Thứ năm, 19/12/2024
   

Hiệp hội Ngân hàng góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39

Ngày 29/03/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức họp góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Thông tư 39/2016/TT-NHNN
TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Đây là cuộc họp giữa đại diện các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với đại diện cơ quan soạn thảo dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN là Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.

Tham dự cuộc họp, về phía Hiệp hội Ngân hàng, có TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng; cùng đại diện các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham dự trực tiếp và trực tuyến;

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ; cùng đại diện Vụ Pháp chế; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế. Ngoài ra, còn có đại diện của nhóm chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc Hiệp hội Ngân hàng tổ chức cuộc họp sớm giữa đại diện các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với đại diện cơ quan soạn thảo dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN nhằm tổng hợp các ý kiến hội viên về dự thảo một cách đầy đủ và toàn diện hơn, bởi dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39 rất quan trọng, là văn bản "xương sống" trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới. Cho nên, dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39 gắn liền với cả lợi ích của chính các tổ chức tín dụng nhưng cũng phải đảm bảo tuân thủ quy định và pháp luật. Qua đó, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích và quản trị để hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng đạt hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39 phải gắn liền với hoạt động cho vay theo phương thức điện tử cùng Luật giao dịch điện tử cũng có hiệu lực từ 1/7/2024. Tuy nhiên, Nghị định hướng dẫn về Luật giao dịch điện tử, đến nay vẫn chưa có. Như vậy, cần phải trao đổi, nghiên cứu để dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39 khi được chính thức ban hành có thể thực hiện được mà không bỏ sót kẽ hở.

"Cái gì pháp luật không cấm thì chúng ta làm và chúng ta sẽ quản trị bằng những biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ khác để đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả" TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh thêm

Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, các tổ chức tín dụng cần nêu ra những đề xuất góp ý, ngắn gọn, đầy đủ, cũng như chỉ rõ các điểm cần bổ sung thêm để ban soạn thảo có cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa. Đồng thời, cũng giúp ban hành dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39 khả thi, phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Thông tư 39
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc Bộ Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc Bộ Pháp chế Ngân hàng đã trình bày các ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39.

Một là, về nguyên tắc cho vay theo dự thảo tại khoản 2 điều 4 thông tư 39 quy định: “Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay, phí đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng”.

Bởi vì, có một số trường hợp là hoàn trả gốc lãi vào chi phí khác liên quan đến chi phí về sử dụng tài sản bảo đảm, tiền phạt, bồi thường, phát sinh thực tế trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng và các bên được quyền thỏa thuận để thanh toán. Trong đó, về mặt nguyên tắc, trách nhiệm của khách hàng đối với khoản vay là khách hàng phải hoàn trả đầy đủ.

Hai là, về khoản cho vay có giá trị nhỏ trong dự thảo Thông tư có bổ sung khoản 13 Điều 2 của Thông tư 39 như sau: “Khoản cho vay có mức giá trị nhỏ là khoản cho vay theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật các tổ chức tín dụng và không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam”.

Theo đó, đề nghị nâng mức khoản vay có giá trị nhỏ (nhất là thẻ tín dụng, thấu chi, …) trên mức 100 triệu để phù hợp với thực tế và phù hợp với những giao dịch lớn (từ 400 triệu trở lên) phải báo cáo Thủ tướng theo Quyết định số 11/2023QĐ-TTg. Vì vậy, đề nghị quy định khoản vay có giá trị nhỏ là khoản có giá trị dưới 400 triệu đồng.

Ba là, về người có liên quan trong dự thảo có bổ sung khoản 14 Điều 2 của Thông tư 39 như: “Người có liên quan của khách hàng là tổ chức, cá nhân có quan hệ với khách hàng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.”

Tuy nhiên, hiện Thông tư 22/2019/TT-NHNN về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đang dự thảo sửa đổi định nghĩa về người có liên quan, không quy định cụ thể mà dẫn chiếu định nghĩa người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng… Vì vậy, đề nghị trong dự thảo chỉ yêu cầu khách hàng báo thông tin về người có liên quan đang có dư nợ vay tại tổ chức tín dụng và/hoặc tổ chức tín dụng khác (nếu khách hàng có thông tin).

Bốn là, kiểm tra sử dụng vốn vay trong dự thảo sửa đổi Khoản 2 Điều 16 Thông tư 39 như: “2. Khách hàng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu cho tổ chức tín dụng …b) Báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay;…”.

Theo đó, đối tượng khách hàng vay vốn chủ yếu của các Công ty tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng, khó có chứng từ đầy đủ, chuẩn xác. Đối với các khoản cho vay có giá trị nhỏ, việc yêu cầu khách hàng cung cấp báo cáo sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay là khó khả thi. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo dự thảo bổ sung quy định loại trừ (không áp dụng) đối với các khoản vay có mức giá trị nhỏ. Đồng thời, xem xét quy định đơn giản hơn cả về hồ sơ, thủ tục chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, mục đích sử dụng vốn, kiểm tra sử dụng vốn vay đối với các khoản cho vay có giá trị nhỏ.

Năm là, cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong dự thảo Thông tư có sửa đổi bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 22 như: “Trường hợp cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng cho vay thỏa thuận với khách hàng để phong tỏa số tiền cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm;”.

Theo đó, việc cho vay để thanh toán đặt cọc mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc cho vay thanh toán tiền đặt cọc theo các Hợp đồng kinh tế thì Chủ đầu tư dự án/Bên nhận đặt cọc sẽ bị phong tỏa tiền đặt cọc tại Ngân hàng của Bên vay (Bên đặt cọc), không được sử dụng số tiền đặt cọc cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.

Trong thực tế, do khách hàng vay khó thỏa thuận được với Chủ đầu tư/Bên nhận đặt cọc chấp thuận cho phong tỏa tiền tại Ngân hàng của Bên vay nên quy định tại khoản này hạn chế việc vay vốn thực hiện giao dịch của khách hàng. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo dự thảo rà soát và cân nhắc bỏ quy định này…

Tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng hội viên đã đề xuất thêm các ý kiến liên quan đến cho vay thấu chi qua thẻ. Bởi việc cho vay thấu chi qua thẻ không thể yêu cầu mục đích sử dụng vốn vay. Vì vậy, không thể kiểm tra trong cho vay thấu chi mà có thể chọn hình thức “hậu kiểm” sau cho vay và nên lựa chọn mẫu để kiểm tra.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư quy định không còn việc cho vay thanh toán theo L/C. Theo dự thảo thông tư quy định nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả L/C là hình thức cấp tín dụng. Vì vậy, phải thay đổi quy trình tác nghiệp của các tổ chức tín dụng liên quan đến L/C. Theo đó, không còn hoạt động cho vay để thanh toán L/C mà khâu cho vay chỉ là quy trình giải ngân của khoản cấp tín dụng thông qua phát hành L/C…

Bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Lắng nghe, phản hồi các ý kiến tại cuộc họp, bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng vụ chính sách tiền tệ cho rằng các ngân hàng đã có những ý kiến trao đổi rất thẳng thắn mà các văn bản góp ý gửi lên Ngân hàng Nhà nước cũng chưa thể truyền đạt hết các nội dung cần chia sẻ. Tuy nhiên, theo chủ trương mong muốn ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39 trước ngày 15/5/2024 để hướng dẫn các tổ chức tín dụng trước khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng rất quan tâm đến việc ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39, đặc biệt là Bộ Công an vì có liên quan khi triển khai Đề án 06. Trong đó, Bộ Công an đã có những khuyến nghị tới Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi bổ sung Thông tư 39 để có hướng dẫn trong quản lý cho vay tiêu dùng giá trị nhỏ nhằm góp phần phòng chống tín dụng "đen".

Do đây cũng là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, trong dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39, chúng ta tập trung vào vướng mắc đề xuất kiến nghị trong phạm vi của dự thảo còn các nội dung ý kiến về Thông tư 06 sẽ có thời điểm trao đổi khác khi mà Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch ban hành Thông tư thay thế Thông tư 39 sau Thông tư sửa đổi này.

Theo bà Trang, trong các góp ý tại cuộc họp, cũng đã có rất nhiều ý kiến phù hợp, tổ soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu rà soát chỉnh bắt câu từ và nội dung phù hợp để đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ và phản hồi lại một số nội dung thông tin để hiểu đúng và đầy đủ tại cuộc họp này.

Thứ nhất là về khoản vay giá trị nhỏ tối đa 100 triệu đồng, tổ soạn thảo cũng rà soát rất kỹ. Vì hiện nay pháp luật chưa có quy định về mức giá trị nhỏ mà gần như đây là một khái niệm mới. Tuy nhiên, bản chất trong quá trình làm luật và xây dựng dự thảo đều nhằm mục đích tăng điều kiện tiếp cận vốn đối với khoản vay giá trị nhỏ và giảm thủ tục hành chính. Vì vậy, có quan điểm là đưa luôn mức tiền giá trị nhỏ là 100 triệu đồng vào luật nhằm hướng đến như một tham chiếu về khoản cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Sau đó, có quan điểm không nên đưa mức cụ thể để tạo sự linh hoạt cho tổ chức tín dụng cùng người đi vay, đồng thời đảm bảo thời gian sống lâu dài của Thông tư. Việc đưa mức tiền giá trị nhỏ là 100 triệu đồng cũng đã được ban soan thảo dự thảo ra soát tham chiếu soát một số quy định trong Thông tư 43 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, với giới hạn là dư nợ cho vay tiêu dùng không quá 100 triệu đồng.

Ngoài ra, còn căn cứ theo bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, quy định dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định mục 1 không vượt quá 100 triệu đồng tại một tổ chức tín dụng. Đồng thời, theo báo cáo thống kê của Tổng cục Thống kê mới nhất, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 101,9 triệu đồng/người. Vì vậy, mức 100 triệu đồng là cơ sở pháp lý để cho Tổ soạn thảo nghiên cứu và đề xuất mức tiền giá trị nhỏ trong dự thảo. Đi kèm theo đó là khách hàng không bắt buộc phải có phương án sử dụng khả thi, không bắt buộc phải là cung cấp thông tin người có liên quan.

Đối với biện pháp kiểm tra giám sát khoản vay thì có quyền chủ động trong cái việc sử dụng biện pháp kiểm tra khoản vay không khác với khoản vay thường khác. Nghĩa là tổ chức tín dụng phải có quyền và nghĩa vụ kiểm tra giám sát khoản vay với khoản vay khác. Đây chính là đảm bảo khoản cho vay được kiểm soát rủi ro.

Đối với các ý kiến chỉnh sửa lại câu, từ thì ban soạn thảo sẽ tiếp thu và sẽ hiệu chỉnh lại câu từ hoặc cách diễn đạt đúng. Trong khoản vay giá trị nhỏ sẽ bao gồm tối thiểu 2 mục đích là người vay và khả năng trả nợ. Riêng phương án sử dụng vốn khả thi thì không bắt buộc, chứ không phải loại trừ hẳn, không phải cung cấp đầy đủ cả 3 cái điều kiện đó. Việc hiệu chỉnh lại câu từ nhằm đảm bảo một cách hiểu thống nhất.

Tiếp theo, về quy định người có liên quan và thông tin người có liên quan, trong khoản cho vay giá trị nhỏ, ban soạn thảo cũng đã xem xét đây là quy định không bắt buộc phải cung cấp thông tin người có liên quan và cũng có hướng dẫn và cũng tạo điều kiện.

Đối với quy định về phong tỏa số tiền cho vay đảm bảo nghĩa vụ, có ý kiến đề cập đến bỏ hoặc chỉnh sửa nội dung này thì quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là chỉnh sửa câu từ để đảm bảo có cách hiểu thống nhất hơn. Bởi Ngân hàng Nhà nước cũng đã có trao đổi kỹ thuật với Bộ Thư pháp và đều thể hiện quan điểm ngân hàng nước cần phải có biện pháp kiểm soát đối với nhu cầu vốn vay này.

Trong đó, cơ quan Thanh tra giám sát đặc biệt cũng muốn quản chặt đặt cọc đối với dự án bất động sản. Bởi đặt cọc theo đúng nghĩa là “cọc thì phải đứng im”. Không phải cọc là dùng tiền đặt cọc để đi làm việc khác. Đơn cử, quản dự án 10.000 tỷ thì 95% đặt cọc rất là lớn và khi chủ đầu tư họ sử dụng cái tiền cọc đó để họ làm việc khác và không đúng mục đích sử dụng vốn hoặc là khi không thu hồi được vốn do dự án không đủ điều kiện pháp lý thì lại hủy hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng vay vốn. Đồng thời, gây rủi ro cho tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức dụng cho vay trên cơ sở tiền gửi của khách hàng.

Quang cảnh cuộc họp góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN
Quang cảnh cuộc họp góp ý đối với dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN

Có ý kiến cho rằng dùng cụm từ “tạm khóa” thay cho cụm từ “phong tỏa”. Hiện trong Nghị định 101 cũng đang dùng cả cụm từ “tạm khóa” và “phong tỏa”. Tuy nhiên, sắp tới dự thảo Nghị định sửa đổi sẽ quy về theo nội dung “phong tỏa” và không còn “tạm khóa” nữa. Trong đó, quy định “phong tỏa” có nghĩa là phong tỏa đối với số tiền giải ngân vốn cho vay chứ không phải là phong tỏa đối với tài khoản thanh toán. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trao đổi lại với Bộ Tư pháp rất rõ ràng về vấn đề này.

Còn đối với các nội dung khác mà các ngân hàng cũng đề cập như: về thứ tự thu nợ; tài liệu thông tin; về vấn đề lưu trữ hồ sơ; nâng hạn mức cho vay phương tiện điện tử; cho vay gửi tiền… bà Trang cho biết, đối với cho vay gửi tiền hiện nay Ngân hàng Nhà nước cũng đã có hướng dẫn tại công văn hướng dẫn tổ chức dụng tham khảo, tham chiếu vào điều khoản của quy định của Luật Các tổ chức dụng mới tại khoản 27, Điều 4. Ngoài ra, còn những nội dung và ý kiến khác, Ban soạn thảo sẽ ghi nhận tổng hợp để trong thời gian tới sẽ rà soát chỉnh sửa tiếp.

Kết luận cuộc họp, TS Nguyễn Quốc Hùng đã cảm ơn đại diện ban soạn thảo dự thảo đã có trách nhiệm và trả lời thỏa đáng những câu hỏi từ hội viên. TS Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá cao những ý kiến tham gia góp ý tương đối đầy đủ từ các đại diện của ngân hàng hội viên, đồng thời đề nghị các tổ chức tín dụng hội viên tiếp tục nghiên cứu và góp ý với cơ quan soạn thảo bằng văn bản để sửa đổi bổ sung để dự thảo hoàn thiện và phù hợp thực tế hơn nữa.

TS Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ mong muốn Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục được tham gia và đồng hành cùng ban soạn thảo. Đồng thời, cho biết thêm, sẽ tóm tắt toàn bộ những khó khăn vướng mắc của tổ chức hội viên tại cuộc họp để gửi lại ban soạn thảo, nhằm tiếp tục hoàn thiện. Từ đó, để khi Thông tư chính thức được ban hành sẽ phù hợp với thực tế hoạt động của các tổ chức tín dụng, đồng thời phù hợp với cả các quy định pháp luật liên quan.

T.Đ
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay