Dư địa mở rộng còn rất lớn
Riêng đối với sản phẩm thẻ tín dụng nội địa, ông Dũng cho biết, đến hết tháng 3/2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa; số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt trên 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%); giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).
Từ những kết quả trên, có thể thấy mặc dù số lượng thẻ tín dụng nội địa còn khiêm tốn, nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận về phát triển thẻ tín dụng nội địa trong thời gian qua.
“Hiện nay, chúng ta có hơn 900 nghìn thẻ tín dụng nội địa. Với quy mô dân số 100 triệu dân thì đây là tiềm năng lớn để các TCTD có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa”, ông Dũng nhận định.
Đánh giá về tính ưu việt của thẻ tín dụng nội địa, Ths. Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, có khá nhiều tính năng nổi bật cho tất cả các đối tượng. Đơn cử như nguồn vay tiền nhanh cho các nhu cầu tiêu dùng hoặc khẩn cấp với lãi suất cực kỳ hợp lý, an toàn so với vay nóng và tín dụng đen, còn được miễn lãi từ 45-55 ngày; tối ưu tài chính với các cơ chế trả góp và hoàn tiền khi chi tiêu; thuận tiện quản lý chi tiêu khi không cần dùng tiền mặt và có thể theo dõi lịch sử chi tiêu dễ dàng.
Là một trong số ít ngân hàng đầu tiên ra mắt các phẩm thẻ tín dụng nội địa gồm Thẻ tài chính cá nhân, thẻ VietinBank iZero (lãi suất 0%) và Thẻ kép 2Card - loại thẻ 02 chip độc lập tích hợp trên cùng một phôi thẻ vật lý, ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ cho biết, thẻ tín dụng nội địa đáp ứng đầy đủ các phương thức thanh toán tại ATM, tiếp xúc và phi tiếp xúc tại POS, trực tuyến, qua mã QR. Ngoài ra, VietinBank đang nghiên cứu, phát triển tính năng thanh toán “Tap to Pay” cho thẻ tín dụng nội địa dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong năm 2024.
Tiếp tục phát triển thẻ tín dụng nội địa
Với những ưu điểm, tiện ích lớn cho người dùng, tiềm năng rộng mở nhưng theo ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), thẻ tín dụng nội địa so với dung lượng thị trường còn hết sức khiêm tốn.
Ông Minh cho biết, các ngân hàng là thành viên của NAPAS đã phát triển thẻ tín dụng với biểu phí rất đơn giản so với thẻ tín dụng của các tổ chức quốc tế có biểu phí rất phức tạp. Thủ tục phát hành đơn giản, điều kiện ràng buộc gần như không có. Đây là điều kiện cho các ngân hàng phát hành thẻ tín dụng để người dân tiếp cận dễ dàng hơn, với chi phí hợp lý hơn. Bên cạnh đó, NAPAS liên tục cập nhật ứng dụng các công nghệ thanh toán mới cho thẻ tín dụng nội địa nhằm phát huy hết tính tiện lợi trong việc sử dụng thẻ cho người dùng cuối.
Trong khi đó theo chia sẻ của đại diện một số ngân hàng, việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa tại thị trường Việt Nam vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. Cụ thể, số lượng ngân hàng tham gia phát triển thẻ tín dụng nội địa còn rất hạn chế, việc truyền thông, quảng cáo, các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh. Do vậy, người dân vẫn chưa tiếp cận được sản phẩm và những ưu điểm của sản phẩm, dẫn đến số lượng phát hành còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế.
Ngoài ra, thẻ tín dụng nội địa khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ tổ chức thẻ quốc tế. Bên cạnh đó, do thói quen người tiêu dùng, họ có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm thẻ quốc tế hơn vì tính phổ biến và số đông.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã chủ động xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) gắn với đảm bảo an ninh, an toàn. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử nghiên cứu, phát triển và cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi, đem lại nhiều lợi ích, giá trị cho khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tích cực thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy TTKDTM, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về TTKDTM; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động TTKDTM, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, chỉ đạo TCTD triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN để đảm bảo an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử.
Về phía các TCTD, Phó Thống đốc yêu cầu cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán. Trong đó phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen.