Thứ tư, 22/01/2025
   

Ngân hàng có phải cung cấp hồ sơ vay vốn của khách hàng cho cơ quan thuế?

Câu hỏi: Ngân hàng thương mại có phải cung cấp hồ sơ vay vốn của công ty có báo cáo tài chính để cơ quan thuế tiến hành thanh tra không?

Căn cứ vào khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
...
2. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế như sau:
a) Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
b) Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo điểm a khoản này được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử.
c) Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
d) Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.
Theo như quy định trên thì ngân hàng thương mại sẽ cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế như tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản theo đề nghị của cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, để phục vụ cho mục đích thanh ta, kiểm tra về quản lý thuế thì ngân hàng thương mại sẽ cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của cơ quan thuế.

Theo đó, ngân hàng thương mại không có trách nhiệm phải cung cấp hồ sơ vay vốn của công ty có báo cáo tài chính để cơ quan thuế tiến hành thanh tra.

Ngân hàng thương mai trung gian thanh toán sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì trong việc thu nộp thuế, ngân sách nhà nước?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ của ngân hàng thương mại trung gian trong việc thu nộp thuế, ngân sách nhà nước như sau:

- Nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện thu nộp thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước

+ Thực hiện các quy định về thu tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 56 Luật Quản lý thuế và Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

+ Theo yêu cầu của người nộp thuế và khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, ngân hàng thương mại lập hoặc hướng dẫn người nộp thuế lập chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước, trong đó xác định rõ thông tin về người nộp thuế, ngày nộp thuế, số tiền nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ.

+ Thực hiện chuyển đầy đủ số tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ trong ngày giao dịch. Trường hợp không thể hoàn tất thủ tục trong ngày giao dịch, ngân hàng thương mại thực hiện chuyển trước 10 giờ ngày giao dịch tiếp theo.

+ Đối với số tiền thuế và khoản thu ngân sách nhà nước chậm nộp hoặc nộp không đầy đủ vào ngân sách nhà nước do lỗi của ngân hàng thương mại thì ngân hàng thương mại phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.

+ Ngân hàng thương mại thực hiện thông báo, tra soát đến các đơn vị liên quan để xử lý đối với các trường hợp sai sót theo quy định và không được hoàn trả số tiền thuế đã nộp cho người nộp thuế nếu đã truyền thông tin cho Kho bạc Nhà nước. Riêng ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thực hiện đối chiếu với Kho bạc Nhà nước về chứng từ nộp tiền vào ngân sách.

- Đối với ngân hàng thương mại đã tham gia kết nối với Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế ngoài các nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản này còn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

+ Hướng dẫn người nộp thuế kê khai các thông tin nộp thuế trên chứng từ nộp ngân sách nhà nước. Truyền đầy đủ thông tin trên chứng từ nộp ngân sách nhà nước đã cấp cho người nộp thuế, cho cơ quan quản lý thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.

+ Truy vấn thông tin theo mã định danh khoản thu tại Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế để ghi trên chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Không được hủy lệnh chuyển tiền khi thông tin nộp thuế đã được chuyển đến Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.

+ Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng chuẩn thông điệp dữ liệu trao đổi thông tin theo đúng định dạng các thông điệp cơ quan quản lý thuế ban hành. Bảo mật và chỉ sử dụng thông tin thu nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế, người khai hải quan do cơ quan quản lý thuế cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế để thực hiện thu ngân sách nhà nước.

- Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo từng chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này.

Xử lý thế nào trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh về tiền thuế nhưng không nộp thuế đúng thời hạn?

Căn cứ vào khoản 5 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
...
5. Trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế nhưng người nộp thuế không nộp đúng thời hạn thì ngân hàng bảo lãnh phải chịu trách nhiệm nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước thay cho người nộp thuế trong phạm vi bảo lãnh. Trường hợp quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp tiền thuế nợ theo văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế chưa nộp đủ vào ngân sách nhà nước thì bên bảo lãnh bị cưỡng chế đối với số tiền trong phạm vi bảo lãnh theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, ngân hàng bảo lãnh sẽ chịu trách nhiệm nộp tiền nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu ngân sách nhà nước khác trong trường hợp người nộp thuế có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nhưng không nộp đúng hạn.

 

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay