Thứ hai, 17/06/2024
   

Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng nhận nhiều ý kiến bổ sung

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tiếp thu nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) liên quan đến tỷ lệ sở hữu cổ phần và tỷ lệ cấp tín dụng cho khách hàng của các tổ chức tín dụng.

Ngày 1/8, tại TP.HCM, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tại Hội thảo này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn đã tham dự, lắng nghe các ý kiến góp ý cho dự thảo văn bản luật này từ các chuyên gia, đại diện các tổ chức tín dụng và các hiệp hội doanh nghiệp.

Luật các tổ chức tín dụng
Quang cảnh Hội thảo
 

Một trong những nội dung của Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được nhiều đại biểu tham dự hội thảo quan tâm là các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu cổ phần của các tổ chức tín dụng (quy định tại Điều 53 của Dự thảo) và giới hạn cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, khách hàng (quy định tại Điều 130 của Dự thảo).

Theo đó, về vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần, các ý kiến góp ý chia thành hai nhóm lớn. Nhóm thứ nhất đề nghị giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông các tổ chức tín dụng như Luật các tổ chức tín dụng hiện hành vì cho rằng việc sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ này chưa giải quyết căn cơ nguyên nhân của sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng. Nhóm thứ hai đồng ý với mức giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân, cổ đông tổ chức, cổ đông cá nhân và người có liên quan về mức 3%, 10% và 15%. Tuy nhiên, không hồi tố đối với phần tỷ lệ bị vượt khi Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có sửa đổi.

Về giới hạn cấp tín dụng, Nhóm đại diện các ngân hàng thương mại nước ngoài tại Việt Nam và một số ngân hàng thương mại trong nước như HDBank, ACB đề nghị giữ nguyên các quy định về giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng như Luật hiện hành. Các lý do được đại diện các ngân hàng thương mại đưa ra là việc giảm tỷ lệ cấp tín dụng như quy định tại Dự thảo Luật có thể sẽ khiến dư nợ cho vay của các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ sụt giảm và không khuyến khích thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc mở rộng định nghĩa về người có liên quan và thu hẹp tổng mức cấp tín dụng sẽ gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.

Trong khi đó, nhóm các luật sư, chuyên gia kinh tế cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn nên cân nhắc sửa đổi giảm tỷ lệ cấp tín dụng cho các khách hàng như đã quy định tại Dự thảo. Vì thực tế hiện nay, tình trạng tập trung tín dụng vào một nhóm khách hàng, liên quan đến sở hữu chéo, doanh nghiệp thân hữu khá phố biến, cần có quy định cụ thể hạn mức tín dụng thấp hơn để phòng ngừa rủi ro.

Đối với các vấn đề khác liên quan đến những quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo từ nợ xấu… nhiều đại biểu là các luật sư, chuyên gia pháp lý tại các ngân hàng thương mại đều cho rằng Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bám sát tình hình thực tế để luật hóa các quy định pháp lý liên quan. Tuy nhiên, cần chỉnh lý theo hướng thu hẹp và làm rõ các trường hợp được vay đặc biệt phục vụ xử lý các tổ chức tín dụng bị kiểm soát. Các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo cần có quy định chi tiết hơn về quyền lợi của bên mua tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu và có hướng dẫn chi tiết để các ngân hàng thương mại và bên mua nợ xấu, tài sản đảm bảo của nợ xấu có thể triển khai được trên thực tế.

Liên quan đến một số định chế tài chính đặc biệt như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng việc quy định chung các tổ chức tín dụng này trong Luật các tổ chức tín dụng hiện nay là khá gượng ép vì tôn chỉ mục đích và các hoạt động nghiệp vụ của nhóm tổ chức tín dụng này khá khác biệt so với các tổ chức tín dụng thông thường. Vì thế, cần có luật riêng để đảm bảo phát huy hết các vai trò và hỗ trợ hệ thống các tổ chức tín dụng này đạt được các mục tiêu chính trị, hỗ trợ an sinh, hỗ trợ xuất khẩu.

Sau khi lắng nghe các ý kiến từ nhiều đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải thích, tổng kết và đưa ra những gợi ý cho Ban soạn thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để tiếp tục ghi nhận nhằm hoàn thiện dự án luật này theo đúng lộ trình đã được Quốc hội thống nhất.

Thống đốc cho rằng trước mắt, nhóm các tổ chức tín dụng đặc thù như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam vẫn sẽ được điều chỉnh bởi Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Về lâu dài, NHNN sẽ tiếp thu các ý kiến của các bộ, ban, ngành và địa phương để tham mưu hình thành một dự án luật khác dành riêng cho nhóm tổ chức tín dụng này.

Đối với các nhóm vấn đề liên quan đến tỷ lệ cấp tín dụng cho các khách hàng, Thống đốc chia sẻ những ý kiến lo ngại của các tổ chức tín dụng về khả năng bị hạn chế tăng trưởng dư nợ khi tỷ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và nhóm khách hàng giảm xuống. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm tỷ lệ này đã được Ban soạn thảo cân nhắc khá kỹ lưỡng và có đánh giá tác động, vì thế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh hoặc cụ thể hóa chi tiết nếu cần thiết. Mục tiêu của việc giới hạn cấp tín dụng không phải là hạn chế tín dụng mà hướng đến kiểm soát rủi ro. Hơn nữa, hiện nay, hệ thống tổ chức tín dụng khá đa dạng loại hình, có nhiều lựa chọn cho khách hàng vay vốn bằng các hình thức khác nhau.

“Nếu khách hàng cần vốn lớn có thể vay hợp vốn từ nhiều tổ chức tín dụng, miễn là đảm báo minh bạch, công bằng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Đối với các vấn đề cảnh báo, xử lý kiểm soát các tổ chức tín dụng yếu kém, nhận diện các rủi ro sở hữu chéo tại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, Thống đốc cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với ngành Ngân hàng xây dựng các giải pháp tra cứu, nhận diện khách hàng trong quá trình tiếp cận tín dụng. Trong đó, việc chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt hơn hoạt động cho vay, giảm/tránh các trường hợp tập trung vốn vào nhóm khách hàng có nhiều rủi ro.

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay