Phát biểu khai giảng khóa học, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA đã thay mặt Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chào mừng và trân trọng cảm ơn các học viên đã dành thời gian tham dự chương trình đào tạo này.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyền đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó Đề án hướng tới 5 nhóm tiện ích cốt lõi như:
Một là, nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Hai là, nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Ba là, nhóm tiện ích phục vụ công dân số.
Bốn là, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.
Năm là, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Trong 5 nhóm tiện ích trên, lĩnh vực tài chính, ngân hàng nằm trong nhóm tiện ích thứ hai, đó là phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Bởi việc tích hợp, phát triển ứng dụng trên nên tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử với các ứng dụng cốt lõi như: ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước... lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Qua đó, người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử, thanh toán điện tử gắn với các hệ sinh thái các cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng chữ kỹ số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… Từ đó, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với các tổ chức tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử... Trong kết nối, sử dụng các ứng dụng của Hệ thống định danh và xác thực điện tử thì các tài khoản người dùng đều được xác thực đảm bảo đúng với danh tính của từng công dân tạo sự minh bạch, góp phần trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, gian lận, lừa đảo trên không gian mạng…
Vì vậy, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp công tác số 01, trong đó có giao cho Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Công an (C06, C09) đào tạo, phổ biến kiến thức cho cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng nhận biết được Căn cước công dân thật, giả khi giao dịch tại quầy bằng mắt thường.
Chia sẻ tại buổi đào tạo, Thượng tá Vũ Bình Minh - Trưởng phòng Giám định tài liệu, Viện Khoa học hình sự (C09), Bộ Công an, đã truyền đạt các kiến thức cơ bản về căn cước công dân; Các phương pháp in cơ bản sử dụng trong căn cước công dân; Hệ thống đặc điểm bảo vệ của căn cước công dân; Thủ đoạn giả mạo của tội phạm và hệ thống đặc điểm nhận biết, quy trình kiểm tra trong công tác phòng chống căn cước công dân giả …
Ngoài những kiến thức chuyên môn về căn cước công dân, đại diện C09 cũng tập trung trao đổi, chia sẻ cùng các học viên về một số vụ việc làm giả tài liệu điển hình, với các thủ đoạn giả mạo phổ biến của tội phạm. Đồng thời, cũng truyền đạt những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng, chống căn cước công dân giả.
Kết thúc khóa học, các học viên còn làm bài kiểm tra nhằm đánh giá việc tiếp thu kiến thức của từng học viên. Đồng thời, làm căn cứ để cải tiến về nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy để khóa học đạt được hiệu quả tốt nhất.
Theo kế hoạch, VNBA sẽ triển khai 4 khóa đào tạo “Phương pháp nhận biết căn cước công dân thật, giả khi giao dịch tại quầy”, trong đó 2 khóa tại Hà Nội và 2 khóa tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đ.T-T.Đ