
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Tham dự cuộc họp, về phía VNBA có TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký cùng lãnh đạo một số Ban, đơn vị thuộc Cơ quan Thường trực VNBA. Về phía BCG có bà Jenny Trần cùng bà Anis Mohd Nor - Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á. Cuộc họp tổ chức theo hình thức trực tuyến.
TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ vui mừng chào đón các chuyên gia đại diện BCG đã tham gia trao đổi, thảo luận về tài trợ thương mại tại Việt Nam. Đồng thời cho rằng, tài trợ thương mại là một phần quan trọng của thương mại toàn cầu, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa (doanh nghiệp SME).
Tính đến cuối tháng 11/2024, dư nợ tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) của các doanh nghiệp tại Việt Nam là 319.019 tỷ đồng, tăng 3,68% so với cuối năm 2023.
Trong đó, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại FTA, nhằm cắt giảm các hàng rào thương mại, thúc đẩy thương mại hàng hóa và đẩy mạnh xuất khẩu. Khi thị trường tài chính ngày càng phát triển, các công cụ tài chính sẽ càng đa dạng và nguồn vốn tiềm năng cho doanh nghiệp càng phong phú hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp chưa có khả năng tiếp cận và huy động khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính. Đặc biệt, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp SME còn hạn chế về quy mô, chưa tiếp cận được nhiều doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Khung pháp lý chưa thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động tài trợ thương mại, các quy định pháp lý hiện chưa có nhiều khác biệt giữa cho vay truyền thống và tài trợ thương mại khiến cho các lợi thế của tài trợ thương mại chưa phát huy hiệu quả. Đơn cử như hoạt động chiết khấu, bao thanh toán với việc quản lý tương tự hoạt động cho vay. Trong khi các ngân hàng phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý ngày càng thắt chặt liên quan đến an toàn vốn, rửa tiền và thực thi lệnh trừng phạt, làm cho sức hấp dẫn của các thị trường này ngày càng giảm đi. Từ đó, dẫn đến việc các quy định của ngân hàng thương mại thường yêu cầu cao về tài sản thế chấp, thẩm tín dụng và quy trình phê duyệt giao dịch tài trợ thương mại thường thực hiện theo quy trình cho vay chung của ngân hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thường thiếu thông tin về thị trường, đặc biệt là thị trường của các quốc gia Việt Nam đã ký kết FTA, cũng như các yêu cầu và quy trình để tiếp cận chúng. Điều này có thể là do thiếu kiến thức về tài chính thương mại, thiếu kinh nghiệm trong giao dịch thương mại quốc tế, hoặc thiếu thông tin về các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức tài chính. Đặc biệt, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp SME tại Việt Nam thường rất nhỏ và manh mún, trong khi để đạt được yêu cầu tài trợ thương mại phải có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, như sản phẩm xanh, sạch với giá thành cạnh tranh,…

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu của VNBA
Trình bày tại cuộc họp, bà Jenny Trần, đại diện BCG đã giới thiệu về dự án hợp tác của Chính phủ Vương quốc Anh cùng ASEAN, trong đó có Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy tài trợ thương mại, tập trung vào số hóa và phòng chống gian lận. Đây là dự án nhằm tăng tính thanh khoản và giảm thiểu rủi ro gian lận trong tài trợ thương mại, nhằm thu hẹp khoảng trống trong tài trợ thương mại tại Việt Nam thông qua việc sử dụng các giải pháp công nghệ. Đồng thời thiết lập Việt Nam như một hình mẫu về hội nhập tài chính, từ đó thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tài trợ thương mại trên toàn khu vực ASEAN.
Theo nghiên cứu do BCG cùng Chính phủ Vương quốc Anh thực hiện năm 2024, có khoảng trống lớn về tài trợ thương mại ở ASEAN. Do sự gia tăng về chi phí và rủi ro đã tạo ra một khoảng trống lớn trong tài trợ thương mại, hạn chế sự phát triển kinh tế của ASEAN và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam chiếm 25% trên tổng khoảng trống tài trợ thương mại tại ASEAN, với yếu tố chính gây ra khoảng trống này là rủi ro gian lận và đặc biệt là trùng lặp hoặc giả mạo tài liệu.
Phạm vi của dự án tập trung vào thử nghiệm các giải pháp tài trợ thương mại giữa các ngân hàng, cùng các công ty Fintech, đồng thời xây dựng lộ trình phát triển Nền tảng dữ liệu tài trợ thương mại (TFR) tại Việt Nam. TFR là một nền tảng tập trung để ghi lại và xác minh thông tin liên quan đến thương mại; nhằm cải thiện tính minh bạch của các giao dịch, giảm gian lận và tối ưu hóa quy trình tài trợ thương mại.
Hiện tại, BCG đang xem xét, liệu TFR có thể giúp giải quyết các rủi ro gian lận và thu hẹp khoảng trống tài trợ thương mại hay không? BCG đề nghị tham VNBA tham vấn và trao đổi ý kiến về các vấn đề này.
Trao đổi tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các kênh tài trợ phi ngân hàng như tài trợ chuỗi cung ứng (Supply Chain Finance - SCF) hay tài chính số (Fintech) vẫn chưa phát triển mạnh. Đặc biệt, gian lận tài trợ thương mại là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Các doanh nghiệp SME có thể là mục tiêu của gian lận tài trợ thương mại hoặc có thể gặp khó khăn trong việc phát hiện và ngăn chặn gian lận.
Cụ thể, như giả mạo giấy tờ đại diện ngân hàng để lấy chứng từ gốc chiếm đoạt hàng hóa mà không thanh toán; hoặc thành lập Công ty “ma” giả mạo doanh nghiệp cung cấp các giấy tờ giả chứng minh năng lực Công ty để giao dịch; Hoặc cấp vốn trùng lặp, với việc một doanh nghiệp sử dụng cùng một bộ chứng từ để vay vốn từ nhiều ngân hàng khác nhau có thể dẫn đến rủi ro cho các tổ chức.

Quang cảnh cuộc họp
Về TFR, TS. Nguyễn Quốc Hùng hoan nghênh sáng kiến của BCG và cho rằng, nếu thực hiện được, nền tảng này sẽ có thể cải thiện được tính minh bạch của giao dịch và liên kết thông tin giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, để thí điểm được TFR tại các ngân hàng Việt Nam, cần có sự chỉ đạo của cơ quan quản lý. Do đó, VNBA sẽ trao đổi với Ngân hàng Nhà nước, cũng như thảo luận với các tổ chức hội viên trong thời gian tới về vấn đề này.
Tại cuộc họp, bà Anis Mohd Nor - Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của BCG cũng đồng tình với các ý kiến phản hồi của phía VNBA. Đồng thời gửi lời mời VNBA tham dự thảo luận bàn tròn về tài trợ thương mại trong khuôn khổ UK-SEA Tech Week sẽ diễn ra từ 27-28/3/2025.
Kết thúc cuộc họp, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian tới.