Thứ ba, 17/09/2024
   

Thị trường mua bán nợ tập trung sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng

Trong bối cảnh nguy cơ nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tăng do những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới dẫn đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, việc thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý

Trong bối cảnh nguy cơ nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục tăng do những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới dẫn đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, việc thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

Hinh anh mua ban no xau

Thị trường mua bán nợ nói chung, thị trường mua bán nợ xấu nói riêng được định nghĩa là nơi diễn ra những hoạt động trao đổi, mua bán các khoản nợ hay “quyền thu hồi nợ” trên thị trường của các chủ thể trong nền kinh tế để tránh rủi ro về mặt tài chính và tăng tính thanh khoản cho các doanh nghiệp cũng như các TCTD.

Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu hoạt động đúng nghĩa theo nguyên tắc thị trường. Trong khi có rất nhiều chủ thể có nhu cầu bán nợ thì có quá ít bên mua nợ nên tiến độ xử lý nợ xấu chưa được như kỳ vọng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường mua bán nợ, Đảng và Nhà nước cũng dành nhiều sự quan tâm đến việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ hướng tới hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Sự ra đời và phát triển của thị trường mua bán nợ đã, đang và sẽ đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính nói chung, và sự ổn định, an toàn tài chính của hệ thống TCTD và hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam.

Thị trường mua bán nợ vẫn khá sơ khai

Tại Việt Nam, với gần 10 năm đi vào hoạt động, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đang trở thành công cụ đắc lực trong việc mua, bán, xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tính riêng giai đoạn từ ngày 15/8/2017 - khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) chính thức có hiệu lực đến nay, VAMC mua được khoảng 114.200 tỷ nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Còn các khoản nợ do VAMC mua theo giá thị trường đạt khoảng 11.822 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một trong những đóng góp lớn nhất của VAMC trong việc xử lý nợ xấu đó là phát triển thị trường mua bán nợ, mặc dù các hành lang pháp lý liên quan đến thị trường mua bán nợ bước đầu mới được hình thành. Với nhiều nỗ lực, trong năm 2021, VAMC thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC. Đến nay, con số nợ xấu đang niêm yết ở trên giao dịch nợ của VAMC đạt trên 30.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng trong việc hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Nhờ đó, hoạt động của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam bước đầu đã có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình xử lý thu hồi nợ của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên từ thực tế, thị trường mua bán nợ Việt Nam cơ bản vẫn khá sơ khai, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó là, khung pháp lý cho hoạt động thị trường mua bán nợ chưa thống nhất, bất cập, thiếu và yếu.

Khuôn khổ pháp lý hiện tại chỉ cho phép 2 phương thức mua bán nợ: đàm phán trực tiếp và đấu giá; thiếu cơ sở định giá khoản vay; thiếu các cơ chế về công khai thông tin… Mặt khác, phần lớn các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng được đảm bảo bởi các bất động sản, nhưng ở nước ta chưa có thị trường bất động sản đúng nghĩa, đất đai vẫn thuộc sở hữu Nhà nước, chưa nói đến việc hoàn thành các thủ tục pháp lý đối với bất động sản là vô cùng phức tạp và khó khăn.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một hệ thống cơ sở định giá khoản vay. Điều này dẫn dến tình trạng bên bán, đặc biệt là các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, không dám quyết định bán nợ do lo ngại mức giá đưa ra mang tính chủ quan mặc dù theo kinh nghiệm từ thị trường thế giới thì mức giá giao dịch luôn thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách khoản nợ.

Thị trường chưa thu hút được đa dạng chủ thể tham gia, dẫn đến số lượng chủ thể còn ít. Nghị quyết 42 cho phép các tổ chức khác tham gia mua-bán nợ xấu (nhưng không qui định chi tiết về kế thừa quyền, nghĩa vụ đối với tài sản bảo đảm khi tổ chức đó không phải là TCTD) đã hạn chế chủ thể tham gia. Thiếu các nhà môi giới chuyên nghiệp, định giá tài sản độc lập, các định chế tài chính khác (công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, cty chứng khoán...). Các tổ chức hỗ trợ như môi giới, tư vấn, định giá, định hạng tín nhiệm… chưa phát triển. Hàng hóa trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng. Quy mô thị trường mua bán nợ còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Thị trường thứ cấp hầu như chưa có. Kỹ thuật, phương pháp định giá khoản nợ còn thiếu tính thị trường. Hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường…

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới những năm gần đây có nhiều biến động phức tạp và thời gian tới được dự báo diễn biến khó lường, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị và xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay, dẫn tới nợ xấu của các TCTD có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Do đó, việc thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nhờ đó mới có thể giải quyết nhanh nợ xấu để nó không trở thành “ung nhọt” của nền kinh tế, qua đó khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.

Từng bước tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung

Theo các chuyên gia, tiềm năng cho mua bán nợ tại Việt Nam rất lớn, khi nguồn cung khá dồi dào (dư nợ đến tháng 12/2022 là khoảng 12 triệu tỷ VND, chiếm trên 134% GDP). Nợ xấu có thể tăng lên trong năm 2023. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có chuẩn chung về nợ được mua-bán. Trong khi về phía cầu, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy tiềm năng về cầu cho các sản phẩm tương tự như chứng khoán hóa khoản nợ. Người dân quan tâm nhiều hơn đến các kênh đầu tư tài chính khi thu nhập và kiến thức tài chính được cải thiện; thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm cả phái sinh) phát triển khá nhanh...

Tại một số nước thị trường mua bán nợ thành công như Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, một trong những yếu tố giúp cho thị trường mua bán nợ phát triển là nhờ khuôn khổ pháp luật chặt chẽ, chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; quy định tiêu chuẩn về việc định giá nợ và tài sản đảm bảo. Các loại hàng hoá trên thị tường đa dạng, trong đó khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường. Và điều kiện quan trọng nữa là phát triển thị trường thứ cấp.

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 18/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ mục tiêu đưa “Nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD dưới 3% vào năm 2025”.

Để đạt mục tiêu đó, một trong những giải pháp quan trọng là cần phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là Nghị định về thị trường mua bán nợ. Trong đó bổ sung các chủ thể tham gia thị trường gồm nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước; mở rộng phương thức mua bán nợ trong đó cho cho phép chứng khoán hoá. Đặc biệt, sớm luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 và nhu cầu thời gian tới. Cần có sự nhất quán, đồng bộ quy định việc tham gia của nhà đầu tư tư nhân (gồm cả nước ngoài) khi sửa Luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.

Một thị trường năng động với những bên bán sẵn sàng, khung pháp lý mạnh mẽ, luật lệ, quy định thống nhất, không có mâu thuẫn; đơn giản hoá thủ tục cưỡng chế tài sản đảm bảo… là những yếu tố tác động tích cực đối với thị trường, thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường. Song song với đó, Việt Nam cần tháo gỡ một số rào cản khác để tăng hiệu quả của thị trường như những khó khăn liên quan đến chuyển nhượng tài sản; những điểm chưa rõ ràng liên quan đến việc trả lại vật chứng trong vụ án hình sự…

Bên cạnh đó, thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể tham gia thị trường: cho phép thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp mua-bán nợ; tổ chức nhận ủy thác cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty định giá, tổ chức xếp hạng tín nhiệm, công ty môi giới...

Phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản, trong đó nghiên cứu thành lập công ty tái cho vay thế chấp. Đồng thời, phát triển hạ tầng tài chính (thông tin - dữ liệu, kế toán, kiểm toán, thanh toán bù trừ, định hạng tín nhiệm…).

Để đồng hành cùng sự phát triển của hệ thống ngân hàng, với vai trò là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD, đồng thời, hướng tới vai trò trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, cần tăng cường nguồn lực cho VAMC về cả vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ của VAMC cũng như các TCTD.

Về phía các TCTD cần vận hành hiệu quả hơn các trung tâm/bộ phận xử lý nợ và/hoặc các AMC.

Ở tầm vĩ mô cần đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các TCTD, doanh nghiệp Nhà nước.

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay