
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao (ở giữa); ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (bên trái); ông Phạm Toàn Vượng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tổng Giám đốc Agribank (bên phải), đồng chủ trì.
Tham dự hội thảo, về phía Toà án Nhân dân (TAND) tối cao có ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao; ông Trần Hồng Hà, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao; ông Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao; ông Lê Thế Phúc - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III, TAND tối cao; cùng đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục chức năng của TAND tối cao và đại diện TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các khu vực
Về phía Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, có ông Nguyễn Kim Sáu, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại (Vụ 10).
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), có: ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc; bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Ông Bùi Huy Thọ - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 10…
Về phía Bộ Tư pháp, có: ông Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự- Kinh tế; đại diện Cục Quản lý Thi hành án dân sự.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có: ông Phạm Toàn Vượng, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội, Tổng Giám đốc Agribank; ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội kiêm Tổng Thư ký; ông Phạm Quang Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội, thành viên HĐQT BIDV; cùng đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng; Câu lạc bộ Xử lý nợ (AMC); Câu lạc bộ Tài chính Tiêu dùng cùng đại diện các tổ chức tín dụng hội viên.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tối cao
Nhận diện các vướng mắc, bất cập nổi cộm
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Toàn Vượng, Chủ tịch VNBA, ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp rất lớn của ngành Tòa án trong công tác xét xử, giải quyết tranh chấp, góp phần quan trọng giúp ngành Ngân hàng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong hoạt động, đặc biệt là công tác xử lý nợ xấu trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng mạnh mẽ và quy mô ngày càng mở rộng của thị trường tài chính - ngân hàng từ năm 2020 đến nay, các vụ án tranh chấp liên quan đến TCTD cũng không ngừng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất, làm phát sinh nhiều vướng mắc mới.
Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho biết, qua tổng hợp ý kiến của các TCTD hội viên, thực tiễn giải quyết các vụ việc tại Tòa án đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Các vấn đề nổi cộm tập trung vào: Thời gian giải quyết vụ án kéo dài; Vướng mắc trong quá trình thụ lý đơn khởi kiện, xác định thẩm quyền của Tòa án; Khó khăn trong việc xác định và triệu tập đầy đủ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Bất cập trong quy trình xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản bảo đảm. Đặc biệt, hai nhóm vấn đề pháp lý gây ra rủi ro rất lớn cho các ngân hàng là vướng mắc về quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình và tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc hoàn trả và xử lý vật chứng là tài sản bảo đảm trong các vụ án hình sự cũng đang là một điểm nghẽn lớn.

Ôông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo ông Phạm Toàn Vượng, có những nguyên nhân xuất phát từ chính TCTD, nhưng cũng có nguyên nhân do quan điểm nhận thức về pháp luật, cách đánh giá chứng cứ khác nhau giữa những người tiến hành tố tụng. Điều này đã tạo ra các giải pháp xử lý rất khác nhau, gây rủi ro lớn cho các ngân hàng cho vay và nhận bảo đảm.
Trước thực trạng trên, người đứng đầu Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần có hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật cho các tình huống phát sinh, không chỉ trong các quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại mà còn cả trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự có liên quan.

Ông Phạm Toàn Vượng, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
Báo cáo tổng hợp từ các TCTD của Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng và các ý kiến tại hội thảo đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về các "nút thắt" hiện nay, với 3 nhóm nội dung trọng tâm, gồm một số vấn đề về thủ tục tố tụng và thẩm quyền giải quyết; áp dụng pháp luật nội dung và thực tiễn xét xử và thi hành án.
Theo đó, nhiều TCTD phản ánh tình trạng quá trình thụ lý đơn khởi kiện còn chậm, thời gian giải quyết vụ án kéo dài, gây tốn kém chi phí và làm lỡ thời cơ thu hồi nợ. Đại diện MB cho biết, nhiều vụ việc tố tụng kéo dài nhưng cuối cùng vẫn không giải quyết được triệt để.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại hội thảo
Vướng mắc về thẩm quyền, ông Đỗ Quang Phong, Trưởng ban Pháp chế Agribank, nêu một ví dụ điển hình: một số Tòa án địa phương từ chối thụ lý hồ sơ khởi kiện của ngân hàng với lập luận rằng điều khoản "chọn Tòa án có thẩm quyền để giải quyết" trong hợp đồng là "chưa cụ thể hóa địa điểm Tòa án". Cách hiểu máy móc này không những làm suy giảm giá trị pháp lý của điều khoản thỏa thuận mà còn mâu thuẫn với bản chất của quyền tự do giao kết hợp đồng và kiến nghị cần có hướng dẫn thống nhất từ TAND Tối cao.
Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, chỉ ra rằng, một trong những vấn đề vướng mắc nhất được các TCTD phản ánh là thời gian giải quyết các vụ án tại Tòa án còn rất chậm trễ so với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 . Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN phát biểu
Ngoài ra, còn có những vướng mắc liên quan đến nhận thức và áp dụng pháp luật nội dung, trong đó nổi bật là các vấn đề về Bảo vệ "Người thứ ba ngay tình"; Xử lý tài sản bảo đảm trong vụ án hình sự; Cách tính lãi và phạt vi phạm… Cùng với đó, thủ tục hòa giải chưa hợp lý, dù TCTD đã có đơn từ chối hòa giải vì đánh giá không khả thi, Tòa án vẫn yêu cầu thực hiện, làm kéo dài thời gian một cách không cần thiết.
Đối với "Người thứ ba ngay tình", đây là vấn đề gây nhức nhối nhất. Các TCTD cho rằng đang trở thành "nạn nhân" của quy định này. Khi một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị Tòa tuyên hủy do sai sót từ phía cơ quan cấp phép hoặc người chuyển nhượng trước đó, giao dịch thế chấp của ngân hàng (bên thứ ba ngay tình) cũng bị vô hiệu theo. Kiến nghị chung là cần bảo vệ quyền xử lý tài sản của ngân hàng trong trường hợp này.

Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trình bày báo cáo tại hội thảo
Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cũng cho rằng, các TCTD đang đối mặt rủi ro lớn khi nhận thế chấp tài sản ngay tình nhưng sau đó Tòa án lại tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hướng dẫn của Tòa án đôi khi đặt ra những yêu cầu không khả thi cho ngân hàng, như phải thẩm định toàn bộ lịch sử giao dịch của tài sản (xác minh toàn bộ lịch sử pháp lý của tài sản đến từng cá nhân đã sở hữu trước đó), làm suy yếu vị thế của bên nhận thế chấp hợp pháp.
Đối với vướng mắc về áp dụng lãi suất, theo bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN, đây cũng là một trong những vướng mắc lớn. Tòa án có xu hướng áp dụng giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự cho các hợp đồng tín dụng, thay vì áp dụng Luật Các TCTD và các văn bản hướng dẫn chuyên ngành. Bà cũng nêu ví dụ về vụ án Tòa chấp nhận tính lãi trên sổ tiết kiệm của người đi vay nhưng lại bác yêu cầu tính lãi trên dư nợ vay của ngân hàng, gây thiệt hại kép cho TCTD.

Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra về kinh doanh thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên, TAND tối cao
Ông Trần Văn Nhiên, Giám đốc Pháp chế Eximbank, đề xuất cần có quy định rõ về thứ tự ưu tiên của bên nhận bảo đảm hợp pháp đối với việc xử lý tài sản bảo đảm trong vụ án hình sự. Ông kiến nghị hạn chế việc kê biên/phong tỏa tài sản không phải vật chứng và không mở rộng trách nhiệm của TCTD bằng việc tịch thu các khoản tiền trả nợ hợp pháp, trừ khi có bằng chứng TCTD biết đó là tiền phạm pháp.
Về thực tiễn xét xử và thi hành án, ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra về kinh doanh thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên, TAND tối cao nhận định, các tranh chấp hiện nay không còn tập trung vào nội dung hợp đồng tín dụng (khoản vay, lãi suất) mà gay gắt hơn ở các hợp đồng thế chấp, đặc biệt là tài sản của bên thứ ba. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc thẩm định tài sản trước khi cho vay. Do đó, việc nghiên cứu và tìm ra các giải pháp hiệu quả để giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng có tài sản bảo đảm là yêu cầu cấp thiết, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên và bảo đảm sự an toàn cho hoạt động tín dụng trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Kim Sáu, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Với góc nhìn từ thực tiễn xét xử tại một đô thị lớn, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án TAND TP.HCM, kiến nghị bỏ khái niệm tống đạt trong thủ tục tố tụng tại Tòa án mà thay bằng Thông báo đến các đương sự như Luật Tố tụng Trọng tài thương mại 2010. Bà cho rằng các quy định hiện hành về tống đạt, niêm yết không còn phù hợp và gây nhiều khó khăn trong công tác giải quyết vụ án nói chung và liên quan hợp đồng tín dụng, xử lý tài sản bảo đảm nói riêng.
Bà Đặng Thị Hồng Nhung (Cục Quản lý THADS, Bộ Tư pháp) cho biết, để thi hành án hiệu quả, bản án của Tòa cần có tính khả thi cao. Bà đề nghị Tòa án chú trọng việc xem xét, thẩm định tại chỗ để xác định chính xác tình trạng tài sản, đảm bảo bản án khi tuyên có thể thi hành được trên thực tế.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh
Trước những vấn đề được đặt ra, đại diện các cơ quan tư pháp và quản lý đã đưa ra các phản hồi tích cực cùng những cam kết hành động cụ thể.


Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, để tạo diễn đàn cho ngành Toà án và các TCTD cùng nhau lắng nghe chia sẻ các góc nhìn, vướng mắc, khó khăn từ thực tiễn, nhằm tìm ra một cơ chế giải quyết hiệu quả các tranh chấp tín dụng và mang lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Phó Thống đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hiệu quả tranh chấp tín dụng đối với nền kinh tế. Ông chỉ ra gốc rễ của nhiều vấn đề nằm ở pháp luật về tài sản và cho rằng cần có một cách tiếp cận tổng thể để hoàn thiện các quy định pháp luật về tài sản. Nếu các quy định này được hoàn thiện, các tranh chấp sẽ ít xảy ra hơn.
Về phía TAND Tối cao, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến đã tổng kết các vấn đề nổi bật và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chuyên môn cao tại hội thảo. Ông khẳng định TAND Tối cao sẽ rà soát và kiến nghị sửa đổi pháp luật, tiếp thu các đề xuất để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, đặc biệt là trong Bộ luật Tố tụng Dân sự.
TAND Tối cao cũng sẽ sớm nghiên cứu ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về các vấn đề nóng như lãi suất, người thứ ba ngay tình, thẩm quyền Tòa án, áp dụng thủ tục rút gọn.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cũng khẳng định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, đồng thời chỉ đạo toàn ngành thực hiện mục tiêu giải quyết các vụ án tín dụng phải "nhanh chóng, kịp thời, minh bạch, công tâm, chất lượng và đúng pháp luật" và cho rằng hội thảo này cũng nhằm mục đích là nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án nói chung và đặc biệt là đối với cái vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng nói riêng.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cũng mong rằng trong thời gian tới tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án Nhân dân Tối cao với Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để tăng cường trao đổi nghiệp vụ, rà soát xử lý các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn. Đồng thời phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn nhằm nâng cao kiến thức nghiệp vụ của mỗi bên để nắm rõ, hiểu sâu về các nghiệp vụ chuyên ngành, từ đó áp dụng thống nhất pháp luật để giải quyết các vụ việc tốt hơn.

Quang cảnh hội thảo.
Cũng tại hội thảo, các kiến nghị về chuyển đổi số cũng được đặc biệt quan tâm. Các đại biểu nhất trí rằng việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng Tòa án điện tử, tăng cường kết nối liên thông dữ liệu giữa Tòa án và các bộ ngành để khai thác các nền tảng số như VNeID, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp... là giải pháp đột phá để rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo kết thúc với sự đồng thuận cao, mở ra kỳ vọng về một giai đoạn phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa ngành ngân hàng và hệ thống các cơ quan tư pháp, hướng tới mục tiêu chung là một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
M.H