Thứ ba, 21/01/2025
   

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị “Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN"

Ngày 12/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Hội nghị “Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN” tới các Tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm trao đổi về thực tiễn triển khai xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tham dự hội nghị, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc; Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán; Ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng phụ trách (Cục Công nghệ thông tin).

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) có ông Trần Văn Tần - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng; Ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ; Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng; Ông Trần Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội Thẻ.

Về phía Bộ Công an có Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh - Giám đốc Trung tâm dữ liệu Quốc gia dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06); Đại tá Hoàng Ngọc Bách - Trưởng phòng 4 (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - A05) cùng các cán bộ nhân viên Cục công nghệ thông tin, Vụ thanh toán (NHNN), đại diện A05, C06 (Bộ Công an); Đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD), trung gian thanh toán là hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Ông Trần Văn Tần
Ông Trần Văn Tần - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Tần - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh tình hình an ninh mạng trên thế giới và tại Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng, ngành Ngân hàng, tài chính luôn là đích nhắm hàng đầu của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Thời gian qua, khi số lượng các vụ gian lận và lừa đảo giao dịch trực tuyến ngày càng tăng, với các thủ đoạn tinh vi, khó lường, việc triển khai giải pháp bảo đảm an toàn, nâng cao tính bảo mật trong thanh toán trực tuyến được xem là rất cần thiết.

Do đó, ngày 18/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2024. Quyết định này là đòn bẩy, thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) liên quan đến nhận diện sinh trắc học, nhằm tuân thủ và đơn giản hoá quy trình định danh khách hàng.

Theo Quyết định 2345, đến ngày 1/7/2024, đối với các giao dịch chuyển tiền giá trị trên 10 triệu đồng, khách hàng đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của Quyết định 2345/QĐ-NHNN, các tổ chức ngân hàng - tài chính và trung gian thanh toán cần thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu sinh trắc học được kiểm tra chéo với dữ liệu trong chip thẻ Căn cước công dân (CCCD) của khách hàng do cơ quan công an cấp. 

Đối với khách hàng mới, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần thu thập thông tin sinh trắc học đủ 2 bước là xác thực khuôn mặt và so khớp với dữ liệu của Bộ Công an. 

Đối với khách hàng hiện hữu, phải gấp rút kiểm tra tính đầy đủ của dữ liệu, nhanh chóng cập nhật và làm sạch dữ liệu của khách hàng nhằm ngăn chặn rủi ro gian lận. Song song với đó, các giải pháp xác thực sinh trắc học phải dễ sử dụng, dễ tích hợp trên các thiết bị như di động, máy tính hoặc tại quầy, để đảm bảo sự thuận tiện cho khách hàng.

Ông Tần chia sẻ, hiện nay, các ngân hàng đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm tích hợp giải pháp xác thực, định danh khách hàng qua CCCD gắn chip trong 1 số hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là hoạt động định danh, xác thực điện tử và mở tài khoản thanh toán bằng phương thức eKYC. Tuy nhiên, các giải pháp kỹ thuật triển khai kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID), CCCD gắn chip chủ yếu mới hoàn thành công tác triển khai thử nghiệm, hiện đang bước đầu cung cấp dịch vụ thông qua một số tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Công an (C06) cấp phép. 

Một số TCTD còn khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý dữ liệu, chi phí triển khai… Các ngân hàng cũng đang gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, song hiện tại tốc độ còn chậm do khách hàng còn chưa nắm rõ về quy định mới và cung cấp dữ liệu cho ngân hàng. Dự báo lượng khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học có thể sẽ tăng đột biến vào 1/7/2024, có thể ảnh hưởng đến hệ thống đối soát thông tin từ cơ sở dữ liệu CCCD và trải nghiệm khách hàng của ngân hàng.

Ông Tần mong muốn, thông qua hội nghị, các đơn vị TCTD trao đổi cởi mở về các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai vào thực tiễn để cùng thảo luận, tìm ra hướng giải quyết, cùng làm rõ cách hiểu và áp dụng quy định tại quyết định 2345 một cách hiệu quả.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ, khi triển khai Quyết định 2345 cần đảm bảo an ninh, an toàn bảo vệ khách hàng. Ông cho rằng, thời gian gần đây, vấn nạn lừa đảo nhắm đến các tài khoản ngân hàng đã gây thiệt hại nặng nề cho khách hàng cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành Ngân hàng

Để ngăn chặn vấn nạn trên, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp, có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tăng cường các biện pháp bảo mật, đảm bảo an toàn cho các giao dịch thanh toán, điển hình là Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. 

Tại hội nghị, ông Dũng cũng hy vọng các cơ quan quản lý, Bộ Công an lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng để triển khai Quyết định 2345 vào ngày 01/7. Ngân hàng Nhà nước ghi nhận tiếp thu các ý kiến đóng góp, Cục Công nghệ thông tin có báo cáo cụ thể về lộ trình khó khăn vướng mắc của các ngân hàng. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh mỗi người phải nâng cao vai trò trách nhiệm và quyết tâm thực hiện Quyết định 2345 chứ không được bàn lùi. 

Hội nghị Triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN
Quang cảnh hội nghị

Trình bày tại hội nghị, ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều tài khoản ngân hàng đang bị kẻ gian mở bằng các giấy tờ giả mạo, nhiều tài khoản bị thuê, mua trái phép... khiến cho kẻ gian dễ dàng luân chuyển dòng tiền. Chính vì thế, Quyết định 2345 sẽ giúp làm "sạch" dữ liệu, làm "sạch" các tài khoản không chính chủ, tài khoản giả mạo, ngăn chặn dòng tiền không xác thực, dọn dẹp "tài khoản rác", hạn chế tối đa việc kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ông Trần Công Quỳnh Lân
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an (Thư ký tổ công tác triển khai đề án 06/CP) đánh giá, Quyết định 2345 là một bước đột phá, một định hướng đầu tiên dựa trên cơ sở kho dữ liệu quốc gia về căn cước công dân. Ông Tấn nhấn mạnh với nền tảng của hệ thống VNeID hiện nay có thể đáp ứng được việc triển khai sinh trắc học. Bên cạnh đó đã có Trung tâm dữ liệu quốc gia đồng hành với các ngân hàng, giải quyết các vấn đề khó khăn và lan tỏa trên tinh thần chung bảo vệ tài sản cho người dân.

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an (Thư ký tổ công tác triển khai đề án 06/CP)
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an (Thư ký tổ công tác triển khai đề án 06/CP)

Ông Tấn cũng đề nghị các ngân hàng đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần tập hợp nội dung tuyên truyền để Bộ Công an đưa lên hệ thống VNeID. Với số lượng người truy cập lớn, cần truyền thông sớm cũng như Ngân hàng Nhà nước cần có các kịch bản ứng phó, giải quyết tình huống phát sinh sau ngày 01/7, thành lập tổ ứng phó tại ngân hàng và Trung tâm Dữ liệu Quốc gia.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lưu ý các TCTD cần kiểm tra, cập nhật, đảm bảo thông tin khách hàng cung cấp để xác thực là chính xác và còn hiệu lực. Bên cạnh đó, ông Tuấn nhấn mạnh mục tiêu chống lừa đảo, gian lận qua kênh chuyển tiền khi triển khai Quyết định 2345. Bởi theo ông Tuấn, kênh thanh toán sẽ xác định được điểm đi, điểm đến và dịch vụ cung cấp rõ ràng, còn chuyển tiền thì khó xác định hơn.

Tại hội nghị, các TCTD, trung gian thanh toán, ngân hàng nước ngoài cũng đã có những trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi tới đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, cơ quan ban ngành trong việc triển khai thực hiện Quyết định 2345 nhằm giảm bớt tội phạm tài chính, bảo vệ tối đa tài sản cho người dân, tránh thiệt hại không đáng có.

Ngọc Anh
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay