Thời gian qua, Ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ngành ngân hàng với những giải pháp tăng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm 2023, ngoại trừ khu vực dịch vụ tăng tốt, nông nghiệp ổn định… một số nhóm ngành kinh tế có sự giảm tốc do doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn như đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao… Doanh nghiệp ngày càng chịu tác động rõ nét hơn của hàng loạt khó khăn như sức chống chịu suy giảm sau ba năm đại dịch, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao trong khi đầu ra khó khăn vì đơn hàng giảm, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn ở mức thấp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thu hẹp…
Nền kinh tế 6 tháng đầu năm phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài lẫn nội tại, từ đó đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng. Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ (nhằm kiểm soát nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp); Thông tư 03/2023/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16/2021) nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện tại cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng của bốn ngân hàng thương mại lớn, cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1,5-2% cũng đã chính thức được hướng dẫn triển khai. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa ký văn bản 687/TTg-KTTH ngày 27/7/2023 về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp …
Agribank chủ động và tích cực với những giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng
Trước những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động ngân hàng, trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và diễn biến thị trường, Agribank đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp kinh doanh, tuân thủ nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật thị trường và điều hành của Ngân hàng Nhà nước, chủ động giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng, tăng cường sức hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Dư nợ tín dụng tại Agribank tăng nhẹ ở các lĩnh vực nông, lâm thủy sản, thương mại và dịch vụ, phản ánh hiện trạng của nền kinh tế hiện nay. Agribank tiếp tục chủ lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến tháng 6/2023 dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt hơn 900.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và đứng đầu ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực "tam nông".
Agribank tích cực triển khai các Chương trình của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đối với Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Agribank đã triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các chi nhánh thực hiện, kịp thời tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của khách hàng; đến tháng 6/2023, Agribank đã hỗ trợ lãi suất cho trên 900 khách hàng tại 115 chi nhánh với 7.041 món giải ngân, doanh số cho vay gần 11 ngàn tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực bất động sản theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, Agribank dành 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ 2% để cho vay đối tượng khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố. Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN, Agribank đã kịp thời hướng dẫn chi nhánh thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các đối tượng khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Đến tháng 6/2023 Agribank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 02 cho hơn 1.500 khách hàng với dư nợ của các giải ngân được cơ cấu là 20.187 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Agribank đã chủ động giảm lãi suất cho khách hàng từ nguồn tài chính của Agribank. Agribank đã có 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm từ 2-4%/năm so với đầu năm; điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn; điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất cho các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VNĐ tại Agribank với thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.
Đồng thời, Agribank cũng triển khai nhiều Chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô lớn. Agribank đã thực hiện chương trình tín dụng tiêu dùng với quy mô 5.000 tỷ đồng, cho vay tối đa 30 triệu đồng không có tài sản bảo đảm, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng, đặc biệt là người dân tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng thời hạn chế tín dụng đen. Chương trình được triển khai từ năm 2019, đến tháng 6/2023 doanh số của chương trình đã vượt xa quy mô, đạt hơn 76.000 tỷ đồng với hơn 834.000 khách hàng vay vốn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 Agribank đã liên tiếp triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng khách hàng: Chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp, quy mô chương trình lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD; Chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, quy mô 25.000 tỷ đồng, kéo dài đến hết năm 2023; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm, thủy sản vượt qua khó khăn do giá nguyên liệu, số lượng đơn hàng giảm mạnh, Agribank cam kết tham gia chương trình với quy mô dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, đồng thời miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024; chương trình cho vay tiêu dùng đối với cán bộ công nhân viên ngành y tế: quy mô 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi tối đa 1,5%/năm; chương trình cho vay tiêu dùng đối với khách hàng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước: quy mô 15.000 tỷ đồng với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường.…
Trong thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, điều hành lãi suất linh hoạt, nỗ lực tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp với các phân khúc khách hàng, theo từng ngành nghề, lĩnh vực, theo từng địa bàn; chuẩn hóa quy trình, giảm thiểu thủ tục và thời gian xét duyệt khoản vay; đẩy mạnh các kênh truyền thông để các thông tin về các chương trình cho vay ưu đãi đến được với khách hàng.
Để tăng khả năng hấp thụ vốn đối với nền kinh tế, bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần sự chung tay vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương. Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách thúc đẩy niền kinh tế, tăng cường quan hệ hợp tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương đẩy mạnh việc cấp các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án đầu tư trong đó có các dự án kinh doanh bất động sản như hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai, giấy phép xây dựng... để ngân hàng có cơ sở cấp tín dụng đối với dự án đã hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý, có tính khả thi triển khai…
(Nguồn: Agribank)