Thứ năm, 21/11/2024
   

Ngân hàng gia tăng hợp tác cho vay gián tiếp

Trong tháng 10 vừa qua, các ngân hàng OCB và VPBank đã lần lượt ký kết Hợp đồng khung cho vay gián tiếp đối với nguồn vốn vay ủy thác từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Quỹ SMEDF thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Theo đó, các ngân hàng này cam kết sẽ tận dụng hệ thống mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, nhân sự và công nghệ cũng như nền tảng khách hàng của mình để tập trung cho vay ưu đãi lãi suất đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc diện đủ điều kiện vay vốn từ Quỹ SMEDF.

Để các ưu đãi lãi suất thực sự là động lực hỗ trợ tăng trưởng tích cực của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ SMEDF áp dụng mức lãi suất cho vay rất thấp (ngắn hạn 1,2%/năm; trung, dài hạn 4,4%/năm), đồng thời gia tăng hợp tác với nhiều NHTM để ủy thác, cho vay gián tiếp. Tính đến hiện tại, đã có 8 NHTM ký hợp đồng khung cho vay gián tiếp với quỹ này, bao gồm: OCB, VPBank, BIDV, HDBank, MB, SHB, Sacombank và BAC A BANK.

Theo SMEDF, mức cho vay tối đa theo chương trình cho vay gián tiếp không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương thức sản xuất, kinh doanh; thời gian vay không quá 7 năm; thời gian ân hạn tối đa 2 năm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các ngành nghề, lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết ngành sẽ được ưu tiên giải ngân vốn nếu đáp ứng được các yêu cầu về vốn đối ứng và hồ sơ vay theo thẩm định của các NHTM.

Ngân hàng gia tăng hợp tác cho vay gián tiếp

Có thể nói, việc Quỹ SMEDF gia tăng hợp tác với các NHTM là một động thái rất tích cực từ phía Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương. Bởi hiện nay, việc thực thi các ưu đãi, nhất là ưu đãi về tài chính (lãi suất, thuế, hỗ trợ tài chính, bảo lãnh) đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tồn tại những nút thắt khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận.

Các chuyên gia nhận định, việc hàng loạt NHTM tham gia ký kết hợp đồng khung cho vay gián tiếp với Quỹ SMEDF cũng chính là một tín hiệu tốt với thị trường. Vì hiện nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Khi các ngân hàng chủ động hợp tác với SMEDF sẽ tăng cơ hội tiếp cận vốn rẻ cho các chương trình, dự án, phương án sản xuất kinh doanh và xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa của doanh nghiệp. Ở góc độ ngân hàng, việc tham gia ký kết hợp đồng khung cho vay gián tiếp cũng có thể xem như một hình thức hỗ trợ dẫn vốn, gia tăng tỷ lệ vốn cho vay có bảo lãnh và góp phần phòng ngừa các rủi ro liên quan đến dòng tiền và thu nợ.

Không chỉ mở rộng cho vay gián tiếp bằng các nguồn vốn ưu đãi từ ngân sách, theo quan sát của phóng viên Thời báo Ngân hàng, hiện nhiều NHTM cũng đang mở rộng hợp tác, gia tăng các khoản vay hợp vốn và các khoản vay từ các nguồn vốn ưu đãi huy động được từ các tổ chức tài chính quốc tế. Chẳng hạn, các NHTM quy mô lớn như BIDV và Agribank vừa qua đã hợp tác với Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) nhằm triển khai hoạt động cho vay hợp vốn theo cơ chế tín dụng hiện hành đối với các dự án do HFIC cho vay hoặc làm đầu mối cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Ở phía các NHTMCP, các TCTD như Techcombank, OCB, LPBank, VPBank… thời gian vừa qua cũng rất tích cực trong việc tìm kiếm các nguồn vốn vay ưu đãi quốc tế nhằm mở rộng tài trợ vốn cho các nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và các nhóm doanh nghiệp được các tổ chức tài chính quốc tế ưu tiên. Chẳng hạn, Techcombank đã lần thứ 4 huy động thành công khoản vay hợp vốn 200 triệu USD từ 5 định chế tài chính nước ngoài để mở rộng cho vay hỗ trợ nhóm khách hàng nằm trong chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu phục hồi sau dịch Covid-19. OCB thành công trong việc hợp tác với Quỹ đầu tư Genesia Ventures nhằm hợp lực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong khi đó, VPBank đã vay ưu đãi thành công 150 triệu USD từ Ngân hàng JBIC (Nhật Bản) để cho vay lại với các dự án phát triển lưới điện, kinh doanh năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Với những diễn biến trên, có thể nhìn nhận rằng trong bối cảnh mức độ tiếp cận vốn tín dụng của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khá hạn chế, nhưng hệ thống ngân hàng đã khá chủ động tìm kiếm các giải pháp hợp tác, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp. Việc mở rộng các hợp tác này kỳ vọng sẽ là động lực tích cực để nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam gia tăng tốc độ phục hồi và tăng trưởng trong năm nay và các năm sắp tới.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay