Thứ bảy, 05/04/2025
   

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Ngày 3/4/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” khu vực 8. Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng và ông Trần Báu Hà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng chủ trì hội nghị.
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng (thứ 2 từ phải sang) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà (thứ 2 từ trái sang) đồng chủ trì hội nghị
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng (thứ 2 từ phải sang) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà (thứ 2 từ trái sang) đồng chủ trì hội nghị

Khu vực 8 gồm ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình. Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Thu - quyền Giám đốc NHNN Khu vực 8 cho biết, ngành Ngân hàng tại Khu vực 8 đã có những bước tiến đáng kể trong việc hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Đến cuối tháng 2/2025, dư nợ của các TCTD tại Khu vực đạt 535.688 tỷ đồng, tăng 7.957 tỷ đồng, tương đương tăng 1,5% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 33% tổng dư nợ của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn như CTCP Đầu tư xây dựng Quốc Việt, Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Đông Anh, CTCP Cảng quốc tế Lào - Việt… cho biết đang có nhu cầu vay lớn và mong muốn tiếp cận được các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài để phát triển sản xuất kinh doanh.

Để hỗ trợ đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc Agribank đề xuất chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại khu vực.

Bên cạnh đó, đề nghị các sở, ngành, hiệp hội có định hướng và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc quy hoạch vùng sản xuất, có hệ thống dự báo, định hướng đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng phát biểu tại hội nghịPhó Thống đốc Phạm Quang Dũng phát biểu tại hội nghị
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng phát biểu tại hội nghị

Ghi nhận các ý kiến thực tế từ hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng trong phát biểu kết luận đã thông tin thêm về các giải pháp có liên quan mà ngành Ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng, như:

(i) Thường xuyên quan tâm, hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách tín dụng;

(ii) Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

(iii) Linh hoạt và đổi mới điều hành tăng trưởng tín dụng tạo chủ động cho các TCTD trong hoạt động tín dụng;

(iv) Tích cực đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng;

(v) Chủ động, linh hoạt áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, định giá tài sản bảo đảm, nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng nhằm tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền và hạn chế rủi ro phát sinh;

(vi) Tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh;

(vii) Triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực;

(viii) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Toàn cảnh hội nghị

Đối với các TCTD, Phó Thống đốc đề nghị thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và các cơ quan nhà nước tại địa phương về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; Cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm... đi đôi với việc tuân thủ các quy định của pháp luật, không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Đối với NHNN Khu vực 8, Phó Thống đốc yêu cầu phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Trung ương, tập trung rà soát, khẩn trương triển khai quy trình, nghiệp vụ, các hệ thống công nghệ thông tin có liên quan đến các hoạt động nghiệp vụ cụ thể của NHNN theo mô hình tổ chức mới, đảm bảo an toàn, thông suốt; Tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương các tỉnh trong khu vực để thực hiện tốt chức năng quản lý hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn; Theo dõi, bám sát hoạt động của các TCTD để kịp thời chỉ đạo, định hướng các hoạt động của TCTD theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN về hoạt động ngân hàng, trong đó có công tác tín dụng.

Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, NHNN rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Phó Thống đốc mong muốn các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động phối hợp với các TCTD cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động doanh nghiệp để các TCTD có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời; Tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động; Xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; Tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền; Tăng cường chuyển đổi số tại doanh nghiệp để nâng cao khả năng cạnh tranh, tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn.

* Cùng ngày, tại TP. Hà Tĩnh đã diễn ra lễ công bố quyết định thành lập, ra mắt NHNN chi nhánh Khu vực 8.

Trước đó, ngày 1/3/2025, Thống đốc NHNN đã ban hành các Quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Khu vực 8, cụ thể: Bà Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An giữ chức vụ Phó Giám đốc NHNN Khu vực 8 và giao quyền Giám đốc NHNN Khu vực 8; các Phó Giám đốc NHNN Khu vực 8 bao gồm: ông Lương Hải Lưu, ông Nguyễn Văn Trung, bà Hoàng Thị Minh Thu.

Ban Lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của NHNN Khu vực 8 chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thống đốc, Lãnh đạo các tỉnh trong khu vực
Ban Lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của NHNN Khu vực 8 chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thống đốc, Lãnh đạo các tỉnh trong khu vực

Cơ cấu tổ chức của NHNN Khu vực 8 sau sắp xếp gồm 7 phòng: Phòng Tổng hợp; Thanh tra NHNN khu vực; Phòng Quản lý, giám sát ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức khác; Phòng Quản lý, giám sát quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô; Phòng Kế toán - Thanh toán; Phòng Tiền tệ - Kho quỹ; Phòng Hành chính- Nhân sự. Sau khi sắp xếp, tổng số công chức, người lao động Khu vực 8 là 134 người.

Theo SBV
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay