Thứ năm, 14/11/2024
   

WWF tham vấn Hiệp hội Ngân hàng về phát triển kênh tín dụng xanh ngành dệt may

Ngày 01/6/2021, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF) đã có cuộc tham vấn trực tuyến TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng về phát triển kênh tín dụng xanh ngành dệt may.

Ngày 01/6/2021, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF) đã có cuộc tham vấn trực tuyến TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng về phát triển kênh tín dụng xanh ngành dệt may.

Trả lời các câu hỏi của chuyên gia WWF về chính sách thúc đẩy tín dụng xanh của ngành Ngân hàng trong thời gian qua, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết:

Ngày từ năm 2015, Việt Nam đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc. Năm 2016, Việt Nam đã cùng hơn 170 quốc gia trên thế giưới ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, trên cơ sở đó đã xây dựng Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải các bon, hướng tới tăng trưởng xanh. Đó là:

Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; đặt ra mục tiêu hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; đồng thời, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo sự phát triển bền vững. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; Đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, chủ động nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ngày 6/8/2015 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 với 3 giải pháp: Tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện ngân hàng - tín dụng xanh; Đẩy mạnh triển khai các sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về hoạt động ngân hàng - tín dụng xanh.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh và Ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu:Thúc đẩy phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh", hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các bon.

Để hỗ trợ các ngân hàng thương mại tăng cường năng lực thực nhiệm vụ phát triển ngân hàng xanh, thúc đẩy tín dụng đối với lĩnh vực xanh, Ngân hàng Nhà nước triển khai hàng loạt giải pháp như: Tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng và các cá nhân tham gia xây dựng và triển khai cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh; ban hành Sổ tay hướng dẫn cáctổ chức tín dụng đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Huy động nguồn lực từ tổ chức tài chính quốc tế và các nhà tài trợ song phương, đa phương để hỗ trợ nguồn vốn ổn định, giá rẻ cho tổ chức tín dụng triển khai cho vay các dự án, chương trình xanh. Cụ thể: Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về Quỹ quy hoạch đầu tư phát triển và xây dựng ngành năng lượng Đông Nam Á trị giá 200.000USD do ADB tài trợ; Sáng kiến về tài chính xanh và sáng tạo để phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Đông Nam Á trị giá 500.000 USD do ADB tài trợ; Bên cạnh đó là các dự án hỗ trợ trực tiếp cho từng tổ chức tín dụng của các tổ chức hợp tác quốc tế như GIZ, JICA, IFC…

Triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và phục vụ tăng trưởng xanh như: ngành nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách trồng rừng, bảo vệ môi trường…thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ tín dụng như: ưu tiên trong phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc,…

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng lồng ghép các chính sách chomục tiêu tăng trưởng xanh trong lĩnh vực thanh toán, phát triển dịch vụ ngân hàng và chiến lược quốc gia tài chính toàn diện.Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, chính sách tín dụng ưu đãi và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.

Về hiệu quả của các chính sách, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết:

Đã bước đầu hình thành khung pháp lý, hướng dẫn và định hướng hoạt động tài trợ vốn của hệ thống ngân hàng cho các dự án bảo vệ môi trường. Các tổ chức tín dụng đã thể hiện được sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh.

Kết quả cấp tín dụng đối với lĩnh vực xanh của ngành ngân hàng đến cuối năm 2020 tương đối khả quan; khoảng 40 TCTD có phát sinh dư nợ tín dụng cho các dự án xanh đạt gần 340.000 tỷ đồng tăng trên17% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm gần 40%), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 30%).

Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng đã có những đánh giá tích cực đối với kết quả hoạt động ngân hàng Việt Nam góp phần thực hiện tăng trưởng xanh. Tại “Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững 2019” của Mạng lưới ngân hàng bền vững (SBN), Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững và được xếp vào nhóm các quốc gia trong giai đoạn triển khai Ma trận tiến bộ SBN. Tại báo cáo Tiến bộ quốc gia của Việt Nam năm 2019 - Phụ lục Báo cáo toàn cầu về tiến bộ trong cải cách hướng tới tài chính bền vững, Việt Nam được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs - một nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris và sự phù hợp của các mục tiêu chống biến đổi khí hậu quốc gia/khu vực; định nghĩa tài sản và các sản phẩm tài chính bền vững; hướng dẫn sản phẩm tài chính xanh, theo dõi và công bố khí hậu và tài chính xanh, các chính sách và báo cáo về môi trường và xã hội.

Liệu có thể thiết kế một dòng tín dụng xanh riêng cho ngành dệt may?

TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: Ngành dệt may được đánh giá là một ngành kinh tế có mức độ rủi ro môi trường và xã hội cao so với các ngành, lĩnh vực kinh tế khác do quá trình sản xuất cần phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, đồng thời sử dụng nhiều năng lượng cho việc đun nóng, tạo ra hơi nước đã tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí phát thải nhà kính. Chính vì vậy, ngành dệt may nằm trong số 20 ngành kinh tế  đã được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng đánh giá rủi ro về môi trường khi cấp tín dụng tại Sổ tay đánh giá các rủi ro môi trường và xã hội, ban hành tháng 8/2018.

Hiện nay dư nợ đối với ngành dệt may đạt gần 140.000 tỷ đồng, chỉ chiếm gần 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

Với mục tiêu hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, bên cạnh yếu tố hiệu quả kinh tế của phương án kinh doanh, các tổ chức tín dụng sẽ hướng đến tài trợ tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, bảo vệ môi trường. Vì vậy, mục tiêu xanh hóa sản xuất, nâng cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất là yêu cầu cấp bách, mang tính chiến lược của ngành dệt may nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút được dòng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ngày 04/12/2020, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường; trong đó, Điều 149 quy định Nhà nước có cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng tài trợ, cho vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư xanh; Chính phủ sẽ ban hành lộ trình thực hiện và cơ chế khuyến khích tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành khác xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn về chính sách khuyến khích cấp tín dụng xanh. Như vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện sự đặc biệt quan tâm, khuyến khích tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, nâng cao tỷ trọng đầu tư tín dụng, phục vụ tăng trưởng xanh.

Nhiệm vụ của ngành dệt may là cần xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường, đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án đầu tư xanh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, làm cơ sở tiếp cận các chính sách tín dụng xanh hiệu quả.Đối với ngành dệt may, để khuyến khích các ngân hàng tập trung vốn, đặc biệt là vốn tín dụng xanh, cần triển khai một số giải pháp sau:

Một là: về phía Chính phủ, các Bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước:Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, chính sách tín dụng ưu đãi và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, trong đó Chính phủ sớm ban hành: (i) Hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở chocác tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; (ii) Xây dựng lộ trình, cơ chế khuyến khích (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành/lĩnh vực đồng bộ để thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh; (iii) Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụngcó nguồn vốn dài hạn, ưu đãi lãi suất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án xanh hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các tổ chức tín dụng trong việc cung cấpcác khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

Hai là: về phía doanh nghiệp ngành dệt may cần nâng cao nhận thức, thay đổi quy trình sản xuất, triển khai giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về môi trường; chuyển đổi quy trình, dây truyền sản xuất sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo định hướng tăng trưởng xanh.

Ba là; về phía tổ chức tín dụng cho vay cần tận dụng các nguồn vốn giá rẻ, nguồn vốn hỗ trợ, vay ưu đãi từ tổ chức tài chính nước ngoài để phục vụ nhiệm vụ cấp tín dụng xanh theo quy định.

Với tư cách đại diện bảo vệ quyền, lợi ích tổ chức hội viên, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng mong muốn hợp tác cùng WWF trong việc: Hỗ trợ các tổ chức tín dụng phân tích và xây dựng kế hoạch tài trợ vốn cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may trên cơ sở đánh giá cơ hội và thách thức của ngành, nhất là quản trị nguồn nước và sử dụng năng lượng hiệu quả,  đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ 1/1/2022 tới).

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng nhắc lại tinh thần: đến nay khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, chính sách tín dụng ưu đãi và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đã có đủ; Vấn đề mấu chốt ở chính các dự án của doanh nghiệp có thực sự hiệu quả, công nghệ có thực sự đổi mới.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên còn được biết đến với tên gọi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên. WWF được thành lập 11 tháng 9, 1961, tại Gland, Thụy Sĩ với khoảng 4.500 nhân viên, với tên ban đầu là World Wildlife Fund. Ngay năm đầu tiên, WWF đã có chi nhánh tại Thụy Sĩ, Vương quốc Liên hiệp Anh và Hoa Kỳ, sau đó là những chi nhánh tại Áo, Đức, Hà Lan, và Nam Phi. Ngày nay, WWF có chi nhánh tại 59 quốc gia trên thế giới.

Năm 1986, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập cùng việc hoạt động mở rộng phạm vi nên WWF quyết định đổi tên thành World Wide Fund For Nature; tên cũ tuy nhiên vẫn giữ nguyên ở Bắc Mỹ gồm Hoa Kỳ và Canada.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay