Thứ hai, 01/07/2024
   

Xác thực sinh trắc học giúp bảo đảm an toàn giao dịch, ngăn chặn lừa đảo

Việc xác thực sinh trắc học là tạo ra những lớp bảo mật khác, nói một cách đơn giản, xác thực khuôn mặt phải gắn với tài khoản ngân hàng của chính chủ trong điện thoại và chỉ khuôn mặt được xác thực đó mới chuyển tiền được
Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) trao đổi trong chương trình Vấn đề hôm nay của VTV tối 27/6/2026. Ảnh chụp màn hình

Tại chương trình Vấn đề hôm nay của VTV tối 27/6/2026, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, việc xác thực sinh trắc học 20 triệu đồng/ngày, tức số tiền đó tại một ngân hàng, hạn mức cho một tài khoản. Theo ông Hưng, cần hiểu rõ thêm về hệ thống nhận dạng khuôn mặt (Face ID) và sinh trắc học bằng khuôn mặt (Face Bio hay Face Biometric). Theo đó, việc dùng sinh trắc học  bằng khuôn mặt là việc xác thực khuôn mặt đó được so khớp với dữ liệu ở Căn cước công dân (CCCD) hoặc dữ liệu công dân quốc gia của Bộ Công an. Như vậy giao dịch đúng với chủ tài khoản sẽ an toàn hơn rất nhiều. Còn dùng Face ID thì chỉ xác minh đó là chủ điện thoại chứ chưa xác thực được là chủ tài khoản ngân hàng.

Theo ông Hưng, trong thời gian vừa qua, nhiều người bị lừa dưới các hình thức như click vào đường dẫn lạ, lừa để hoàn thiện thủ tục CCCD, khi ấn vào đường link lạ sẽ bị chiếm quyền sử dụng điện thoại. Ngoài ra các đối tượng còn giả mạo cơ quan chức năng để lừa đảo… Chính vì thế, với việc xác thực sinh trắc học sẽ đảm bảo an toàn tốt hơn, hạn chế việc luân chuyển dòng tiền. Bởi phần lớn những vụ phạm tội thì dòng tiền luân chuyển rất nhanh và qua hàng chục tài khoản ngân hàng và việc truy vết dòng tiền rất khó.

Ông Hưng kỳ vọng trong thời gian tới việc xác thực sinh trắc học sẽ liên thông giữa các ngân hàng với nhau và Napas

Trước lo ngại tội phạm "chuyển hướng" rút tiền từ ngân hàng sang ví điện tử để không phải xác thực sinh trắc học, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, việc chuyển tiền từ ngân hàng sang ví điện tử thì cũng quản lý hạn mức tương tự như ở ngân hàng nên không thể ở ví điện tử có một số lượng tiền quá lớn để có thể rút tiền ra được. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định 5262 quy định, nếu như số tiền đó đã được xác thực từ ngân hàng chuyển đến thì có thể thực hiện giao dịch trên ví điện tử. Ngoài ra, mỗi lần chuyển tiền từ ngân hàng sang ví điện tử đã phải xác thực sinh trắc học rồi nên yên tâm.

Tổng giám đốc TPBank cũng cho biết, việc xác thực sinh trắc học trên các thiết bị điện thoại di động thông minh (smartphone) cũng dễ dàng bởi hiện nay hầu hết các smartphone đều có chíp quét NFC. Tuy nhiên, cũng có dòng điện thoại đời thấp sẽ không có chip này, hoặc CCCD bị trầy xước... sẽ khó đọc dữ liệu xác thực sinh trắc học. Nhưng bất kỳ trường hợp nào khó khăn thì khách hàng có thể đến ngân hàng để được hỗ trợ. Về giải pháp xác thực sinh trắc học đối với những tài khoản ngân hàng mà khách hàng mở bằng CCCD cũng (không gắn chip) hoặc không có điện thoại thông minh thì khách hàng có thể đến ngân hàng để được trợ giúp xác thực sinh trắc học theo đúng quy định.

Để ngăn chặn các tài khoản lừa đảo, Tổng giám đốc TPBank đề xuất rằng, khi các dữ liệu của các ngân hàng đã liên thông với Napas, với dữ liệu dân cư của Bộ Công an thì khi chuyển tiền, tên tài khoản người nhận sẽ được hiển thị và có tick xanh (giống như tài khoản facebook) thể hiện việc tài khoản đó đã được xác thực sinh trắc học, đó là tài khoản chính chủ thì khách hàng sẽ yên tâm hơn, việc chuyển tiền trở nên an tâm, an toàn hơn. Cùng với thực hiện Quyết định 2345 và Đề án 06 cũng là dịp để ngân hàng "làm sạch" dữ liệu khách hàng bởi các ngân hàng có hàng triệu khách hàng, hàng triệu tài khoản.

Ông Đỗ Huy Phương - Phó Giám đốc Khối ngân hàng số, Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết: "Ngân hàng đã liên kết với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), thuộc Bộ Công an, có danh sách các tài khoản lừa đảo, hiển thị rất rõ tài khoản người nhận là tài khoản đang nằm trong diện nghi vấn lừa đảo, được xác thực bởi Bộ Công an và liên tục cập nhật, từ đó dừng lại ngay việc chuyển khoản để tránh những rủi ro phát sinh".

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng: "Thông qua sinh trắc học, tội phạm gần như là không thể thực hiện việc giả mạo khách hàng. Mỗi giao dịch có giá trị lớn đều phải xác thực, nếu không chính là khách hàng thực hiện thì không chuyển tiền được".

Theo Trung tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, nếu không có các yếu tốt sinh trắc học của người mở tài khoản thì không thể sử dụng tài khoản đó để chuyển tiền đi từ đó cũng sẽ giảm được việc sử dụng tài khoản không chính thống. Nhờ vậy, chúng ta cũng ngăn chặn được tình trạng những đối tượng lừa đảo thu mua tài khoản ngân hàng của người khác dùng để luân chuyển dòng tiền lừa đảo.

Thống kê cho thấy trong năm 2023, đã có gần 16.000 phản ánh lừa đảo qua mạng, gần 10.000 tỷ đồng đã bị chiếm đoạt. Khi nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, dòng tiền ngay lập tức chạy liên tục giữa các tài khoản ngân hàng, do đó, rất khó truy vết dòng tiền. Khi xác thực sinh trắc họ, dòng tiền lừa đảo sẽ bị chặn lại.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện và tháo gỡ điểm nghẽn cho Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư; kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung; đồng thời đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân.

Hiện nay, đã có 60 tổ chức tín dụng triển khai xác thực khách hàng thông qua CCCD gắn chip tại quầy, 49 tổ chức tín dụng thực hiện xác thực CCCD gắn chip qua ứng dụng trên thiết bị di động.

Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn triển khai Quyết định 2345 gửi các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Do đó, nếu không tự xác thực được trên điện thoại, người dân có thể đến ngân hàng để được hỗ trợ. Những trường hợp bất khả kháng sẽ được nhân viên ngân hàng đến trợ giúp tại nhà. Người dân cần hết sức cẩn trọng với các cuộc gọi đề nghị hỗ trợ từ người lạ vì đó có thể là lừa đảo.

Chi tiết chương trình Vấn đề hôm nay của VTV tối 27/6/2026 xem tại đây

N.A
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay