So với mức ghi nhận hồi đầu tháng 9, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm khoảng 1,2% và là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.
Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất hầu hết kỳ hạn chủ chốt khác đều giảm mạnh so với hồi đầu tháng 9 như: kỳ hạn 1 tuần giảm về còn 3,48 %, kỳ hạn 2 tuần giảm về còn 3,36%, kỳ hạn 1 tháng giảm về còn 4,04 %.
Ngoài sự lao dốc của lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống cũng phát tín hiệu dồi dào hơn khi các ngân hàng không còn mặn mà với kênh cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong những phiên giao dịch gần đây.
Theo đó, dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất OMO xuống còn 4% song trong hai phiên giao dịch gần nhất, lượng trúng thầu chỉ đạt lần lượt hơn 524 tỷ đồng, 546 tỷ đồng trên tổng số 3.000 tỷ đồng được chào thầu mỗi phiên. Trước đó, cũng chỉ có hơn 8.800 tỷ đồng OMO trúng thầu trong tuần giao dịch 09/9 - 13/9 trên tổng số 18.000 tỷ đồng được NHNN chào thầu.
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu và thanh khoản hệ thống dồi dào hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có một loạt các động thái điều hành mang tính nới lỏng. Mới nhất, trong phiên giao dịch 16/9, Nhà điều hành đã giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4%/năm từ mức 4,25%/năm duy trì từ đầu tháng 8. Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng qua. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã hạ loại lãi suất này từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm trong phiên giao dịch 5/8.
Theo giới phân tích, các động thái của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới. Đồng thời, sự điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh tỷ giá giảm sâu trong những tuần gần đây và Fed gần như chắc chắn sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9.
VPĐD TP.HCM