Thứ hai, 17/06/2024
   

Hoạt động của các TCTD hội viên khu vực phía Nam tuần từ 29/01 đến 02/02/2024

Tổng hợp thông tin về tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, khu vực phía Nam, từ 29/01 đến ngày 02/02/2024, cho thấy các tổ chức tín dụng tập trung vào tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, phát triển khách hàng và sản phẩm dịch vụ. Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nợ xấu tạo đà phát triển ổn định cho chặng đường mới.
hoạt động
Tổng hợp hoạt động của các TCTD hội viên khu vực phía Nam tuần từ 29/01 đến ngày 02/02/2024

Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB)

Tuần qua, CB tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng và hoạt động kinh doanh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Năm 2023, bám sát chỉ đạo của NHNN và với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, CB đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị năm 2023, không ngừng “vượt khó”, phát triển hoạt động kinh doanh, duy trì tăng trưởng, giữ vững niềm tin khách hàng, ổn định đời sống cán bộ, nhân viên.

Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2023, CB đã đạt được một số kết quả nhất định như: đảm bảo chỉ tiêu thu nhập từ lãi, đảm bảo thanh khoản, công tác thu hồi nợ tiếp tục được củng cố và đạt kết quả tốt, tỷ lệ nợ xấu giảm, phát triển các kênh kinh doanh đa dạng…

Bên cạnh đó, CB cũng không ngừng nâng cao mô thức quản trị và chuyển đổi số. Đặc biệt trong tháng 12/2023, CB đã chuyển đổi thành công, đưa vào vận hành chính thức hệ thống Core Banking sau nâng cấp và hơn 100 hệ thống vệ tinh nhằm mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn đến khách hàng.

Năm 2024, CB tập trung các giải pháp xoay quanh các vấn đề chính như: tập trung tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; phát triển khách hàng và sản phẩm dịch vụ; tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nợ xấu, quản lý chi phí hoạt động gắn liền với hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án chuyển giao theo định hướng của NHNN; phát triển cho vay bán lẻ bền vững tiếp tục là trọng tâm song song với mảng bán buôn; áp dụng mô hình kinh doanh mới trên nền tảng theo hướng chuyển đổi số, phù hợp với thông lệ quốc tế…

Theo đó, CB đã đa dạng hóa nguồn thu từ các hoạt động bán lẻ, bán buôn, kinh doanh vốn, bảo hiểm, thu hồi nợ. Từ đó, tạo đà tích lũy giá trị, trang trải chi phí từ nguồn thu lợi nhuận kinh doanh.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố của ACB, năm 2023, hoạt động chính của ACB chỉ tăng 6% so với năm trước khi thu được 24.960 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu là 24%, nhờ vậy, áp lực lên mảng thu nhập từ lãi giảm.

Trong đó, dịch vụ mua bán ngoại tệ và đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập của ACB. Đáng chú ý, mua bán chứng khoán kinh doanh chuyển từ lỗ sang lãi hơn 168 tỷ đồng; mua bán chứng khoán đầu tư lãi đột biến 2.647 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ thu được gần 21 tỷ đồng.

Năm 2023, ACB đã dành ra 1.804 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, (trong khi năm 2022 chỉ trích 71 tỷ đồng). Tuy nhiên, ngân hàng vẫn lãi trước thuế trên 20.068 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, hoàn thành kế hoạch năm 2023 (20.058 tỷ đồng). Tỷ lệ ROE ở mức gần 25%.

Đáng chú ý, khoản lãi từ chứng khoán đầu tư hơn 1.358 tỷ đồng “gánh” cả Q4/2023 của ACB khi hầu hết các nguồn thu đều sụt giảm. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế tăng 40% so với cùng kỳ, đạt 5.049 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ACB mở rộng 18% so với đầu năm, lên mức 718.794 tỷ đồng. Quy mô tín dụng đạt gần 488 nghìn tỷ đồng, tăng 18%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 10 năm trở lại đây của ACB. Gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng doanh số giải ngân gần 1,9 nghìn tỷ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng dư nợ 2,2 nghìn tỷ.

Quy mô huy động năm 2023 của ACB đạt gần 483 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh mẽ và về đích với mức 22%. Nếu không tính gần 4.575 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS, tính đến ngày 31/12/2023, tổng nợ xấu của ACB ghi nhận 5.887 tỷ đồng, tăng 93% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,74% đầu năm lên 1,22%.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank)

Ngày 25/01, DongA Bank đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2024, nhằm tổng kết, đánh giá lại hoạt động trong năm 2023, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh trong năm 2024.

Theo đó, năm 2023, DongA Bank đã đạt được một số kết quả khả quan như: Huy động vốn đạt 104% kế hoạch, tăng gần 13% so cùng kỳ. Trong đó, riêng tiền gửi khách hàng tăng 15,8% (nguồn tiền gửi trung và dài hạn chiếm tỷ trọng hơn 34,2%), giúp DongA Bank đảm bảo được nguồn vốn bền vững. Các tỷ lệ an toàn thanh khoản, khả năng chi trả của DongA Bank đều cao hơn quy định.

Dư nợ cho vay cũng đạt gần 98% kế hoạch năm, tăng gần 10% so với năm 2022. Riêng dư nợ cho vay khách hàng nông nghiệp nông thôn tăng hơn 14%, theo đúng định hướng tăng trưởng dư nợ các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, DongA Bank cũng chủ động triển khai các chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; chương trình cấp tín dụng hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ; cho vay tiêu dùng, góp phần xóa bỏ tín dụng đen.

Đặc biệt, DongA Bank đã chủ động tiết kiệm chi phí, điều hành lãi suất huy động linh hoạt bám sát thị trường, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay thành nhiều đợt để hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, đã triển khai chương trình cho vay lãi suất ưu đãi “An cư cùng DongA Bank” và thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách hàng, với kết quả giải ngân đạt 95% hạn mức của chương trình.

Đáng chú ý, năm 2023, DongA Bank tiếp tục nâng số lượng khách hàng sử dụng Ebanking lên hơn 2,44 triệu khách hàng và số lượng khách hàng đăng ký thanh toán tự động đạt hơn 309,4 nghìn khách hàng. Để DongA Bank có được kết quả này là nhờ những nỗ lực cung ứng các sản phẩm dịch vụ trực tuyến, mở rộng đối tác thanh toán, tăng cường các hoạt động thu/chi hộ.

Cụ thể, trong năm 2023, DongA Bank đã bổ sung thêm 47 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn online (điện, nước, viễn thông, Internet, truyền hình,…); Triển khai dịch vụ Nạp tiền vào tài khoản giao thông VETC và VDTC; Nạp tiền vào tài khoản Data 3G/4G với công ty VNPAY; Hướng dẫn tạo mã QR để nhận tiền chuyển khoản thông qua chuyển tiền nhanh 247 của Napas…

Đáng chú ý, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, DongA Bank đã hoàn thành lắp đặt 300 máy ATM thế hệ mới là dòng máy H22VL và H68VL, đưa tổng số lượng máy ATM của DongA Bank lên con số hơn 730 máy. Ngoài ra, DongA Bank dự kiến tiếp tục lắp đặt thêm 150 máy ATM hiện đại trong thời gian tới.

Trước đó, trong năm 2021 và 2022, ngân hàng cũng đã lắp đặt 150 máy ATM mới để nâng cấp hệ thống ATM. Như vậy, các dòng máy ATM của ngân hàng hiện nay phần lớn là các dòng máy mới hiện đại, thay thế cho các dòng máy cũ trước đây.

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank)

Ngay đầu năm 2024, KienlongBank đã triển khai chương trình ưu đãi 0% lãi suất cho vay. Theo báo cáo tài chính KienlongBank vừa công bố cho thấy, Q4/2023, đã ghi nhận sự khởi sắc trong tổng thể bức tranh tài chính của ngân hàng.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của KienlongBank đạt 86.972 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cuối năm trước; tiền gửi khách hàng đạt 56.897 tỷ đồng, tăng 3,2%; dư nợ tín dụng đạt 52.580 tỷ đồng, tăng 8,1% (trong đó cho vay khách hàng 51.783 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cuối năm 2022).

Trong Q4/2023, KienlongBank ghi nhận lãi thuần đạt 542,6 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 144,6 tỷ đồng, trong khi lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư lần lượt mang về 22,3 tỷ và 31,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, lãi thuần và lãi từ dịch vụ giảm nhẹ nhưng mảng kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư lại bứt phá mạnh mẽ (cùng kỳ năm ngoái lỗ). Lợi nhuận trước thuế trong quý cuối năm 2023 đạt 79,5 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận trong năm 2023 lên 719 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm.

Năm 2023 là năm ghi nhận những nỗ lực chung tay của KienlongBank trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi 8 lần liên tục giảm lãi suất cho vay với tổng mức giảm trên 3%, vượt mục tiêu mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề ra (từ 1,5 - 2%).

Tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank duy trì ở mức dưới 1,5%, thuộc nhóm thấp trên thị trường. Trong Q4/2023, KienlongBank trích lập 229 tỷ dự phòng, thực hiện bao phủ nợ xấu, nỗ lực kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức quy định, đồng thời giảm áp lực dự phòng cho các năm tới, giảm tác động của nợ xấu trong tương lai.

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)

Ngân hàng TMCP Nam Á vừa công bố kết quả kinh doanh Q4 và cả năm 2023, hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng năm 2023, vào top 12 ngân hàng TMCP có tốc độ tăng trưởng tốt nhất và tạo đà phát triển ổn định cho chặng đường mới; là ngân hàng duy nhất được HOSE chấp thuận niêm yết trong năm 2023.

Tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của NAB đạt hơn 210.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm, nằm trong nhóm 20 ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống. Huy động vốn đạt gần 165.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm, dư nợ cho vay đạt gần 142.000 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với đầu năm. Điểm tích cực là NIM tiếp tục ổn định ở mức trên 3,3% trong bối cảnh biên lãi suất huy động và cho vay thu hẹp, nhờ vào các giải pháp tối ưu cơ cấu tài sản sinh lãi và cơ cấu huy động.

Số lượng khách hàng và user banking ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá so với đầu năm 2023: lượng khách hàng active tăng 85,3% so cùng kỳ, chỉ tiêu user banking tăng gần 95%. Với việc đáp ứng hầu hết các giao dịch ngân hàng, kể cả ngày Lễ Tết, điểm giao dịch số tự động Onebank 365+ đã tạo được những kết quả ấn tượng: huy động vốn đạt hơn 170%, khách hàng active tăng 240,3%, user banking tăng gần 200% so đầu năm.

Kết thúc năm 2023, nợ xấu nội và ngoại bảng của NAB là 2,11%. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.600 tỷ đồng (tăng hơn 30%), lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt gần 600 tỷ đồng (tăng 116%), lãi thuần từ hoạt động khác đạt hơn 330 tỷ đồng (tăng 10,1%)… Từ đó, giúp lợi nhuận trước thuế năm 2023 của NAB đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 50% so cùng kỳ năm 2022, góp phần tạo đà để Nam A Bank vào top 12 ngân hàng tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023.

Các chỉ số về an toàn trong hoạt động vượt xa mức quy định của NHNN. Nam A Bank cũng đã tuân thủ các chỉ số thanh khoản, đạt tiêu chí của Basel III. Năm 2023, Ngân hàng đã củng cố thêm các cấu phần tiên tiến nhất của Basel cũng như chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Cụ thể, Nam A Bank đã công bố hoàn thành triển khai cấu phần rủi ro tín dụng theo phương pháp xếp hạng tín dụng nội bộ Basel II - FIRB và tiếp tục hoàn thành xây dựng các phương pháp luận, công cụ theo chuẩn mực Basel III - Reforms. Nam A Bank và Ernst & Young Việt Nam đã tổ chức lễ bàn giao giao phẩm dự án triển khai chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS...

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM công bố báo cáo tài chính Q4/2023 với toàn bộ các chỉ tiêu tăng trưởng cao theo kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 13.017 tỷ đồng, tăng 27%. Nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,5%, các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng trong nhóm dẫn đầu.

Lợi nhuận trước thuế trong Q4/2023 đạt 4.385 tỷ đồng, tăng 95% so cùng kỳ, cả năm 2023 đạt 13.017 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay của HDBank. Các chỉ tiêu sinh lời ROA đạt 2%, ROE đạt 24,2%, đều cao hơn cùng kỳ và trong nhóm dẫn đầu toàn ngành. Ngân hàng tăng trích lập dự phòng để củng cố bộ đệm tài chính. An toàn vốn CAR đạt 12,6%, đạt 150% so với quy định.

Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản HDBank đạt trên 602 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so năm 2022. Huy động vốn đạt 537 nghìn tỷ đồng, tăng 46,5%. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt 353 nghìn tỷ đồng, tăng 32%.

Năm 2023, kênh ngân hàng số tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng khách hàng mới và số lượng giao dịch, tăng lần lượt 107% và 88% so cùng kỳ năm trước. 94% giao dịch của khách hàng cá nhân được thực hiện trên kênh số, cao hơn đáng kể so với tỉ lệ 77% trong năm 2022. Lần đầu tiên, số lượng khách hàng mới được thu hút trên kênh số đã vượt số lượng khách hàng mới của kênh truyền thống.

HDBank là ngân hàng có thập kỷ tăng trưởng cao liên tục trong ngành ngân hàng. Tính bình quân 10 năm qua, HDBank đạt mức tăng trưởng lợi nhuận kép 49,1% mỗi năm. Để duy trì động lực tăng trưởng bền vững trong suốt thời gian dài, một mặt HDBank kiên định với chiến lược bán lẻ đa năng, SME và tài chính tiêu dùng, mặt khác tích cực ứng dụng những chuẩn mực quốc tế tốt nhất trong quản trị ngân hàng hiện đại. HDBank đã tiên phong triển khai Basel II và năm 2023 tiếp tục nâng cấp lên chuẩn mực quản trị quốc tế Basel III đồng thời triển khai chiến lược ESG.

Năm 2023 cũng đánh dấu chặng đường 10 năm HDBank sáp nhập DaiABank và mua lại công ty tài chính tiêu dùng Societe Generale Viet Finance (SGVF), tiền thân của HD SAISON ngày nay. Những dự án tái cấu trúc các định chế tài chính thành công này đã tạo đà cho hành trình tăng trưởng mạnh mẽ của HDBank, mở rộng địa bàn tới khu vực đô thị loại hai, nông thôn cho các chương trình tài trợ chuỗi và đáp ứng hiệu quả nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân, người lao động chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

Theo kết quả báo cáo tài chính năm 2023 vừa được OCB công bố, tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của OCB đạt 239.454 tỷ đồng, tăng 23% so năm 2022. Tổng huy động thị trường 1 đạt 168.112 tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ. Dư nợ thị trường 1 tăng 21% so năm 2022, đạt 148.005 tỷ đồng, thực hiện 100% kế hoạch năm. Cho vay khách hàng đạt 144.849 tỷ, hoàn thành 101% kế hoạch, tăng 21% so cùng kỳ. Đặc biệt, OCB là một trong số ít các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mặt bằng chung toàn ngành.

Vốn chủ sở hữu tăng 16% so cùng kỳ khi đạt 29.411 tỷ đồng.

Năm 2023, cũng là năm OCB đạt dấu mốc đầy ấn tượng khi tăng vốn điều lệ thành công lên 20.548 tỷ đồng (tăng 6.849 tỷ đồng). Với việc thành công tăng trưởng vốn điều lệ, OCB chính thức nằm trong nhóm Top ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Đồng thời, là một trong những ngân hàng tăng trưởng vốn điều lệ mạnh nhất trong năm nay, với lợi nhuận trước thuế đạt 5.227 tỷ đồng, tăng 19% so năm 2022.

Tổng thu thuần tăng 12% đạt 9.525 tỷ, trong đó thu thuần từ lãi đạt 7.291 tỷ. Thu thuần ngoài lãi có sự tăng trưởng trở lại so với năm 2022 khi tăng 41%, đạt 2.234 tỷ đồng. Thu thuần dịch vụ đạt 882 tỷ đồng, nổi bật là ngân hàng số OCB OMNI và mảng dịch vụ Thẻ. Tổng số lượng người dùng OCB OMNI tăng 28% so với 2022; số lượng giao dịch đã được thực hiện trong năm 2023 tăng 61% so với 2022; tổng số lượng tiền gửi huy động tăng 23% so cùng kỳ.

Trong đó, mảng dịch vụ thẻ có bước tăng trưởng đột phá tính từ thời điểm 3 năm trở lại đây, với tổng số lượng thẻ phát hành tăng trưởng 348% so với năm 2020 và đạt kỳ vọng tăng 93% ở các dòng thẻ ghi nợ khi so sánh với cùng kỳ 2022. Các chỉ số doanh số giao dịch thẻ tín dụng, dư nợ thẻ tín dụng, tổng thu thuần đều ghi nhận mức tăng trưởng dương so với năm 2022, cụ thể đạt tỷ lệ gia tăng lần lượt là 97%, 31% và 64%.

Bên cạnh đó, OCB cũng tiết giảm chi phí, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay khi CIR (chi phí/doanh thu) giảm còn 33% trong khi năm 2022 là 36%. Vì vậy, OCB được đánh giá là một trong số ít các ngân hàng kinh doanh khởi sắc và kiểm soát tốt chi phí trong năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu của OCB luôn được kiểm soát, đảm bảo đáp ứng quy định của NHNN.

Nếu so sánh với thời kỳ lãi suất cao nhất của năm 2023, thì thời điểm gần cuối năm, gần như khách hàng được giảm lãi suất trung bình khoảng 50%. Ví dụ trung bình đầu năm khách hàng vay 12%, thì bây giờ có thể vay ở khoảng 6 - 7%.

Song song đó, các chỉ số tăng trưởng, quy mô tài sản và quản trị rủi ro luôn được đảm bảo, do vậy tháng 11/2023, OCB tiếp tục góp mặt trong bảng xếp hạng Top 500 ngân hàng mạnh nhất Châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 2024, OCB sẽ công bố chiến lược kinh doanh phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội và quản trị minh bạch; đưa các nội dung này thành chiến lược tổng thể, xây dựng thành khung ESG để điều chỉnh tất cả các sản phẩm OCB đưa ra thị trường, góp phần xây dựng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

Theo BCTC hợp nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín vừa công bố, tính chung cả năm 2023, hoạt động chính của Sacombank tăng đến 29% so năm trước khi đạt 22.072 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm so với năm trước. Lãi từ dịch vụ chỉ 2.618 tỷ đồng, giảm 50%. Song song đó, khoản thu nhập khác ghi nhận 327 tỷ đồng, giảm đến 88%.

Trong năm, Ngân hàng trích 3.688 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 58% so với năm trước, do đó Sacombank lãi trước thuế 9.595 tỷ đồng, tăng 51%, hoàn thành kế hoạch năm (9.500 tỷ đồng).

Tổng tài sản Ngân hàng tại cuối năm 2023 là 674.389 tỷ đồng, mở rộng 14% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại các TCTD khác gấp 2 lần đầu năm, tăng lên 50.114 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 10% lên mức 482.731 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tiền gửi và vay Chính phủ, NHNN chỉ còn hơn 19 tỷ đồng, trong khi đầu năm đến 9.901 tỷ dồng. Tiền gửi tại các TCTD khác tăng 60% (34.386 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng tăng 12% (510.744 tỷ đồng).

Không tránh khỏi tình hình chung của cả hệ thống ngân hàng, nợ xấu của Sacombank cũng tăng lên 10.984 tỷ đồng, gấp 2,5 lần đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng mạnh từ mức 0,98% đầu năm lên 2,28%.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank)

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín vừa công bố BCTC hợp nhất Q4/2023.

Quý 4, thu nhập lãi thuần tăng 55% so với cùng kỳ, đạt gần 724 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ giảm 31% còn gần 26 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập dịch vụ giảm (thu nhập từ đại lý bảo hiểm, thu nhập từ quản lý tài khoản), trong khi chi phí từ dịch vụ tăng (chủ yếu do chi phí dịch vụ ngân hàng số).

Đáng chý ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 7 tỷ, do tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Mua bán chứng khoán đầu tư mang về khoản lãi hơn 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ thua lỗ.

Trong Q4, Ngân hàng giảm 75% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ trích gần 23 tỷ đồng, do Vietbank kiểm soát các khoản vay, xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ xấu. Kết quả, Ngân hàng lãi trước thuế gần 394 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2023, Vietbank cũng giảm 63% chi phí dự phòng so với năm trước (còn 111 tỷ đồng), do vậy Ngân hàng lãi trước thuế hơn 812 tỷ đồng, tăng 24% so cùng kỳ, thực hiện 85% kế hoạch năm (960 tỷ đồng).

Tổng tài sản đến cuối năm 2023 ghi nhận hơn 138.258 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN gấp 5 lần (9.408 tỷ đồng), tiền gửi tại TCTD khác tăng 53% (26.547 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 27% (80.754 tỷ đồng).

Ở phần còn lại của bảng cân đối kế toán, các khoản nợ Chính phủ, NHNN chỉ còn ghi nhận hơn 9 tỷ đồng, trong khi đầu năm là 12.662 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác tăng 24% lên 23.139 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng chỉ tăng 17% lên mức 89.995 tỷ đồng.

Chất lượng nợ vay cải thiện góp thêm điểm sáng vào bức tranh kinh doanh của Vietbank, khi nợ xấu tại ngày 31/12/2023 giảm 11% so với đầu năm còn hơn 2.071 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 3,65% đầu năm xuống còn 2,56%.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)

Từ 01/02/2024, Website Eximbank được thay đổi giao diện theo hướng hiện đại, hỗ trợ trải nghiệm người dùng. Được thiết kế với quy chuẩn nhận diện của thương hiệu Eximbank, website có giao diện trực quan, thân thiện với tất cả phân khúc khách hàng.

Tại Website mới người dùng có thể bao quát tất cả các nhóm sản phẩm, dịch vụ nổi bật của Eximbank ngay tại trang chính. Các công cụ, tiện ích hỗ trợ được sắp xếp theo tần suất sử dụng, mức độ quan tâm dựa trên kết quả khảo sát thực tế về hành vi, tâm lý và mong muốn của người dùng trong thời gian qua. Công nghệ cũng là điểm nhấn trên website mới với tốc độ truy cập được cải thiện, hỗ trợ nhiều tiến băng. Đồng thời, tích hợp nhiều công cụ để cá nhân hóa trải nghiệm trên nền tảng.

Ngày 31/01/2024, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam thông báo đã nhận được đơn từ nhiệm của bà Lê Thị Mai Loan khỏi vị trí Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) vì lý do cá nhân.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Eximbank diễn ra ngày 14/02/2023 đã thông qua bầu bà Lê Thị Mai Loan vào Hội đồng quản trị nhiệm VII (20220-2025) cùng với ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng, trong đó, ông Thắng là thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Bà Lê Thị Mai Loan được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Eximbank từ ngày 27/02/2023. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng bà Loan nộp đơn xin từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc từ ngày 17/4/2023, sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Bất ngờ, sau đó Hội đồng quản trị Eximbank bầu lại bà Lê Thị Mai Loan vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Eximbank từ ngày 25/5/2023. Như vậy bà Loan đã quay trở lại vị trí này chỉ sau hơn 1 tháng từ nhiệm.

Hiện nay, bà Lê Thị Mai Loan chỉ còn đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc tại Eximbank. Theo chia sẻ với phóng viên, bà mong muốn tập trung thời gian, đóng góp cho công tác điều hành, hướng đến mục tiêu chung đưa Eximbank trở lại vị thế vốn có của mình trên thị trường tài chính.

VP TPHCM

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay