Chủ nhật, 22/12/2024
   

Hoạt động nổi bật của các hội viên phía Nam 2 tuần qua

Từ ngày 29/7/2024 đến ngày 09/8/2024 các Tổ chức hội viên (TCHV) khu vực phía Nam đã có nhiều hoạt động tích cực, nổi bật cụ thể như: Nhiều ngân hàng được vinh danh các giải thưởng danh giá; Một số đơn vị đã công bố báo cáo tài chính, lãi suất cho vay, kết quả kinh doanh; Triển khai các chương trình ưu đãi dành riêng cho khách hàng...
Hoạt động của các hội viên phía Nam từ ngày 29/7/2024 đến ngày 09/8/2024
Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB)

Ngân hàng Xây dựng mới đây triển khai chương trình “An tâm đồng hành” với ưu đãi giảm tối đa 4% lãi suất cho vay với đối tượng: Khách hàng đang vay tại CB có tham gia bảo hiểm nhân thọ thoả điều khoản, điều kiện tại CB. Thời gian áp dụng từ ngày 08/8/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Thời gian giảm lãi suất cho vay tối đa 6 tháng.

Ngân hàng cũng đồng thời triển khai chương trình “Gắn kết bền lâu - Giảm sâu lãi suất” với biên độ lãi suất cho vay chỉ còn từ 2,5%/năm. Thời gian triển khai từ 25/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Đối tượng và điều kiện áp dụng: Khách hàng đang vay thoả điều khoản, điều kiện tại CB.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

- Ngày 01/8/2024, Ngân hàng TMCP Á Châu tiếp tục nhận 3 giải thưởng từ Tổ chức thẻ quốc tế JCB: Ngân hàng dẫn đầu về Tổng doanh số giao dịch thẻ 2023, Ngân hàng dẫn đầu về Thẻ tích lũy 2023 và Ngân hàng dẫn đầu về Phát hành thẻ mới 2023.

Bên cạnh các tiện ích truyền thống của thẻ tín dụng, ACB cũng chú trọng trải nghiệm mang tính thấu hiểu cho khách hàng như trả góp 0% lãi phí hấp dẫn, miễn phí rút tiền mặt cùng nhiều ưu đãi ẩm thực Nhật Bản từ hơn 100 nhà hàng. Đặc biệt, tính năng chuyển đổi trả góp 0% lãi suất và 0% phí qua ứng dụng ngân hàng ACB ONE luôn là một trong những tiện ích được khách hàng yêu thích nhất. Cụ thể, với mỗi giao dịch từ 3 triệu đồng trở lên, chủ thẻ có thể tự do chuyển đổi sang hình thức trả góp hoàn toàn miễn phí cho kỳ hạn 3 tháng, không phụ thuộc vào chính sách của điểm bán hàng, giúp phân chia các khoản thanh toán lớn thành những khoản nhỏ hơn.

ACB cũng đã ứng dụng số hoá tại mọi điểm chạm trên hành trình sử dụng thẻ tín dụng, từ khâu đăng ký phát hành và nhận kết quả phê duyệt chỉ trong 1 phút trên ứng dụng ngân hàng số ACB ONE, cho đến quá trình sử dụng và quản lý thẻ tự động hóa, với mức độ bảo mật cao nhất. Đối với hoạt động thanh toán thẻ, ngân hàng áp dụng nhiều tiêu chuẩn khắt khe như: chuẩn bảo mật dữ liệu PCI DSS; công nghệ 3D Secure ... cùng tính năng chủ động quản lý và điều chỉnh hạn mức giao dịch giúp ngăn chặn các giao dịch trái phép.

- Ngày 02/08 vừa qua, ACB lần thứ 3 liên tiếp được xướng tên trong Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam - Top 50 Corporate Sustainability Awards (CSA), tại đồng thời 2 hạng mục Hoạt động CSR nổi bật (tiêu chí Xã hội - Social) và Quản trị Doanh Nghiệp xuất sắc (tiêu chí Quản trị - Governance).

Năm 2023, ACB chính thức phát hành Báo cáo Phát triển bền vững 2022, trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam công bố báo cáo riêng về Phát triển bền vững (ESG), cho thấy việc cân bằng hợp lý giữa kết quả ngắn hạn với phát triển bền vững dài hạn, giữa tăng trưởng doanh thu với việc tạo giá trị cho các bên liên quan đã giúp ngân hàng kinh doanh hiệu quả. Vừa qua, ACB ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt mức 10,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 12,8%, tiếp tục thuộc nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.

Năm 2023, ACB chính thức khởi động chương trình thu gom 300 tấn rác nhựa cho giai đoạn 2023-2025. Khiêm tốn đặt mục tiêu riêng thu gom 45 tấn cho 2023, tuy nhiên dưới sự đồng lòng của gần 14.000 nhân viên, 410 đơn vị phòng ban, ACB đã vượt kỳ vọng, thành công dọn sạch 85 tấn rác tổng hợp, phân loại và xử lý 68 tấn rác nhựa trên cả nước. Bên cạnh đó, 159 thùng rác phân loại cũng được trang bị tại các PGD/CN của ACB. Bước khởi đầu tuy khiêm tốn nhưng thể hiện cam kết và quyết tâm hành động của ngân hàng trong hành trình phát triển bền vững. 2024 không đơn thuần mang tinh thần kêu gọi khuyến khích, ACB hướng đến việc thực hành ESG mang tính thực chất và thực tiễn, tác động trực tiếp tới môi trường và xã hội.

- ACB mới đây cho ra mắt “Giải pháp Quản lý cửa hàng”, đem đến những tiện ích thanh toán, vận hành và quản lý cửa hàng được thiết kế “may đo” cho các nhu cầu rất đặc thù của hộ kinh doanh, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Trên ứng dụng ACB ONE, chủ hộ kinh doanh có thể dễ dàng mở nhiều tài khoản và tạo mã QR nhận tiền Lộc Phát cho chuỗi cửa hàng, chia sẻ thông báo nhận tiền với nhân viên, nhận ấn phẩm QR độc quyền Đồng Minh Thông Thái được giao miễn phí tận nơi.  

Doanh thu của từng cửa hàng cũng được tự động thống kê trực quan ngay trên ACB ONE, giúp chủ hộ kinh doanh thuận tiện theo dõi mọi lúc mọi nơi, nắm bắt tình hình của từng cơ sở để từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh, cải thiện việc buôn bán.

Chủ hộ kinh doanh sẽ thêm an tâm quản lý nguồn thu trong những lúc không có mặt tại cửa hàng với tính năng chủ động cấp quyền cho nhân viên nhận thông báo giao dịch. Theo đó, với các thanh toán qua tài khoản hoặc mã QR cửa hàng Lộc Phát, ngay sau khi khách hàng trả tiền thành công, nhân viên sẽ nhận được thông báo xác nhận giao dịch cùng lúc với chủ cửa hàng. Đặc biệt, thông tin về số dư tài khoản cũng được giữ bảo mật tuyệt đối, chỉ duy nhất chủ cửa hàng có thể nhìn thấy…

Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)

- Ngân hàng Bản Việt vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2024.

Quý 2/2024, thu nhập lãi thuần tăng 50% so với cùng kỳ, đạt gần 551 tỷ đồng, do chi phí lãi giảm 35%. Lãi từ dịch vụ tăng 29%, lên gần 23 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 55%, thu được hơn 17 tỷ đồng, do biến động tỷ giá và doanh số mua bán ngoại tệ tăng. Chi phí hoạt động giảm 2%, chỉ còn 344 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 266 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ. Trong Quý, Ngân hàng trích gần 183 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, do đó, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 83 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BVBank thu gần 442 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (gấp 3,2 lần cùng kỳ). Sau khi trích gần 289 tỷ đồng dự phòng rủi ro, Ngân hàng còn gần 153 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 3,8 lần cùng kỳ, hoàn thành 77% kế hoạch năm 2024 (200 tỷ đồng).

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của BVBank đạt gần 90.490 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt hơn 63.500 tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng chiếm 57.487 tỷ đồng, tăng 1%.

BVBank cho biết Q1/2024 gặp nhiều khó khăn do một phần tác động từ bối cảnh chung của thị trường. Đến Q2, hoạt động cho vay có nhiều khởi sắc với nhiều gói vay lãi suất ưu đãi, chính sách cạnh tranh tiếp cận khách hàng, từ đó dư nợ cho vay đạt gần 59.589 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm.

Tổng nợ xấu tính đến cuối Q2 là 2.249 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Điểm sáng là nợ nghi ngờ có cải thiện. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 3,31% đầu năm lên 3,77%.

Chỉ trong hơn 6 tháng đầu năm, BVBank đã hoàn thành mục tiêu mở mới 10 điểm giao dịch. Với ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân, và doanh nghiệp, bộ đôi ứng dụng Digimi và Digibiz đang cùng các ngân hàng tự động Digimi+ được liên tục triển khai nhiều tính năng đúng với nhu cầu khách hàng. Qua đó, BVBank đã vượt mốc 2 triệu khách hàng. Tính đến hết Q2, số lượng khách hàng tăng hơn 60%, số lượng giao dịch tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ 2023.

- Ngày 08/8/2024, BVBank chính thức chào bán trái phiếu ra công chúng (đợt 1) thông qua phương thức phát hành trực tiếp tại các điểm giao dịch của BVBank. Đây có thể nói là một kênh đầu tư hấp dẫn với lãi suất cố định năm đầu tiên là 7,9%/năm trong thời điểm hiện nay.

BVBank được Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra đại chúng theo Quyết định số 118/GCN-UBCK ngày 02/8/2024. Tổng số lượng trái phiếu chào bán là 56 triệu trái phiếu, dự kiến phát hành 06 đợt, trong đó đợt 1 là 15 triệu trái phiếu. Mệnh giá trái phiếu là 100.000 VND/trái phiếu. Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 100 trái phiếu đối với nhà đầu tư cá nhân hoặc 1.000 trái phiếu đối với nhà đầu tư tổ chức.

Lô trái phiếu đợt 1 sẽ được chào bán từ ngày 08/8/2024 đến 12h00 ngày 10/9/2024, có thời hạn 6 năm với lãi suất năm đầu tiên cố định 7,9%/năm. Từ năm thứ 2: LS tham chiếu (Căn cứ bình quân lãi suất tiết kiệm cá nhân 12 tháng, cuối kỳ của 4 Ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank liền trước kỳ điều chỉnh lãi suất hàng năm) + 2,5%/năm.

- Tại Hội nghị thường niên của Tổ chức thẻ Quốc tế JCB tại Việt Nam ngày 01/8/2024, với sự góp mặt của Ngân hàng Nhà nước, các đối tác ngân hàng, tổ chức tài chính, đối tác kinh doanh, sàn thương mại điện tử…, BVBank được vinh danh ở 3 hạng mục quan trọng dành cho thẻ JCB trong năm 2023: Sản phẩm và giải pháp truyền cảm hứng 2023; Ngân hàng dẫn đầu về Tăng trưởng Thẻ tích lũy kích hoạt 2023; Ngân hàng dẫn đầu về Tốc độ tăng trưởng Doanh số giao dịch thẻ 2023.

Trong năm 2023, BVBank đã liên tục triển khai nhiều dòng thẻ mới với những tiện ích thiết thực phù hợp nhu cầu của khách hàng (BVBank JCB Ms., BVBank JCB Sense, BVBank JCB Cheer, BVBank JCB Discovery); ứng dụng công nghệ, trong đó phải nói đến tiện ích ứng tiền và trả góp linh hoạt qua thẻ tín dụng trên ngân hàng số Digimi. Chỉ cần vài thao tác, khách hàng có thể đăng ký ứng tiền vào tài khoản thanh toán hoặc chuyển đổi trả góp các giao dịch ngay trên ứng dụng ngân hàng của BVBank.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank)

Ngân hàng TMCP Đông Á công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động vốn bình quân kỳ Tháng 7/2024 như sau: Lãi suất cho vay bình quân: 7,64%/năm (giảm 0,45% so với Tháng 5); Chênh lệch lãi suất cho vay bình quân - lãi suất huy động vốn bình quân: 2,94%/năm (giảm 0,22% so với Tháng 5).

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank)

- Ngân hàng TMCP Kiên Long vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh Quý 2/2024 với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 338 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận của KienlongBank đạt 552 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch năm.

Hết Q2/2024, tổng tài sản hợp nhất của Ngân hàng đạt 91.668 tỷ đồng, tăng 4.088 tỷ đồng; tổng huy động vốn đạt 82.380 tỷ đồng, tăng 3.558 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt hơn 56.184 tỷ đồng, tăng 3.444 tỷ đồng, so với Quý liền kề. Lãi từ hoạt động dịch vụ trong Quý đạt 121 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh khác đạt hơn 48 tỷ đồng, tăng 21 tỷ đồng so với Q1/2024.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, KienlongBank đã chủ động đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Các gói ưu đãi được xây dựng, thiết kế riêng với từng nhóm khách hàng đặc thù...

Tỷ lệ nợ xấu trong Q2 được kiểm soát ở mức thấp so với mặt bằng chung toàn ngành. Ngân hàng cũng chủ động tăng trích lập dự phòng, nâng cao bộ đệm và tăng chất lượng tài sản.

Hết Q2/2024, chi phí hoạt động tăng chủ yếu do việc gia tăng phúc lợi và thu nhập cho cán bộ nhân viên, tạo môi trường làm việc lý tưởng cho nhân sự chất lượng cao. Ngân hàng cũng mở rộng quy mô kinh doanh thông qua việc trang bị, đầu tư chi phí hạ tầng công nghệ thông tin, cho ra mắt các sản phẩm, dịch vụ Số có tính đột phá, đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng.

- Từ ngày 01/8/2024 đến hết ngày 30/11/2024, khách hàng sẽ được hoàn tiền đến 200.000 đồng khi thực hiện giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế KienlongBank JCB với chương trình “Lướt JCB - Hoàn tiền cực chất”. Đây là chương trình mua sắm hoàn tiền thẻ tín dụng lần thứ 02 được KienlongBank triển khai trong năm 2024. Ưu đãi áp dụng cho tất cả thẻ tín dụng KienlongBank JCB phát hành mới trong thời gian triển khai chương trình, bao gồm Thẻ chính và Thẻ phụ. Các giao dịch được hoàn tiền là tất các các giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn hợp lệ theo thể lệ.

Chủ thẻ tín dụng KienlongBank JCB còn được miễn hoàn toàn phí mở thẻ, phí thường niên năm đầu tiên, miễn phí rút tiền mặt trực tiếp tại các máy ATM KienlongBank trên toàn quốc, miễn lãi đến 55 ngày; được mua trả góp với lãi suất 0% tại các siêu thị điện máy, trung tâm thương mại… cùng nhiều ưu đãi và giảm giá đến 50% dịch vụ, giao dịch thanh toán trên toàn cầu.

- KienlongBank vừa được vinh danh “Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2024 - VIE 10 - Ngành Ngân hàng” năm thứ 2 do Báo Đầu tư và Viet Research tổ chức.

Thành công bước đầu trong chiến lược đổi mới tại KienlongBank đến từ những chính sách mở trong việc thúc đẩy môi trường văn hoá đổi, đầu tư mạnh mẽ vào R&D, qua đó góp phần vào sự tăng trưởng hiệu quả hoạt động, tạo ra một môi trường kinh doanh bền vững. Trên thực tế, hết Quý 2/2024, KienlongBank ghi nhận những chỉ số kinh doanh tích cực, luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng qua nhiều thời kỳ. Tỷ lệ an toàn vốn cao, chất lượng tài sản được cải thiện cùng chiến lược trích lập dự phòng linh hoạt giúp cho tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank được duy trì ở mức thấp so với mặt bằng chung toàn ngành.

Điển hình về tính sáng tạo trong việc giới thiệu, ra mắt các sản phẩm/dịch vụ số tại KienlongBank là hệ thống máy giao dịch ngân hàng tự động STM - dễ dàng thao tác nhưng vẫn đủ công năng để thực hiện các giao dịch tài chính từ cơ bản đến nâng cao, có thể thay thế các phòng giao dịch vật lý như hiện tại. Ngoài ra, hệ thống các sản phẩm/dịch vụ có tính tùy biến cao như tính năng tạo tài khoản nickname, cho phép khách hàng lựa chọn tài khoản số đẹp hay hỗ trợ quá trình vận hành của các chủ cửa hàng với MyShop & Paybox, KienlongBank Pay… Về quy trình, tổ chức, KienlongBank ứng dụng công nghệ để rút ngắn quá trình cung cấp sản phẩm/dịch vụ tới khách hàng. Từ đầu năm 2024, KienlongBank đã đẩy mạnh triển khai mô hình giao dịch một cửa, đặc biệt là giới thiệu dịch vụ khách hàng cá nhân ưu tiên…

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)

- Ngân hàng TMCP Nam Á vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với nhiều chỉ tiêu kinh doanh quan trọng tăng trưởng khả quan, khi Nam A Bank là ngân hàng duy nhất trong hệ thống ngân hàng có cổ phiếu chào sàn HOSE trong 6 tháng vừa qua.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 2.217 tỷ đồng (tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 55,4% so với kế hoạch năm 2024). Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản Nam A Bank đạt hơn 228.000 tỷ đồng (tăng 14,3% so cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 98,7% so với kế hoạch năm 2024). Nguồn vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế tăng trưởng tốt, đạt gần 173.000 tỷ đồng (tăng hơn 9,4% so cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 97,1% so với kế hoạch năm 2024). Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng do NHNN cấp phép, đạt gần 157.000 nghìn tỷ đồng (tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023).

Đáng chú ý, đây là quý thứ 2 liên tiếp, Nam A Bank ghi nhận kết quả lợi nhuận đạt hơn 1.000 tỷ đồng/quý. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 834 tỷ đồng, tương ứng tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.

Điểm tích cực là NIM tăng trưởng tốt ở mức 3,7% trong bối cảnh biên lãi suất huy động và cho vay khách hàng thu hẹp, nhờ các giải pháp tối ưu cơ cấu tài sản sinh lãi và cơ cấu huy động. Tỷ lệ chi phí/tổng thu nhập hoạt động (CIR) trong Q2/2024 có sự cải thiện, CIR Q2 về sát mốc 40% - mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Hơn nữa, các chỉ số về an toàn trong hoạt động vượt xa mức quy định của NHNN. Nam A Bank cũng đã tuân thủ các chỉ số thanh khoản, hoàn thành việc triển khai các chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III. Tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt trên 11,38% (tối thiểu theo quy định của NHNN là 8%), tỷ lệ dư nợ cho vay trên huy động LDR đạt 76,06% (tối đa theo quy định của NHNN là 85%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản LCR 17,35% ( tối thiểu theo quy định của NHNN là 10%), tỷ lệ khả năng chi trả 30 ngày VND đạt trên 73,41% (tối thiểu theo quy định của NHNN là 50%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn 14,13% (tối đa theo quy định của NHNN là dưới 30%). Nam A Bank vẫn duy trì chiến lược thanh khoản ổn định và an toàn. Nợ xấu được kiểm soát tốt theo quy định của NHNN (giảm 0,15% so cùng kỳ 2023).

Quý 1&2 vừa qua, phát triển tín dụng xanh là một trong những hoạt động trọng tâm mà Nam A Bank tích cực triển khai, hoàn thành bàn giao Giao phẩm hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội ESMS với Pacific Risk Advisors LTD (PRA), đánh dấu bước đệm quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thiện các trụ cột để tiến tới Ngân hàng Xanh cấp độ 5.

- Ngày 01/8/2024, Nam A Bank được JCB vinh danh tới 6 hạng mục giải thưởng, bao gồm: Sản phẩm và giải pháp truyền cảm hứng 2023, Ngân hàng dẫn đầu về phát hành thẻ mới phân khúc cao cấp 2023, Ngân hàng dẫn đầu về Tăng trưởng Thẻ tích lũy kích hoạt 2023, Ngân hàng dẫn đầu về Doanh số thanh toán thẻ 2023, Ngân hàng dẫn đầu về Tốc độ tăng trưởng Doanh số giao dịch thẻ năm 2023, Ngân hàng dẫn đầu về Doanh số giao dịch thẻ tại nước ngoài 2023.

Năm vừa qua, thẻ tín dụng Nam A Bank tăng tích lũy kích hoạt 35% so với năm 2022, doanh số thanh toán thẻ tăng gần 260% so với 2022, doanh số giao dịch thẻ tăng gần 250%, doanh số giao dịch thẻ tại nước ngoài tăng hơn 120%...

Đây là hệ thống giải thưởng thường niên của JCB nhằm tôn vinh các đối tác chiến lược và ngân hàng uy tín tại thị trường Việt Nam. Giải thưởng được trao tặng dựa trên các đánh giá toàn diện về giải pháp thẻ tạo trải nghiệm khác biệt, độc đáo cho khách hàng, có tốc độ tăng trưởng ấn tượng… của các ngân hàng thành viên và đối tác. Hàng năm, thẻ tín dụng Nam A Bank đều được vinh danh ở nhiều hạng mục và đây là lần đầu tiên Ngân hàng được JCB trao tặng tới 6 giải thưởng.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)

- Ngân hàng Phát triển TP.HCM vừa công bố báo cáo tài chính Quý 2/2024.

Tại 30/6/2024, HDBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 13% so với đầu năm, tiếp tục hướng vốn tín dụng đến những ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp SME, tài trợ chuỗi, tín dụng xanh, du lịch… Đồng thời, HDBank đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, nợ xấu ở mức thấp nhất ngành. Trong đó hệ số an toàn vốn CAR theo chuẩn Basel II đạt tới 13,9%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất, bao gồm tài chính tiêu dùng theo quy định tại Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước chỉ có 1,59%.

Sau nửa năm 2024, HDBank ghi nhận tổng thu nhập 16.045 tỷ đồng, tăng 32,9% so cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 48,9% so cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 26,1%, ROA đạt 2,1%, đều cao hơn năm trước.

Năm nay, cổ đông được nhận cổ tức lên tới 30%. HDBank đã hoàn thành trả cổ tức 10% bằng tiền mặt và đang tiếp tục triển khai chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, dự kiến trong Quý 3.

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản HDBank vượt 624 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so cùng kỳ năm ngoái. Quy mô huy động vốn đạt trên 552 nghìn tỷ đồng, trong đó đáng chú ý tiền gửi từ kênh ngân hàng số đạt gần 40 nghìn tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ.

6 tháng đầu năm 2024, HDBank ghi dấu bước tiến mới trong hành trình triển khai toàn diện chiến lược phát triển bền vững (ESG). Ngân hàng “xanh hoá” thân thiện môi trường, song hành cùng “số hoá”, phát triển kinh doanh số hiện đại và nghiên cứu áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục được HDBank tích cực đẩy mạnh trong nửa đầu năm 2024. Số lượng khách hàng mới được thu hút qua kênh số cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. 94% giao dịch của khách hàng được thực hiện trên kênh số. Số lượng giao dịch e-banking tăng 130% so với cùng kỳ.

- Tổ chức thẻ JCB vừa trao tặng HDBank giải thưởng “Sản phẩm và giải pháp truyền cảm hứng 2023” tại Hội nghị thường niên của JCB, dựa trên các đánh giá toàn diện về việc phát triển và nghiên cứu những sản phẩm, giải pháp mới trong năm 2023.

Trong năm 2023, HDBank và JCB đã hợp tác cho ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng cao cấp HDBank JCB Ultimate và các chương trình ưu đãi hấp dẫn, hoàn tiền đến 500 ngàn khi mua sắm, thu hút cho nhóm khách hàng thích trải nghiệm du lịch và ẩm thực. Khách hàng được hoàn tiền tới 14,4 triệu đồng/năm cùng nhiều ưu đãi khác.

- Từ nay đến hết tháng 11/2024, HDBank triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt “Hè rực rỡ, niềm vui bất ngờ” cho tất cả khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Khi khách hàng có giao dịch hợp lệ sẽ nhận được số điểm tương ứng. Số lượng mã dự thưởng hàng tháng sẽ bằng số điểm mà khách hàng tích luỹ trong tháng đó. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, HDBank còn mở rộng cơ hội cho khách hàng có thêm thu nhập hấp dẫn khi trở thành cộng tác viên (CTV) của HDBank. Ngoài mức hoa hồng cao, tiền thưởng doanh số của cộng tác viên có thể lên gần 40 triệu đồng.

Cụ thể, chương trình hợp tác kinh doanh “Đồng hành cùng HDBank, nên danh tỷ phú” năm 2024 - cơ hội tăng thu nhập linh động cho tất cả mọi người đã khởi động trên toàn quốc. Sau 4 năm triển khai, chương trình đã mang đến nguồn thu nhập chủ động và thụ động vô cùng hấp dẫn cho hàng ngàn CTV. Toàn bộ quá trình bán hàng đều được thực hiện dễ dàng, mọi lúc mọi nơi trên App HDBank, không phụ thuộc thời gian và không gian. Khi trở thành CTV của HDBank, người dùng sẽ được nhận hoa hồng tương ứng với số lượng khách hàng được giới thiệu mới thành công. Mỗi CTV còn có thể mở rộng thêm thu nhập từ việc xây dựng mạng lưới CTV mới.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

- Ngân hàng Phương Đông vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024. Tăng trưởng tín dụng của OCB tính đến hết 30/6/2024 đạt 6,3%, mức cao hơn trung bình ngành. Với việc từng bước chuyển dịch cơ cấu khách hàng, cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tín dụng dành cho nhóm khách hàng SME của ngân hàng tăng gần 18%.

Hết Q2/2024, huy động thị trường 1 của ngân hàng giảm nhẹ về mức xấp xỉ cuối năm 2023. Tổng thu thuần tăng 2,4% so cùng kỳ năm trước, đạt 4.559 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi tăng gần 9%. Tháng 5/2024, OCB đã chính thức ra mắt phiên bản ngân hàng số OCB OMNI thế hệ mới, hiện đại nhất hiện nay. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, OCB OMNI có số lượng giao dịch tăng 76%, lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng 52%, lượng tiền gửi có kỳ hạn tăng 53%. Đối với mảng kinh doanh Thẻ, doanh số giao dịch thẻ tăng 27%, thu thuần tăng 32%.

Thu thuần ngoài lãi giảm hơn 24%, chủ yếu do hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu Chính phủ giảm do ảnh hưởng của thị trường. Thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng gần 101% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thu thuần ngoài lãi từ dịch vụ cũng ghi nhận giảm 27,9% so với năm trước, đạt 270 tỷ đồng. Lý do chủ yếu đến từ việc OCB chủ động hỗ trợ nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn đã đồng hành lâu năm bằng việc giảm phí dịch vụ các sản phẩm tài chính, khuyến khích và hướng khách hàng sử dụng giải pháp thanh toán số như OCB Propay, tiết kiệm đến 80% thời gian và chi phí vận hành của doanh nghiệp. Với việc gia tăng chi phí dự phòng và chi phí hoạt động đã khiến tổng lợi nhuận của Ngân hàng đạt 2.113 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại 30/6/2024, tổng tài sản xấp xỉ đầu năm ở mức 238.884 tỷ đồng. Các quy định về tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh khoản cũng được OCB kiểm soát và đảm bảo tuân thủ theo quy định của NHNN.

Cuối năm 2023, OCB mở mới 10 Chi nhánh/Phòng giao dịch. Năm 2024, được sự phê duyệt của NHNN, OCB dự kiến mở mới thêm 17 Chi nhánh/Phòng giao dịch, nâng điểm giao dịch lên 176 tại 48 tỉnh thành trên cả nước. Số lượng nhân sự OCB trong 6 tháng tăng thêm 12%, chi phí phúc lợi dành cho nhân viên và thu nhập cũng có sự cải thiện, tăng 15%.

Mặc dù lũy kế 6 tháng đầu năm, các nhóm nợ có tăng và đến chủ yếu từ nhóm khách hàng cá nhân, OCB vẫn kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,3% (thấp hơn mức kiểm soát 3% của NHNN). Đặc biệt, nhóm khách hàng không còn khả năng phục hồi từ sau tác động của Covid-19 và suy thoái kinh tế, đến thời điểm này đã chuyển sang nợ nhóm 5, trong đó phần lớn nợ xấu đều có tài sản bảo đảm là bất động sản.

Việc NHNN ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết 31/12/2024 sẽ giúp khách hàng giảm tải phần nào áp lực trả nợ, nhờ đó, Ngân hàng giảm được áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng. OCB sẽ tiếp tục kiện toàn hệ thống quản trị nợ, cảnh báo sớm, giúp kiểm soát, đưa ra nhiều phương án hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

- Tại Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa qua do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức, OCB được xướng tên ở hạng mục “Tinh thần lãnh đạo ESG” bởi sự quyết tâm thực thi và hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững trở thành ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam.

Các hoạt động hướng đến ngân hàng xanh đã được OCB đặt nền tảng từ rất sớm, chính sách quản lý rủi ro MT&XH với sự tư vấn của IFC được ban hành từ năm 2012, từ đó ngân hàng đã đưa nội dung này vào hoạt động thẩm định, xem xét trước khi cấp tín dụng cho khách hàng. Trong hoạt động quản lý nội bộ, OCB cũng điều chỉnh theo hướng thân thiện với môi trường qua việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, ưu tiên trực tuyến, số hóa hầu hết các quy trình... nhằm giảm thiểu công việc liên quan đến giấy tờ, văn phòng phẩm và tiêu thụ năng lượng.

Tháng 4/2024, OCB và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) chính thức ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh và dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp SME, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả cho ngân hàng, khách hàng, xã hội. Theo đó, IFC sẽ hỗ trợ OCB thực hiện hành trình chuyển đổi xanh, đồng thời tăng cường năng lực dịch vụ ngân hàng số dành cho các doanh nghiệp SME và bán lẻ. Theo đó, quy mô tín dụng xanh tại OCB đang trong xu hướng tăng dần và đạt tỷ trọng trung bình 8-10% trong tổng quy mô dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng. Trong khi đó, đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

- Tổ chức thẻ quốc tế JCB vừa vinh danh OCB là “Ngân hàng dẫn đầu về Phát hành thẻ mới 2023” tại Hội nghị thường niên tổ chức ngày 1/8/2024. Đây là năm thứ 2 liên tiếp OCB nhận được giải thưởng này.

Hiện nay, OCB đang phát hành 2 sản phẩm thẻ tín dụng nổi bật là OCB JCB Platinum, OCB JCB Gold và 1 sản phẩm thẻ ghi nợ. Xét riêng các sản phẩm thẻ tín dụng, chủ thẻ ngay khi phát hành thành công sẽ có cơ hội được hoàn phí thường niên năm đầu, quà tặng hoàn đến 1,1 triệu đồng khi chi tiêu cùng thẻ. Thẻ OCB JCB đặc biệt phù hợp với những tín đồ thương hiệu Nhật Bản, các thanh toán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng Nhật Bản với ưu đãi hoàn tiền lên đến 10%. Đặc biệt hơn nữa, khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế OCB, khách hàng được áp dụng nhiều ưu đãi hấp dẫn khác khi chi tiêu các lĩnh vực du lịch, ẩm thực, mua sắm điện máy...

- Ngân hàng Phương Đông vừa công bố thông tin về việc đã nhận đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Nguyễn Đình Tùng theo nguyện vọng cá nhân.

Gia nhập OCB từ tháng 4/2012 và chính thức đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc từ tháng 8/2012, với 12 năm nắm giữ vị trí này, ông Nguyễn Đình Tùng đã cùng HĐQT và Ban điều hành đưa OCB trở thành ngân hàng tư nhân hoạt động hiệu quả hàng đầu Việt Nam. Tháng 4/2023, ông Nguyễn Đình Tùng tiếp tục được bầu làm thành viên HĐQT OCB nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai các kế hoạch chiến lược của ngân hàng trong thời gian tới.

Được biết, đơn từ nhiệm của ông Tùng sẽ được HĐQT xem xét và trình xin ý kiến tại ĐHĐCĐ gần nhất.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)

- Ngân hàng Quốc Tế vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024.

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản VIB đạt hơn 431.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng 5%, cao hơn so với trung bình ngành ngân hàng chỉ 1,5%. Dư nợ tín dụng tính đến hết Q2 đạt gần 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, tăng trưởng cả ở 4 mảng phân khúc trọng tâm là bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, SME và định chế tài chính. Tăng trưởng tín dụng đang trên đà hồi phục, khi Q1 chỉ tăng 1% nhưng Q2 tăng 4% nhờ việc tối ưu hóa giá vốn đầu vào, giảm lãi suất cho vay, song song song với việc triển khai hàng loạt các sản phẩm bán lẻ mới.

VIB được cấp hạn mức tín dụng ở nhóm lớn nhất, trên 16% cho năm 2024 và hiện là một trong những ngân hàng còn dư địa tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh tăng trưởng tín dụng tích cực hơn so với cùng kỳ, chất lượng tài sản cũng có sự cải thiện với tỷ lệ nợ xấu đi ngang ở mức 2,4%. Nợ nhóm 2 giảm gần 2.900 tỷ trong Q2 và giảm 17% so với đầu năm.

Đáng chú ý, VIB là một trong số ít ngân hàng có số dư các khoản lãi, phí phải thu rất thấp, ở mức khoảng 2.600 tỷ, giảm 28% so với cuối năm 2023 và chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng tài sản so với nhiều ngân hàng, tỷ lệ này ở mức 1%-2%, cá biệt lên đến 3%. Điều này thể hiện chất lượng doanh thu được ghi nhận trên báo cáo tài chính và tính chất thận trọng trong hạch toán tín dụng bán lẻ của VIB. 

Các chỉ số quản trị an toàn ở mức tối ưu, trong đó tỷ lệ an toàn vốn (CAR) Basel II đạt 11.8% (quy định: trên 8%), hệ số cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) ở mức 72% (quy định: dưới 85%), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 26% (quy định: dưới 30%) và hệ số nguồn vốn ổn định ròng theo Basel III (NSFR) 117% (chuẩn Basel: trên 100%).

Sau 6 tháng đầu năm, VIB đạt tổng doanh thu 10.358 tỷ đồng, tăng trưởng 1% so cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần giảm 8% và thu nhập ngoài lãi tăng 50%. Biên lãi ròng (NIM) duy trì tích cực, ở mức 4,2%. Thu nhập ngoài lãi đạt gần 2.400 tỷ, tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và đóng góp vào 22% tổng doanh thu. Đáng chú ý, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro đạt 500 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ, hoạt động ngoại hối cũng tăng 330 tỷ đồng. Thu nhập từ phí tăng 9% với 2 sản phẩm chính là Thẻ tín dụng và Bảo hiểm. Trong đó, thẻ tín dụng vượt mốc 750.000 thẻ lưu hành, chi tiêu thẻ tín dụng đạt kỷ lục mới, đạt gần 2,4 tỷ đô la Mỹ chỉ trong 6 tháng đầu năm, tăng 42% với cùng kỳ.

Chi phí hoạt động tăng 16% so với cùng kỳ. Hệ số hiệu quả chi phí (CIR) trung bình 12 tháng qua đang duy trì ở mức 32%. Trong 6 tháng đầu năm, VIB trích lập dự phòng rủi ro trung bình khoảng 1.000 tỷ/quý, tăng 36% so cùng kỳ. Tổng kết, lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.600 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vẫn duy trì ở mức 21%, ở nhóm đầu ngành.

Trong 6 tháng đầu năm, VIB hoàn tất 2 đợt chi trả cổ tức tiền mặt với tổng mức cổ tức tương ứng 12,5% vốn điều lệ. Hiện tại, VIB đang triển khai các thủ tục chi trả 17% bằng cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu cùng 11 triệu cổ phiếu thưởng ESOP cho gần 2.000 cán bộ nhân viên trong Q3. Trong kỳ, VIB cũng đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 thông qua Điều lệ của VIB, bao gồm nội dung quy định tỷ lệ sở hữu tối đa cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài là 4,99% vốn điều lệ.

- Ứng dụng MyVIB của Ngân hàng Quốc Tế vừa được International Finance Magazine, tạp chí tài chính hàng đầu thế giới có trụ sở tại London (Anh), vinh danh là “Ứng dụng ngân hàng di động thân thiện nhất Việt Nam năm 2024”. Năm 2023, MyVIB cũng được tạp chí International Finance bình chọn là ứng dụng ngân hàng di động tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.

MyVIB chinh phục người dùng bằng giao diện tinh tế và hiện đại, được thiết kế bởi Willow Tree, công ty hàng đầu tại Mỹ trong lĩnh vực thiết kế ứng dụng di động.  Với MyVIB, người dùng có thể cá nhân hóa trải nghiệm ngân hàng một cách sáng tạo với nhiều tính năng độc đáo như tùy chỉnh điều hướng và các widget theo sở thích cá nhân, thay đổi hình nền trên trang chủ để phản ánh phong cách riêng. Ứng dụng cũng cung cấp các chương trình khuyến mãi được cá nhân hóa dựa trên thói quen chi tiêu của từng khách hàng, mang lại trải nghiệm ngân hàng hoàn toàn khác biệt.

Điểm nổi bật của MyVIB là sự sáng tạo trong trải nghiệm người dùng với tính năng Thông báo bằng giọng nói cho phép người dùng nhận thông báo biến động số dư, nhắc nợ hóa đơn, thông báo khuyến mại… với các giọng miền Bắc, Trung, Nam. Tính năng Social Keyboard cho phép chuyển tiền trực tiếp ngay trong khung chat mạng xã hội phổ biến như Facebook Messenger, Zalo, iMessage và nhiều ứng dụng khác. Người dùng còn có thể tự tạo mã QR theo phong cách cá nhân từ thiết kế đến nội dung. MyVIB còn cung cấp nhiều tiện ích như giao dịch với các công ty chứng khoán (Kafi, VnDirect, ...), mua bảo hiểm trực tuyến, đóng phí bảo hiểm, quản lý dòng tiền để theo dõi chi tiêu, lập ngân sách và tiết kiệm hiệu quả, quản lý thẻ tín dụng. Tất cả các dịch vụ này kết hợp tạo nên một hệ sinh thái tài chính đa dạng và phong phú, đáp ứng toàn diện nhu cầu tài chính của người dùng chỉ trong một ứng dụng.

MyVIB là một điển hình về việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào ngân hàng số tại Việt Nam với: Cloud-native; Thực tế tăng cường (AR); Xác thực sinh trắc học (vân tay và khuôn mặt), xác thực hai yếu tố (2FA) và công nghệ NFC, đảm bảo an toàn và thuận tiện trong quy trình đăng ký và giao dịch.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)

Hai tuần qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn tiếp tục thông báo về việc chấm dứt hoạt động 02 Phòng Giao dịch các tỉnh thành: Phòng giao dịch Bãi Cháy - Chi nhánh Quảng Ninh (từ ngày 31/7/2024); Phòng giao dịch Chương Dương - Chi nhánh Thăng Long (từ ngày 31/7/2024).

Như vậy, tính từ tháng 6/2023 đến nay, SCB đã giải thể hoạt động 99 PGD tại các tỉnh thành, riêng tại TP.HCM là 54 PGD, tại các tỉnh thành khác là 45 PGD.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)

Ngân hàng Sài Gòn Công Thương vừa công bố Báo cáo tài chính Quý 2/2024.

Riêng Q2, thu nhập lãi thuần giảm 6% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 225 tỷ đồng. Về nguồn thu phi tín dụng, lãi từ dịch vụ tăng nhẹ 1% lên gần 10 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 26% còn gần 5 tỷ đồng. Ngân hàng không ghi nhận hoạt động mua bán chứng khoán. Riêng hoạt động khác thu được khoản lãi gần 23 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 9%, còn hơn 120 tỷ đồng. Ngân hàng cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 59%, còn gần 22 tỷ đồng, theo đó lợi nhuận trước thuế đạt hơn 98 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, SGB thu được hơn 166 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 9% so với cùng kỳ, thực hiện 45% kế hoạch năm (368 tỷ đồng). Tổng tài sản cuối Q2 tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên mức 32.412 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 2% lên 20.319 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng đi ngang ở mức 23.513 tỷ đồng.

Chất lượng nợ vay của SGB cũng đi lùi so với đầu năm. Tổng nợ xấu tính đến 30/6/2024 là 518 tỷ đồng, tăng 28%. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng bằng lần. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 2,03% đầu năm lên 2,55%.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

- Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy dù đối diện với nhiều thách thức từ kinh tế thế giới và trong nước, Sacombank vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh theo mục tiêu.

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản hợp nhất của Sacombank đạt hơn 717.000 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, trong đó tài sản có sinh lời tăng 11%. Quy mô huy động và cho vay tăng trưởng tích cực, cao hơn mức bình quân ngành. Tổng huy động đạt gần 642.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm, trong đó 82% tiền gửi từ khách hàng cá nhân. Dư nợ tín dụng đạt gần 517.000 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, thị phần tăng 0,03%, chủ yếu đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tối ưu cấu trúc nguồn vốn, giảm nhanh chi phí vốn, cải thiện NIM, tạo điều kiện tăng thu lãi thuần. Ngân hàng đã thu hồi, xử lý được 4.822 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,15%. Tổng thu nhập đạt hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó gần 2.000 tỷ đồng thu ngoài lãi. Từ đó, Sacombank đã hoàn thành 50,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024, đạt 5.342 tỷ đồng, tăng hơn 12% so cùng kỳ năm trước.

Sacombank vừa phát triển thêm các tính năng mới trên hệ thống máy giao dịch thông minh STM (như chấp nhận thẻ Napas/Visa/Mastercard/UnionPay phát hành bởi ngân hàng khác trong nước và nước ngoài, chuyển đổi tiền tệ linh hoạt, chọn mệnh giá tiền rút, video call kết nối tổng đài viên, hỗ trợ song ngữ Anh - Việt) và ứng dụng Sacombank Pay (như mua ngoại tệ tiền mặt, chia sẻ màn hình giao dịch thành công, rút từng phần/tất toán tiền gửi/tiết kiệm vào ngày nghỉ/ngày lễ, thay đổi mẫu thẻ phi vật lý); đồng thời mở rộng phương thức thanh toán không tiếp xúc như Garmin Pay, tích hợp mã QR đa năng ngay trên máy POS, kết nối với 3 ví điện tử MoMo - VNPay - Zalo Pay…

- Năm 2024 là năm thứ 6 Sacombank được Tạp chí The Asian Banking and Finance (ABF) vinh danh ở hạng mục “Ngân hàng cung cấp giải pháp thanh toán tốt nhất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” vì thỏa các tiêu chí về tính độc đáo - đổi mới, sự hiệu quả - tác động, tính năng động của các giải pháp tài chính cho SMEs.

Hiện tại, gần 150.000 doanh nghiệp đã tin tưởng sử dụng dịch vụ qua kênh điện tử của Sacombank, đặc biệt có đa dạng phương thức xác thực, mô hình phê duyệt từ đơn đến đa cấp phù hợp với quy mô doanh nghiệp từ siêu nhỏ đến SME. Các hóa đơn, chứng từ giao dịch tại kênh điện tử của Sacombank đều được Ngân hàng ký điện tử bằng chữ ký số công cộng. Sacombank đã ứng dụng các công nghệ như OCR (Nhận dạng ký tự quang học), RPA (Công nghệ Robot) và xác thực chữ ký số, nền tảng eKYC hỗ trợ khách hàng thao tác nhanh chóng mà không cần phải đến quầy, không phải nhập liệu thủ công khi đăng ký trực tuyến tài khoản và các dịch vụ đi kèm. Đến nay, có gần 42.000 thẻ doanh nghiệp đã được Sacombank phát hành.

Bên cạnh đó, Sacombank còn nâng cấp dịch vụ tra cứu giao dịch thanh toán quốc tế qua SWIFT GPI ngay trên website Sacombank và dịch vụ xác thực thông tin người thụ hưởng trước khi thanh toán quốc tế giúp tránh được các sai sót trong việc chuyển tiền ra nước ngoài. Đặc biệt, dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài qua SWIFT GO đã được triển khai cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thủ tục nhanh chóng và chi phí thấp. Chỉ sau tối đa 4 giờ, người thụ hưởng ở nước ngoài có thể nhận tiền tại các ngân hàng có liên kết.

- Ngày 02/8/2024, Sacombank được Vietnam Report vinh danh trong “Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2024” và “Top 10 Ngân hàng TMCP tư nhân Việt Nam uy tín năm 2024”. Cùng ngày, Sacombank được vinh danh ở hạng mục “G - Quản trị doanh nghiệp xuất sắc” tại Lễ công bố “Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu Việt Nam 2024” do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức.

So với năm 2023, Sacombank tăng 10 hạng trong “Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả”, tăng từ hạng 7 lên hạng 6 trong “Top 10 Ngân hàng TMCP tư nhân Việt Nam uy tín”. Có tên trong hai bảng xếp hạng này nhiều năm liền là minh chứng cho việc Sacombank đã không ngừng chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, nhạy bén tận dụng cơ hội để hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh, chuyển đổi số, từ đó củng cố thêm hình ảnh trong mắt công chúng, cổ đông, nhà đầu tư…

- Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên 2024 của JCB, Sacombank được vinh danh tại 3 hạng mục giải thưởng, gồm: Ngân hàng dẫn đầu về Doanh số thanh toán thẻ 2023; Ngân hàng dẫn đầu về Tổng doanh số giao dịch thẻ 2023 và Ngân hàng dẫn đầu về Doanh số giao dịch thẻ tại nước ngoài 2023.

Sacombank đã phát hành chiếc thẻ JCB đầu tiên vào năm 2012, sau 12 năm, Sacombank đã đa dạng thêm các dòng thẻ JCB với nhiều tiện ích vượt trội như Sacombank JCB, Sacombank JCB Ultimate và Sacombank JCB Platinum đi kèm nhiều đặc quyền ưu đãi đẳng cấp từ các đối tác hàng đầu về du lịch, ẩm thực, mua sắm…

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) 

Vietbank mới đây chính thức công bố chương trình khuyến mãi mùa Thu “Quà tặng tiền tỷ - Chào thu hết ý” dành riêng cho các khách hàng cá nhân với tổng giá trị giải thưởng hàng tỷ đồng.

Từ ngày 08/8/2024 đến hết 31/10/2024, với mỗi giao dịch phát sinh trên ứng dụng ngân hàng số Vietbank Digital hoặc tại 118 quầy giao dịch trên toàn quốc thỏa mãn các điều kiện chương trình, khách hàng sẽ nhận tối đa 03 tầng quà tặng: quà tặng hiện vật tại quầy giao dịch, quà tặng công nghệ trên “Vòng quay may mắn” tại app Vietbank Digital và quà tặng may mắn trong chương trình “Quay số may mắn” cuối chương trình.

Chương trình phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi phân khúc khách hàng, với cơ hội nhận e-voucher trị giá 1 triệu đồng khi đăng nhập app Vietbank Digital, thực hiện các “nhiệm vụ hàng ngày” để nhận lượt quay trên “Vòng quay may mắn” trên app Vietbank Digital. Khách hàng giao dịch trực tiếp tại các điểm giao dịch của Vietbank cũng sẽ được nhận quà tặng hiện vật. Đặc biệt, trong 02 ngày 20/10 và Trung thu (17/09), khách hàng còn có cơ hội nhận quà tặng đặc biệt trên “Vòng quay may mắn” tại app Vietbank Digital trị giá 5 triệu đồng...

Ngoài ra, mã số dự thưởng được cấp ngẫu nhiên cho khách hàng khi tham gia chương trình. Với mỗi mã dự thưởng nhận được, khách hàng sẽ có cơ hội trở thành chủ nhân may mắn của các giải thưởng đặc biệt qua kỳ quay số cuối chương trình (dự kiến diễn ra vào ngày 15/11/2024). Đây cũng là điểm nhấn của chương trình.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) 

- Ngân hàng Xuất Nhập khẩu VN vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2024.

Riêng Q2/2024, Eximbank có quý phục hồi so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần tăng 38%, đạt gần 1.512 tỷ đồng. Dù các nguồn thu ngoài lãi sụt giảm như hoạt động kinh doanh ngoại hối (-33%), hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư (lỗ 5 tỷ đồng), Eximbank ghi nhận khoản thu đột biến từ hoạt động khác. Lãi thuần từ hoạt động khác hơn 213 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 21% lên 934 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần thu được gần 1.034 tỷ đồng, tăng 45%. Eximbank dành gần 221 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 24%), ty nhiên, lãi trước thuế vẫn đạt hơn 813 tỷ đồng (tăng 52%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Eximbank thu được hơn 1.474 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5% so với cùng kỳ, mới thực hiện được 28% kế hoạch năm (5.180 tỷ đồng). Cuối Q2, tổng tài sản tăng 5% so với đầu năm, lên 211.999 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 38% (5.599 tỷ đồng), tiền gửi tại TCTD khác giảm 27% (31.542 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 8% (151.327 tỷ đồng)…

Ở phía nguồn vốn, tiền vay NHNN ghi nhận 2.505 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ có gần 20 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4% so đầu năm, lên 163.051 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến 30/6/2024 là 4.002 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nghi ngờ dịch chuyển sang nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm nhẹ từ 2,65% đầu năm xuống còn 2,64%.

- Ngày 01/8/2024, Eximbank nhận giải thưởng “Ngân hàng dẫn đầu về Doanh số thanh toán thẻ 2023” do JCB trao tặng. Eximbank tiếp tục khẳng định bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển các sản phẩm độc đáo dành cho phân khúc khách hàng cao cấp với JCB Ultimate và JCB Platinum Travel Cash Back, cùng thiết kế sang trọng và nhiều ưu đãi hấp dẫn, đóng góp đáng kể vào doanh số giao dịch thẻ JCB.

Ngân hàng TNHH Indovina (IVB)

Ngân hàng TNHH Indovina vừa công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi, cho vay bình quân và các lãi suất khác có hiệu lực từ ngày 08/8/2024 (số liệu cập nhật đến 31/7/2024) như sau: Lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân (ngắn hạn) là 6,72% (tăng 0,28%), trung dài hạn là 9,54% (giảm 0,2%); Lãi suất cho vay bình quân với khách hàng doanh nghiệp (ngắn hạn) là 5,95% (giảm 0,09%), trung dài hạn là 9,71% (giảm 0,1%); Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 3,16% (giảm 0,23%). 

Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank)

- Ngân hàng Shinhan và Tổng Công ty Bảo hiểm PVI vừa chính thức ký kết hợp tác chiến lược, nhằm quảng bá và phân bố rộng rãi các sản phẩm Bảo hiểm PVI đến khách hàng thuộc mạng lưới của Ngân hàng Shinhan. Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết, các sản phẩm bảo hiểm sẽ được triển khai thông qua mạng lưới 51 chi nhánh của Ngân hàng Shinhan trên toàn quốc, giúp khách hàng của Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam tiếp cận đa dạng các dịch vụ bảo hiểm mới với chuyên môn bảo hiểm của Bảo hiểm PVI.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang đứng trước những sự thay đổi và phát triển theo hướng bền vững hơn. Theo Báo cáo số liệu từ cơ quan quản lý 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, các chỉ tiêu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.800 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ và kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu năm 2024. Kết thúc Q2/2024, Bảo hiểm PVI tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và tổng doanh thu đạt 12.016 tỷ đồng, tăng trưởng 65,7%.

- Ngân hàng Shinhan và Trung tâm Sinh hoạt và Chăm sóc người cao tuổi Genki (“Genki House”) chính thức hợp tác về việc triển khai chương trình hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng Shinhan để thanh toán các dịch vụ tại Genki House.

Trong khuôn khổ hợp tác lần này, Ngân hàng Shinhan và Genki House sẽ phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ tài chính với lãi suất 0%, dành cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng Shinhan thanh toán cho các gói dịch vụ tại Genki House. Chương trình hỗ trợ tài chính hướng đến mục tiêu hỗ trợ khách hàng trong việc phân bổ tài chính linh hoạt, phù hợp với khả năng tài chính cá nhân, đồng thời vẫn tận hưởng được những dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng, đạt chuẩn tại Genki House. Genki House được xây dựng như một môi trường sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe thể chất, cũng như tinh thần phù hợp cho người cao tuổi với đa dạng hoạt động về trí lực, thể lực, thiền định, yoga, chăm sóc dinh dưỡng, kết nối - chia sẻ... được thiết lập theo lịch trình cụ thể, nhằm tăng cường thể lực và ngăn ngừa các hội chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Genki House còn sở hữu đội ngũ y bác sỹ, y tá và điều dưỡng tận tâm được đào tạo chuyên nghiệp để chăm sóc và điều trị riêng cho người cao tuổi.

- Ngân hàng Shinhan Việt Nam mới công bố về việc nam diễn viên Kim Soo Hyun chính thức trở thành gương mặt đại diện của Ngân hàng từ tháng 8/2024. Với việc lựa chọn Kim Soo Hyun làm gương mặt đại diện kết hợp cùng hình ảnh của các nhân vật Shinhan Friends, Ngân hàng Shinhan mong muốn nhấn mạnh hình ảnh của một ngân hàng đáng tin cậy, chuyên nghiệp và thân thiện, sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng trong mọi kế hoạch tài chính.

Trước đó, Tập đoàn tài chính Shinhan Hàn Quốc (SFG) cũng đã chính thức công bố về việc sử dụng hình ảnh nam diễn viên Kim Soo Hyun làm gương mặt đại diện cho toàn tập đoàn, đánh dấu bước đổi mới trong chiến lược thương hiệu của SFG. Kim Soo Hyun là một trong những nam diễn viên có sức ảnh hưởng tại Hàn Quốc, ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng danh giá. Tên tuổi của “nam thần” Kim Soo Hyun được người hâm mộ biết đến qua nhiều bộ phim nổi tiếng, gần đây nhất là bộ phim “Nữ hoàng nước mắt” đang thu hút hơn 3,4 triệu người xem, trong đó có thị trường Việt Nam.

                                                                                                    VPĐD TP.HCM

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay