Chủ nhật, 16/06/2024
   

Phó thống đốc: Dư nợ tín dụng xanh gần 637.000 tỷ đồng

47 nhà băng cho vay gần 637.000 tỷ đồng vốn tín dụng xanh, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, theo Phó thống đốc.

Chia sẻ tại Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam do Báo Dân trí tổ chức chiều 22/5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng có trách nhiệm làm "xanh hóa" dòng vốn đầu tư để đạt mục tiêu phát triển bền vững, gồm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị.

Theo ông Tú, dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực xanh tăng trưởng mạnh trong các năm gần đây. Giai đoạn 2017-2023, dư nợ tín dụng lĩnh vực này của hệ thống tăng trưởng bình quân hơn 22% một năm.

Đến 31/3, 47 tổ chức tín dụng cho vay lĩnh vực xanh với dư nợ gần 637.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong khi, dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội tăng trưởng đều qua các năm, hiện khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

dư nợ tín dụng
Phó thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Diễn đàn ESG, chiều 22/5. Ảnh: DT

ESG (viết tắt của môi trường, xã hội và quản trị), đang ngày càng nhận được quan tâm của Chính phủ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Theo Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động & Thương binh và Xã hội, Việt Nam đang thực hiện cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 giảm phát thải ròng về 0 đến năm 2050. Trong đó, phát triển ESG có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống xã hội.

Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cuộc chơi của thế giới đang thay đổi theo hướng chuyển sang yêu cầu về giảm phát thải, tác động đến môi trường.

Theo ông Thọ, vừa qua, các nước phát triển đã dựng hàng loạt hàng rào kỹ thuật, như thẻ vàng về xuất khẩu thủy hải sản hay các hàng rào về phát thải carbon có hiệu lực chính thức từ tháng 1/2026.

Từ ngày 1/1/2025, nông sản muốn xuất khẩu phải chứng minh được hàng hóa đó không xuất phát từ phá rừng sau 31/12/2024. Ngoài ra, còn các vấn đề như xây dựng biên giới carbon, rừng, nhựa, ảnh hưởng doanh nghiệp sản xuất.

"Nếu doanh nghiệp không chuẩn bị sẽ bị loại khỏi cuộc chơi", ông Thọ nói, nhấn mạnh doanh nghiệp Việt bắt buộc phải tham gia vào cuộc chơi này, nếu không sẽ khó được đầu tư, tham gia vào thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để áp dụng ESG hiệu quả.

Ông Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thông tin với doanh nghiệp chuyển đổi xanh hay thay đổi công nghệ, nguồn tài chính rất quan trọng. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn cho tăng trưởng xanh hiện vẫn đang rất hạn chế, khó khăn.

Ngược lại, theo ông Minh, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự nắm bắt được thông tin về tăng trưởng xanh.

Ông dẫn báo cáo của một hiệp hội doanh nghiệp sản xuất cho biết 69 doanh nghiệp thuộc hiệp hội này nằm trong danh sách 1.912 doanh nghiệp phải kiểm kê khí thải nhà kính của Bộ Công thương. Song, phần lớn các doanh nghiệp không biết mình nằm trong danh sách.

"Duy nhất 1 trong 69 doanh nghiệp biết trong khi đến tháng 3/2025 họ đã phải thực hiện", ông nói, thêm rằng đây là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động hợp tác, tiếp nhận các nguồn vốn xanh, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Theo ông Tú, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để tài trợ vốn cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xanh, dự án mô hình góp phần đổi mới động lực tăng trưởng quốc gia, phát thải thấp.

Đồng thời, nhà chức trách sẽ hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, báo cáo tình hình triển khai sau khi Thủ tướng ban hành Danh mục phân loại xanh quốc gia.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay