Phiên họp chung của Nhóm nước khu vực Đông Nam Á tại IMF và WB có sự tham dự của Lãnh đạo Ngân hàng Trung ương 11 quốc gia trong khu vực nhằm thảo luận về những diễn biến kinh tế trong thời gian qua và triển vọng của các nước trong khu vực; cập nhật tình hình hoạt động của IMF và WB, cũng như định hướng trong thời gian tới. Tại Phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã ghi nhận và đánh giá cao các kết quả mà IMF/WB đạt được thời gian qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hai tổ chức tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các nước thành viên đối phó với khủng hoảng, xử lý các thách thức và tiếp tục các nỗ lực giảm nghèo và tăng trưởng.
Liên quan đến hoạt động của IMF, cuộc họp đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế toàn cầu, cập nhật các chính sách và chiến lược mới của IMF, và tiến trình thực hiện kế hoạch tăng vốn lần thứ 16 của Quỹ. Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, tuy nhiên các rủi ro vẫn hiện hữu. Tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2024 và 2025, nhưng mức giảm sẽ nhẹ hơn dự kiến ban đầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chiếm khoảng 60% tổng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024. Dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng đạt mức 3.2% và khu vực châu Á 4.4% trong năm 2024. Lạm phát đã quay trở lại mức mục tiêu ở nhiều thị trường mới nổi, trong khi các nền kinh tế tiên tiến vẫn phải đối mặt với mức lạm phát cao hơn, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, đến 30/9/2024, Việt Nam đang trong nhóm nước đạt hoặc gần đạt mục tiêu lạm phát.
Thống đốc cũng bày tỏ ủng hộ các sáng kiến của IMF nhằm tăng cường năng lực quản lý và hỗ trợ tài chính cho các quốc gia thành viên, đồng thời kêu gọi sự hợp tác từ Nhóm nước Đông Nam Á trong việc phát triển phương pháp tiếp cận phù hợp cho quá trình tái cơ cấu vốn góp cho thời gian tới. Đối với các vấn đề thống kê và số liệu phục vụ cho công tác giám sát của Quỹ, Thống đốc NHNN một lần nữa nhấn mạnh việc IMF cần có những tiếp cận linh hoạt tùy theo điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng nước thành viên, tránh các đánh giá chủ yếu tập trung vào hiện trạng dữ liệu và số liệu thống kê của quốc gia thành viên mà thiếu ghi nhận những nỗ lực của chính quyền trong việc cải thiện chất lượng dữ liệu và đáp ứng tiêu chuẩn dữ liệu của Quỹ.
Liên quan đến hoạt động của WB, Văn phòng Nhóm đã cập nhật về tình hình thực hiện Chiến lược Phát triển của WB với nhiều giải pháp đổi mới toàn diện WB từ sứ mệnh, mục tiêu hoạt động, đến nguồn lực tài chính, và mô hình hoạt động. Sau gần hai năm tích cực thảo luận và từng bước triển khai, đến Hội nghị Thường niên 2024, Chiến lược đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, có thể kể đến như: (i) với tầm nhìn chiến lược mới của WB là “Hướng tới một thế giới không còn đói nghèo trên một hành tinh đáng sống”, các công cụ và giải pháp hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật tập trung nhiều hơn vào các chương trình, dự án có quy mô lớn có thể đem lại tác động cả ở tầm quốc gia và khu vực; (ii) nhiều giải pháp để tăng cường mạnh mẽ nguồn lực tài chính, bao gồm các giải pháp nhằm tối ưu hóa nguồn lực hiện có và huy động nguồn lực mới bằng các công cụ tài chính sáng tạo, năng lực cho vay của WB dự kiến sẽ tăng thêm tổng cộng trên 120 tỷ USD trong 10 năm tới; (iii) nhiều biện pháp để tăng cường hiệu quả mô hình hoạt động nội bộ nhằm đáp ứng tốt hơn và gần hơn nhu cầu của các quốc gia thành viên.
Thống đốc ghi nhận nỗ lực của WB trong gần 02 năm qua đã khẩn trương xây dựng, đề xuất, phê duyệt và triển khai nhiều giải pháp toàn diện để cải tổ toàn bộ tổ chức, nhằm đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của các nước thành viên trước cách thách thức toàn cầu, cũng như đảm bảo vị thế dẫn đầu trong các nhà tài trợ phát triển trên thế giới trước xu hướng ngày càng có nhiều ngân hàng phát triển quốc tế và khu vực với nguồn lực tài chính lớn và mô hình hoạt động tiên tiến tham gia vào các sáng kiến toàn cầu.
Với vai trò là cơ quan đại diện cho Chính phủ tại IMF/WB, Thống đốc cho biết NHNN đánh giá cao vai trò của Văn phòng Nhóm Đông Nam Á trong việc đại diện và điều phối hiệu quả giữa các quốc gia thành viên. Đồng thời, Thống đốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế nhằm giải quyết những thách thức kinh tế vĩ mô toàn cầu, bao gồm rủi ro từ đại dịch, thiên tai và xung đột.