Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường phát triển và lành mạnh khu vực ngân hàng Việt Nam” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) viện trợ ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 29/11/2022, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án hỗ trợ kỹ thuật tổ chức Tọa đàm “Phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam”, do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chủ trì.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm.
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhận định, thị trường mua bán nợ nói chung, thị trường mua bán nợ xấu nói riêng được định nghĩa là nơi diễn ra những hoạt động trao đổi, mua bán các khoản nợ hay “quyền thu hồi nợ” trên thị trường của các chủ thể trong nền kinh tế để tránh rủi ro về mặt tài chính và tăng tính thanh khoản cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, sự ra đời và phát triển của thị trường mua bán nợ đã, đang và sẽ đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính nói chung, và sự ổn định, an toàn tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng và hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường mua bán nợ, Đảng và Nhà nước cũng dành nhiều sự quan tâm đến việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ hướng tới hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Một trong những cột mốc quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường mua bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng đó là sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC vào ngày 15/10/2021. Nhờ đó, hoạt động của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam bước đầu đã có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình xử lý thu hồi nợ của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của các thành viên tham gia thị trường mua bán nợ trong những năm qua, tuy nhiên từ thực tế, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, thị trường mua bán nợ Việt Nam cơ bản vẫn khá sơ khai, còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đó là: Khung pháp lý cho hoạt động thị trường mua bán nợ chưa thống nhất, bất cập, thiếu và yếu; Thị trường chưa thu hút được đa dạng chủ thể tham gia, dẫn đến số lượng chủ thể còn ít; Hàng hóa trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng; Quy mô thị trường mua bán nợ còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực; Kỹ thuật, phương pháp định giá khoản nợ còn thiếu tính thị trường; Hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường…
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn tới được dự báo diễn biến khó lường, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị và xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay, dẫn tới nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
“Do đó, việc thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh và cho biết thêm, NHNN và ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động hiệu quả, thực hiện được đầy đủ chức năng nhiệm vụ, sứ mệnh được giao, từng bước tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung trong tương lai.
Nghiên cứu từ một số nước thị trường mua bán nợ thành công như Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, một trong những yếu tố giúp cho thị trường mua bán nợ các nước trên phát triển là nhờ khuôn khổ pháp luật chặt chẽ, chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; quy định tiêu chuẩn về việc định giá nợ và tài sản đảm bảo. Các loại hàng hoá trên thị tường đa dạng, trong đó khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường. Và điều kiện quan trọng nữa là phát triển thị trường thứ cấp.
Các đại biểu tham gia trao đổi trong tọa đàm chuyên đề.
Để phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là Nghị định về thị trường mua bán nợ. Trong đó bổ sung các chủ thể tham gia thị trường gồm nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước; mở rộng phương thức mua bán nợ trong đó cho cho phép chứng khoá hoá. Đặc biệt, sớm luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 và nhu cầu thời gian tới.
“Phải nhất quán, đồng bộ quy định việc tham gia của nhà đầu tư tư nhân khi sửa Luật đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS; phát triển thị thứ cấp, tăng tính thanh khoản; đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các TCTD, DNNN; tăng năng lực tài chính cho VAMC…”, TS. Lực lưu ý thêm.
Chuyên gia IFC cũng cho rằng, một thị trường năng động với những bên bán sẵn sàng, khung pháp lý mạnh mẽ, luật lệ, quy định thống nhất, không có mâu thuẫn; đơn giản hoá thủ tục cưỡng chế tài sản đảm bảo… là những yếu tố tác động tích cực đối với thị trường, thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường. Song song với đó, Việt Nam cần phải tháo gỡ một số rào cản khác để tăng hiệu quả của thị trường như những khó khăn liên quan đến chuyển nhượng tài sản; những điểm chưa rõ ràng liên quan đến việc trả lại vật chứng trong vụ án hình sự…
Để cải cách khung pháp lý đạt hiệu quả cao, chuyên gia WB, luật sư Andrew Godwin gợi ý tất cả các vấn đề pháp lý và cấu trúc có liên quan đều phải được xem xét một cách toàn diện không chỉ liên quan đến nội dung của Luật mà cả thiết kế của khung pháp lý.