Buổi gặp mặt có sự tham dự của Ban lãnh đạo NHNN, đại diện lãnh đạo các đơn vị NHNN; cùng đại diện các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các đại sứ quán, đối tác song phương; đại diện lãnh đạo các ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, các chi nhánh/ Văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, ngân hàng liên doanh, các cơ quan phát triển quốc tế… có quan hệ công tác với NHNN.
Phát biểu Khai mạc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng hoan nghênh và bày tỏ sự vui mừng khi được gặp lại các đối tác quốc tế của NHNN trong buổi gặp mặt cuối năm truyền thống của ngành Ngân hàng. Thống đốc nhận định, 2024 là một năm của sự “biến động - đổi mới - kiên cường”. Những tác động khách quan đến từ thị trường tài chính toàn cầu, gia tăng căng thẳng địa chính trị, hay sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đã mang đến nhiều cơ hội và cả những thách thức chưa từng có, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và gây xáo trộn thị trường tài chính quốc tế. Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ của các NHTW lớn trong giai đoạn trước cũng tạo áp lực lên thanh khoản và chi phí vay vốn toàn cầu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế rơi vào tình thế khó khăn…
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế khu vực. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự đồng hành của các đối tác quốc tế, kinh tế trong nước đã đạt được các kết quả tích cực.
Ngành ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế đã chứng tỏ vị thế và đóng góp tích cực trong việc duy trì thanh khoản, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia theo định hướng “Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”. Công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa đã góp phần ổn định lãi suất, tỷ giá và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh cả về giá trị và số lượng so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, tỷ lệ giao dịch ngân hàng qua kênh số đã vượt 90% ở nhiều tổ chức tín dụng. Ở khía cạnh chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, từ con số 15 ban đầu đã tăng lên số lượng 50 tổ chức tham gia cấp tín dụng xanh, với tổng dư nợ gần 665 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,5% tổng dư nợ toàn hệ thống).
Thống đốc một lần nữa khẳng định, các kết quả tích cực có được là nhờ sự đồng hành và đóng góp không nhỏ của các tổ chức và đối tác quốc tế, đã chia sẻ và hỗ trợ NHNN trong quá trình triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng; qua đó, góp phần quan trọng và tích cực vào thành tựu kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia, Văn phòng Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia đánh giá cao những thành tựu của ngành ngân hàng Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong năm 2024. Nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và tin cậy giữa WB và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong hơn 30 năm qua, Bà Sherman khẳng định, WB sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho NHNN trên chặng đường chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Ông Masao Kojima, Chủ tịch của Nhóm Công tác ngân hàng (BWG), Tổng giám đốc chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng TNHH MUFG, năm 2024 đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Trong đó, việc ban hành Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và hệ thống các văn bản hướng dẫn cụ thể đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, hiện đại và phù hợp với thực tiễn quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động hiệu quả, bền vững và tăng cường sự minh bạch và ổn định của thị trường tài chính.
Hướng tới năm 2025, BWG khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với NHNN trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và từng bước áp dụng chuẩn mực quốc tế; thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, tăng cường hợp tác nói riêng cũng như đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế không chỉ là chiến lược để vượt qua khó khăn, mà còn là “chìa khóa” để mở ra cơ hội phát triển; giúp giải quyết các thách thức hiện tại và đặt nền tảng cho sự vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam khi bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Những đổi mới về thể chế đang và sắp được triển khai mạnh mẽ sẽ giúp Việt Nam thích nghi tốt hơn với những biến động kinh tế toàn cầu, đảm bảo hệ thống tài chính trong nước phát triển bền vững.
Về định hướng trong năm 2025 và thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục: (i) Kiên định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn trong nền kinh tế; (ii) Bám sát diễn biến trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; (iii) Đẩy mạnh đối mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, tiếp tục khuôn khổ pháp luật tiệm cận các chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động và vị thế của ngành ngân hàng; (iv) Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu nhằm đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống, củng cố niềm tin của khách hàng trong lĩnh vực ngân hàng và (v) Tăng cường hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần vào sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.
Ghi nhận và đánh giá cao đóng góp to lớn của các định chế tài chính quốc tế tại Việt Nam vào thành tựu chung của nền kinh tế trong năm 2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ mong muốn các tổ chức và đối tác quốc tế sẽ tiếp tục sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam và NHNN thông qua các hoạt động đối thoại, tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho sự phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên mới.