Tham dự tọa đàm về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; Bà Phạm Thị Thịnh, Trưởng phòng Đăng ký đất đai (Cục Đăng ký và Dữ liệu Thông tin đất đai); ông Hà Mạnh Hoan, đại diện Vụ Đất đai.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng có TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng; cùng đại diện các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, Luật Đất đai 2024 và Luật Các tổ chức tín dụng đều được thông qua tại cùng một thời điểm. Vì vậy, những chồng chéo trong hành lang pháp lý sẽ được hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai luật mới. Tuy nhiên, trong thực tế các Nghị định quy định chi tiết thi hành mới là điểm cốt lõi để triển khai Luật Đất đai 2024 và Luật Các tổ chức tín dụng một cách đồng bộ.
Luật Đất đai 2024 liên quan mật thiết đến hoạt động ngân hàng. Vì vậy, các tổ chức tín dụng (TCTD) rất quan tâm đến những nội dung mới trong Luật, đồng thời tháo gỡ các các vướng mắc... để bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả cho hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Qua đó, TS Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, các TCTD cần nêu ra những đề xuất góp ý, cũng như chỉ rõ các điểm cần giải thích thêm để ban soạn thảo Nghị định có cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa. Đồng thời, cũng giúp ban hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai khả thi, phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và Dữ liệu Thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để triển khai Luật đất đai 2024, Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành, xây dựng các dự thảo cùng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao thực hiện dự thảo 6 Nghị định và 18 Thông tư hướng dẫn. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp trực tiếp để khi đưa các Nghị định và Thông tư hướng dẫn vào thực hiện được tường minh. Đối với các nội dung chưa được hiểu hết hay cần làm rõ, đại diện từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giải đáp cặn kẽ cho phía Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD. Mặt khác, đối với các góp ý cho nghị định hướng dẫn, ban soạn thảo sẽ tiếp thu để tổng hợp, phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau.
Ông Phấn mong rằng sẽ tiếp tục tiếp nhận kiến nghị của các TCTD bằng văn bản hoặc thông qua các hội nghị trực tiếp trong thời gian tới cũng như sự đồng hành của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các TCTD để quá trình triển khai các quy định về pháp luật đất đai được suôn sẻ, rõ ràng, đáp ứng các yêu cầu của xã hội.
Tại tọa đàm, bà Phạm Thị Thịnh, Trưởng phòng Đăng ký đất đai (Cục Đăng ký và Dữ liệu Thông tin đất đai) đã trình bày những điểm mới trong luật đất đai năm 2024 và những nội dung có liên quan đến hoạt động của các TCTD. Trong đó có những điểm đáng chú ý liên quan tới hoạt động ngân hàng, liên quan đến người sử dụng đất; phân loại đất; điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất; quyền của nhóm người sử dụng đất; điều kiện bán tài sản/đất thuê hàng năm; các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất; đăng ký đất đai;…
Trình bày báo cáo tổng hợp từ các TCTD góp ý một số điểm có thể gặp vướng mắc khi Luật Đất đai năm 2024 đi vào thực tiễn, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch CLB Pháp chế Ngân hàng cho biết, Luật Đất đai năm 2024 có quy định về việc người sử dụng đất được hình thành khi nhà nước cho thuê đất thu đất thuê đất hằng năm được chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, người nhận chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được kế thừa các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây là một quy định rất mới, góp phần giải quyết các vướng mắc khó khăn trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, đề nghị có hướng dẫn cụ thể với nội dung này, bao gồm việc thế chấp/nhận thế chấp đối với quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm…quyền thuê trong hợp đồng thuê đất tại Điều 3, Điều 34, Điều 37, Điều 41, Điều 46; quy định về tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án đầu tư có mục đích kinh doanh mà được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại điểm b khoản 3 Điều 13; quy định về đất đang có tranh chấp tại Điều 3, Điều 45; quy định về điều kiện người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại khoản 1 Điều 45.
Bên cạnh đó, còn nhiều các vướng mắc nảy sinh tại quy định liên quan đến tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được bán tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm; việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận…; Thời hạn sử dụng đất khi nhận chuyển quyền sử dụng đất đối với loại đất có quy định thời hạn; Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế…
Góp ý với các dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai, đại diện CLB Pháp chế Ngân hàng đưa ra các đề xuất cụ thể về phân loại nhóm đất phi nông nghiệp; quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và nội dung kế hoạch sử dụng đất của thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 26 và Điều 27); thông báo thu hồi đất (Điều 47); thu hồi đất do người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (Điều 51); thu hồi đất đối với trường hợp cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế (Điều 55); ban hành quyết định cưỡng chế (Điều 61); giao đất… đất đưa ra đấu giá nhưng không thành (Điều 80); điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 83); xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá (Điều 86); Trình tự, thủ tục để tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp (Điều 100).
Đại diện CLB Pháp chế Ngân hàng nhấn mạnh, cần có hướng dẫn chi tiết về căn cứ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (Điều 102); điều kiện đối với người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (Điều 108); Hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 111); Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất do công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng, tổ chức, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng và Trình tự, thủ tục điều chỉnh quyết định giao đất, thuê đất do điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết dự án đầu tư (Điều 120 và Điều 121)…
Các quy định về đất xây dựng nhà chung cư, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai cũng cần được làm rõ và xem xét bổ sung một số quy định vướng mắc khác trên thực tế.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Phương đồng thời đưa ra các kiến nghị về dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai với nhiều nội dung liên quan.
Tại toạ đàm, đại diện các ngân hàng Vietcombank, ABBank, Agribank, TPBank, VPBank, ACB, MSB, MB… cũng đã đề xuất thêm các ý kiến liên quan đến thu hồi tài sản bảo đảm, đất nông nghiệp có sản xuất, đất vườn ao, xác định rủi ro khi kiểm định tài sản bảo đảm, công chứng hợp đồng hợp tác, đất quốc phòng an ninh… xuất phát từ các vướng mắc thực tiễn xảy ra trong quá trình hoạt động tại mỗi ngân hàng.
Đại diện các ngân hàng hội viên cũng đề xuất thêm ý kiến liên quan đến khái niệm “biến dạng đất” để phân biệt rõ khi nhận các bất động sản làm tài sản bảo đảm. Bởi thực tế, tại một số nơi khi người dân sử dụng đất nông nghiệp, đất vườn,… đào ao hoặc cải tạo làm thay đổi mục đích sử dụng thì có gặp rủi ro sẽ bị nhà nước thu hồi do làm biến dạng đất. Ngoài ra, còn có các ý kiến liên quan đến công chứng, hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, đất quốc phòng an ninh… xuất phát từ các vướng mắc thực tiễn xảy ra trong quá trình hoạt động tại các ngân hàng.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ các đại diện các tổ chức tín dụng hội viên, bà Phạm Thị Thịnh đại diện từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp giải đáp cặn kẽ. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản cho Nghị định hướng dẫn, ban soạn thảo sẽ tiếp thu để tổng hợp, phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau.
Kết luận cuộc họp, TS Nguyễn Quốc Hùng đã cảm ơn Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai, có trách nhiệm và trả lời thỏa đáng những câu hỏi từ hội viên. TS Nguyễn Quốc Hùng cũng đánh giá cao ý kiến tham góp ý đầy đủ của các TCTD, đồng thời đề nghị các TCTD tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc xảy ra trong thực tiễn thi hành luật. Phía Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục làm đầu mối tổng hợp, tổ chức thêm các cuộc họp để đưa các ý kiến của TCTD đến với cơ quan quản lý.
TS Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ mong muốn Hiệp hội Ngân hàng được tham gia và đồng hành cùng ban soạn thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 để Luật đi vào cuộc sống một cách đồng bộ, hiệu quả.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký cho biết thêm, sẽ tóm tắt toàn bộ những khó khăn vướng mắc của tổ chức hội viên tại tọa đàm để gửi lại ban soạn thảo, nhằm tiếp tục hoàn thiện. Đặc biệt, mong muốn thành lập tổ góp ý thường trực có 2 đại diện là tổ chức tín dụng trong nước và 1 đại diện là chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thường xuyên tham gia cùng ban soạn thảo. Vì vậy, ban soạn thảo thuộc Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai cần cử một đầu mối để phối hợp trong thời gian tới.
T.Đ