Đây là một trong những “nút thắt” khó khăn bủa vây các doanh nghiệp nhỏ và vừa được đưa ra tại buổi làm việc do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn đến từ nhiều phía
Kết luận buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 97% số doanh nghiệp cả nước. Thủ tướng nêu rõ, ngành Ngân hàng đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng dư nợ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Lắng nghe những trao đổi giữa ngân hàng và các doanh nghiệp tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, hai bên cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, tôn trọng, có trách nhiệm với nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên cơ sở quy định của pháp luật và phù hợp hoàn cảnh, tình hình.
Phát biểu tại buổi làm việc đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, thời gian qua do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc các doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp, đặc biệt ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của người lao động.
Tại buổi làm việc, Hiệp hội và các doanh nghiệp nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp; có chính sách đào tạo quản trị doanh nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các chương trình, công trình, dự án có giá trị lớn… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Thông tin từ buổi làm việc cũng nêu ra những khó khăn, thách thức hiện nay không chỉ riêng với nền kinh tế Việt Nam. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới do Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) công bố mới đây, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã giảm 12% trong năm 2022, riêng các nước phát triển giảm 37%. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bị thu hẹp, như Hoa Kỳ thu hẹp 20%, EU 11%, Trung Quốc 10%... Một kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy 59,2% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất là về đơn hàng, còn lại là những khó khăn trong đáp ứng thủ tục hành chính và quy định của pháp luật.
Tất cả các ngành phải cùng vào cuộc chứ không riêng ngành nào
Điều này cho thấy khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến từ nhiều phía, chứ không phải vấn đề tiếp cận vốn. Phát biểu tại buổi làm việc Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và theo dõi nắm bắt hoạt động tín dụng, bối cảnh hiện nay, người dân và doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đang rất khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Đây cũng là khó khăn chung của thế giới không phải riêng Việt Nam.
Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đối với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Từ khi Covid xảy ra, hệ thống ngân hàng dành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đơn cử, riêng chính sách giảm lãi, miễn lãi, giảm phí trong giai đoạn vừa ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp tổng cộng 60 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn từ nguồn lực của các ngân hàng cho thấy hệ thống ngân hàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với chính sách lãi suất, trong 6 tháng đầu năm trên thế giới các nước đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tiếp tục tăng, nhưng riêng Ngân hàng Nhà nước đã giảm 4 lần lãi suất điều hành. Đây là nỗ lực lớn của Ngân hàng Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. “Để hạ lãi suất Ngân hàng Nhà nước phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể làm sao ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng”, Thống đốc chia sẻ.
Đối với vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn được Ngân hàng Nhà nước quan tâm thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều Thông tư, văn bản chỉ đạo với các cơ chế đột phá, tạo hành lang pháp lý để tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng, trong đó phải kể đến chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng trong suốt thời gian có dịch Covid-19. Tháng 4 vừa qua, trước khó khăn về thị trường, xuất khẩu,…
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ vay đến hạn, thời gian thực hiện từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024. Trong suốt thời gian qua, bên cạnh việc chủ động giảm lãi suất điều hành tạo cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường năng lực thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Song, những khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận vốn hiện nay do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Có những nguyên nhân phải được giải quyết từ các cơ quan khác. Do vậy, Thống đốc kiến nghị sớm tổ chức Hội nghị đánh giá tổng thể triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để có hướng giải quyết được các vấn đề. “Ngân hàng Nhà nước rất tha thiết có các cuộc họp với các bộ ngành khác để đánh giá, nhận diện thực sự vấn đề khó khăn ở đâu để cùng triển khai tháo gỡ. Tất cả các ngành phải cùng vào cuộc chứ không riêng ngành nào, chính sách nào có thể giải quyết được hết tất cả các vấn đề”, Thống đốc bày tỏ.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cần khắc phục những hạn chế của mình đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay như giải pháp cải thiện khả năng quản trị tài chính… Bên cạnh sự hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp như Bộ Công thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, về phía các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến chất lượng hàng hoá dịch vụ, chỉ dẫn địa lý, vệ sinh an toàn…
Như vậy mới khuyến khích khách hàng mua hàng, doanh nghiệp tháo gỡ đầu ra sản phẩm. Ngoài ra, các quỹ bảo lãnh tín dụng dụng địa phương tăng cường bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn. Vì hơn hết các địa phương sẽ nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Thống đốc tin rằng, tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn và doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nhiều hơn.
Thống đốc cũng khẳng định, thời gian tới tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, cố gắng tích cực triển khai các giải pháp từ phía Ngành Ngân hàng cũng như phối hợp các bộ ban ngành để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.
Lắng nghe những trao đổi giữa ngân hàng và các doanh nghiệp tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm hai bên cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, tôn trọng, có trách nhiệm với nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên cơ sở quy định của pháp luật và phù hợp hoàn cảnh, tình hình. Đặc biệt, phải đặt mình vào địa vị của người khác; ngân hàng phải đặt mình vào vị trí các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải đặt mình vào vị trí của các ngân hàng.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, đây là lúc cần chung tay, đoàn kết, thống nhất để tháo gỡ khó khăn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải chia sẻ, nắm bắt khó khăn, thường xuyên lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời đưa ra chính sách tháo gỡ. Doanh nghiệp cũng phải đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế, thường xuyên đổi mới, có các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
Theo: SBV