Thứ sáu, 18/07/2025
   

Những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả trong giải quyết tranh chấp về tín dụng tại Tòa án

Tại hội thảo diễn ra sáng 18/7, đại diện Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chỉ ra những điểm mới mang tính đột phá của Luật Các Tổ chức Tín dụng 2024 và thẳng thắn nêu lên các vướng mắc lớn trong thực tiễn xét xử, đồng thời đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp về tín dụng tại Tòa án.

Sáng ngày 18/7/2025, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân”.

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TAND tối cao; Ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc NHNN; cùng đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục chức năng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, NHNN, TAND các tỉnh, thành phố và đông đảo các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (NHNN), đã có bài tham luận sâu sắc, thu hút sự quan tâm của các đại biểu từ ngành Tòa án, Ngân hàng và các cơ quan liên quan.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN

Bài tham luận đã phác thảo một bức tranh toàn cảnh về khung pháp lý mới cho hoạt động ngân hàng và những "điểm nghẽn" cần được khơi thông trong công tác xét xử, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần vào sự ổn định của nền kinh tế.

Hành lang pháp lý mới – Nền tảng cho sự phát triển

Điểm sáng đầu tiên được bà Vũ Ngọc Lan nhấn mạnh là việc Quốc hội đã ban hành Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (Luật Các TCTD 2024) và Luật số 96/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này. Các văn bản pháp lý quan trọng này đã tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng và tiến bộ hơn, với nhiều điểm mới đáng chú ý:

Luật hóa Nghị quyết 42: Nhiều cơ chế quan trọng về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm từ Nghị quyết 42/2017/QH14 đã được chính thức đưa vào luật, đặc biệt là quyền thu giữ tài sản bảo đảm, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và lâu dài cho các TCTD trong việc thu hồi nợ.

Tinh giản thủ tục hành chính: Hợp nhất Giấy phép thành lập và hoạt động của TCTD với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giúp giảm bớt gánh nặng thủ tục cho các TCTD.

Làm rõ các quy định nghiệp vụ: Các quy định về lãi suất, cấp tín dụng, và đặc biệt là bản chất của thư tín dụng (L/C) đã được làm rõ, quy định L/C là một hình thức cấp tín dụng, giúp giải quyết các tranh cãi pháp lý kéo dài.

Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và minh bạch hơn.

Năm "điểm nghẽn" lớn trong thực tiễn xét xử

Bên cạnh những điểm sáng về pháp lý, đại diện Vụ Pháp chế NHNN cũng thẳng thắn chỉ ra 5 nhóm vướng mắc lớn, tồn tại trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ việc liên quan đến TCTD, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các ngân hàng.

1. Vướng mắc về lãi suất: Việc áp dụng và tính lãi suất vẫn chưa thống nhất. Có trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu tính lãi vay của TCTD trên dư nợ còn thiếu. Trong các vụ án hình sự, thiệt hại của ngân hàng đôi khi chỉ được tính đến thời điểm khởi tố vụ án, thay vì thời điểm xét xử sơ thẩm để làm cơ sở quyết định việc thu hồi, khắc phục hậu quả trong vụ án, làm TCTD chịu thiệt hại kép khi vẫn phải trả lãi huy động vốn trong suốt quá trình tố tụng.

2. Áp dụng quy định "Người thứ ba ngay tình": Các TCTD đang đối mặt rủi ro lớn khi nhận thế chấp tài sản ngay tình nhưng sau đó Tòa án lại tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hướng dẫn của Tòa án đôi khi đặt ra những yêu cầu không khả thi cho ngân hàng, như phải thẩm định toàn bộ lịch sử giao dịch của tài sản (xác minh toàn bộ lịch sử pháp lý của tài sản đến từng cá nhân đã sở hữu trước đó), làm suy yếu vị thế của bên nhận thế chấp hợp pháp.

3. Hiểu chưa đúng bản chất Bảo lãnh ngân hàng và Thư tín dụng (L/C): Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất. Một số phán quyết của Tòa án đã nhầm lẫn bản chất độc lập của bảo lãnh vô điều kiện và L/C với hợp đồng gốc (hợp đồng mua bán, xây dựng...). Việc Tòa án yêu cầu ngân hàng phải xác minh vi phạm của hợp đồng gốc trước khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là đi ngược lại thông lệ quốc tế và bản chất của các công cụ tài chính này, gây rủi ro uy tín cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.

4. Bất cập trong việc triệu tập đương sự: Nhiều trường hợp tài sản thế chấp tại ngân hàng bị đem ra tranh chấp nhưng Tòa án không triệu tập TCTD tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều này dẫn đến những bản án ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản bảo đảm mà ngân hàng không có cơ hội trình bày ý kiến để bảo vệ mình.

5. Xác định thiệt hại trong các vụ án hình sự: Sự thiếu nhất quán trong việc xác định thời điểm tính thiệt hại (thời điểm giải ngân, thời điểm khởi tố, hay thời điểm xét xử) gây ra cách xét xử không đồng đều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hồi nợ của các TCTD.

Kiến nghị 6 giải pháp đồng bộ và quyết liệt

Từ thực tiễn trên, Vụ Pháp chế NHNN đã đưa ra 6 nhóm kiến nghị quan trọng, tập trung vào sự phối hợp chặt chẽ và thực chất giữa ngành Tòa án và ngành Ngân hàng:

Hoàn thiện hướng dẫn áp dụng pháp luật: TAND Tối cao cần tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn thống nhất, đặc biệt là về các vấn đề còn vướng mắc như lãi suất, bảo vệ người thứ ba ngay tình, và xác định thiệt hại.

Nâng cao năng lực Thẩm phán: Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ Thẩm phán về các nghiệp vụ ngân hàng phức tạp và các sản phẩm tài chính mới, nhất là trong bối cảnh công nghệ và sản phẩm tài chính ngày càng đổi mới, phức tạp, một số cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng được đưa vào triển khai

Tăng cường đối thoại liên ngành: Thúc đẩy cơ chế trao đổi, đối thoại thường xuyên giữa Tòa án – Viện kiểm sát – Cơ quan thi hành án và Hiệp hội Ngân hàng để tháo gỡ vướng mắc ngay từ giai đoạn đầu.

Giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng: Đề nghị lãnh đạo TAND các cấp quan tâm, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài, đặc biệt là các vụ án liên quan đến các TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Hỗ trợ các TCTD trong giai đoạn tái cơ cấu Tòa án: Đảm bảo việc thụ lý và xét xử các vụ án của TCTD được diễn ra thông suốt, kịp thời trong quá trình hệ thống Tòa án được sắp xếp lại theo luật mới.

Phối hợp chặt chẽ trong xây dựng và triển khai văn bản pháp luật: NHNN mong muốn nhận được sự phối hợp tích cực từ TAND Tối cao và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, để các quy định sớm đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.

Đại diện Vụ Pháp chế NHNN mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ tích cực từ hệ thống Tòa án nhân dân các cấp trong quá trình xem xét, giải quyết các tranh chấp phát sinh, trên tinh thần khách quan, đúng pháp luật và phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các TCTD và khách hàng, mà còn nâng cao hiệu quả thực thi luật pháp và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

M.H

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay