí điểm Mobile Money là một bước đi quan trọng đóng vai trò kéo dần khoảng cách các đối tượng trong xã hội, thúc đẩy dòng chảy giao thương trên cả nước. Hành trình này mới chỉ vừa bắt đầu, vì thế cần nỗ lực phối hợp từ các Bộ ban ngành các đơn vị để có lời giải cho sự bùng nổ của nền kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới.
Theo diendandoanhnghiep.vn