Thứ tư, 22/01/2025
   

Ngân hàng Agribank đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản, lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị về đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của Vùng ĐBSCL.

Ngày 15/9/2023, tại thành phố Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị về đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của Vùng ĐBSCL. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị. Đại diện Ngân hàng Agribank, Phó Tổng Giám đốc Phùng Thị Bình tham dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN TW, NHNN chi nhánh một số tỉnh ĐBSCL, đại diện lãnh đạo UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các hiệp hội, ngành hàng (thủy sản, tôm, cá tra, lúa gạo, rau quả...), các doanh nghiệp đầu mối, hợp tác xã có quan hệ tín dụng với các TCTD tại một số tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, một số Sở, ngành và các hiệp hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Về phía Agribank, Phó Tổng Giám đốc Phùng Thị Bình tham dự và có bài phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Ngân hàng Agribank đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vùng ĐBSCL
Ngân hàng Agribank đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vùng ĐBSCL

Hội nghị được tổ chức với mục tiêu trao đổi, chia sẻ kết quả đạt được, nhận diện và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau bàn và tìm các giải pháp tháo gỡ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, ĐBSCL là một trong những vùng kinh tế trọng điểm, là khu vực phát triển năng động, đã và đang triển khai nhiều giải pháp kinh tế mang tính chất khu vực. Xác định đây là một vùng rất quan trọng nên trong chỉ đạo điều hành, ngành Ngân hàng đã có rất nhiều cơ chế chính sách riêng cho ĐBSCL, trong đó chủ yếu tập trung vào vấn đề lúa gạo, thủy hải sản.

Xác định ĐBSCL là một trong những khu vực phát triển kinh tế trọng điểm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong những năm qua, Ngân hàng Agribank luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp tại khu vực này, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản và lúa gạo, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đến 31/8/2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay của khu vực ĐBSCL đạt 232 ngàn tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ của Agribank. So với các khu vực khác, ĐBSCL hiện đang là khu vực có mức độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong hệ thống Agribank, với doanh số cho vay 8 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 238 ngàn tỷ đồng, cao hơn 22 ngàn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank phát biểu tham luận tại Hội nghị
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tham luận tại Hội nghị

Riêng dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản, lúa gạo tại khu vực ĐBSCL của Ngân hàng Agribank chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay toàn khu vực. So với các ngành, lĩnh vực khác, tín dụng đối với ngành lúa gạo và thủy sản khu vực ĐBSCL trong 8 tháng đầu năm 2023 đã có sự tăng trưởng cao so với mặt bằng chung tăng trưởng tín dụng toàn ngành, tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 9,7% và 7,1%.

Để tăng cường hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng, thời gian qua Agribank đã triển khai hàng loạt biện pháp: Giảm lãi suất cho vay; Triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi; Cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55 và Thông tư số 02.

Trong 8 tháng đầu năm, Ngân hàng Agribank đã 05 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức giảm từ 1,3-2,5%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 2-3%/năm đối với lĩnh vực tiêu dùng; 3-4%/năm đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản…; Triển khai 07 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 2-3% so với lãi suất cho vay thông thường; 02 lần giảm lãi suất trực tiếp đối với dư nợ cho vay trung hạn hiện hữu, khoảng 425.000 tỷ đồng với tổng số tiền lãi đã giảm khoảng 640 tỷ đồng, dự kiến tổng số tiền lãi giảm khoảng hơn 1.000 tỷ đồng; tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính Phủ (tính đến hết tháng 8/2023, doanh số cho vay của chương trình là 12.500 tỷ đồng, tổng số lãi hỗ trợ đạt 71 tỷ đồng).

Agribank cũng đã triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô 3.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1-2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn. Đến nay doanh số giải ngân đối với lĩnh vực thủy sản đã đạt hơn 900 tỷ đồng với 693 khách hàng.

Ngoài ra, để tăng cường hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo tại khu vực ĐBSCL, Ngân hàng Agribank đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án do Bộ nông nghiệp quản lý, chủ trì, triển khai thực hiện, trong đó có chương trình Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Với vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, luôn giữ tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở mức 65%-70% tổng dư nợ cho vay, nguồn vốn tín dụng Agribank đã phủ kín đến 100% số xã trên cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Ngân hàng Agribank cam kết sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính Phủ, NHNN; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.

 

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay