Ngày 11/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức cuộc họp Góp ý dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, để thống nhất các kiến của các Tổ chức hội viên, kiến nghị gửi tới Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan chủ trì soạn thảo).
Tham dự và chủ trì cuộc họp có TS. Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA); đại diện Ban Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng); đại diện Cục Công nghệ thông tin (Ngân hàng Nhà nước); đại diện các tổ chức hội viên (tham gia trực tiếp và trực tuyến); đại diện Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài (BWG); cùng đại diện một số Ban, đơn vị thuộc Hiệp hội, một số phóng viên - cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài ngành.
Phát biểu tại cuộc họp, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị về Dự thảo Nghị định, quy định về chữ ký điện tử, dịch vụ điện tử, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT). Ông cho biết, một số nội dung dự thảo Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy là chưa phù hợp Luật Giao dịch điện tử 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức tín dụng.
TS Nguyễn Quốc Hùng đồng tình và ủng hộ với định hướng một xã hội văn minh, mỗi người dân nên có một chữ ký số, chữ ký điện tử cho các giao dịch dịch vụ công cũng như kinh doanh. Tuy nhiên cần phải xem xét ứng dụng vào bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp… Mục đích cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, mục đích của cuộc họp này là để trao đổi, xác định tác động của dự thảo Nghị định khi ban hành đến nền kinh tế, đến người dân và doanh nghiệp; đồng thời, các tổ chức tín dụng cần đầu tư vào công nghệ như thế nào để đảm bảo cung cấp chữ ký điện tử và chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn.
TS Nguyễn Quốc Hùng cũng gợi mở một số vấn đề liên quan để các TCTD cùng xem xét, đưa ra kiến nghị, đóng góp ý kiến. Chẳng hạn, nếu ngân hàng tiến hành cấp phép chữ ký tin dùng đảm bảo an toàn thì các doanh nghiệp khác có ảnh hưởng gì? Nếu ngân hàng thu phí thì có thực hiện như một tổ chức phát hành, chứng thực các loại, chứng thư số (CA)? Nếu coi ngân hàng như một CA thì mức phí thu sẽ là bao nhiêu? Phí hoạt động thanh toán khác với phí mà các đơn vị CA thu. Các đơn vị khác sẽ thực hiện như thế nào? Ngoài ra, việc đầu tư vào công nghệ của các TCTD cần chuẩn bị trước, tính toán phù hợp với thực tiễn để đảm bảo cung cấp được chữ ký số, chữ ký điện tử đảm bảo an toàn.
Tại cuộc họp, các TCTD đã có những chia sẻ, thảo luận, đặt vấn đề về việc phổ cập chữ ký điện tử như: Với những thay đổi luật như vậy có tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tới các giao dịch hay không, việc này có làm gia tăng thêm chi phí và gánh nặng cho người dân?
Đại diện một số TCTD cho rằng, hiện các ngân hàng đều áp dụng bảo mật 2 lớp, xác thực 2 yếu tố để đảm bảo người thực hiện giao dịch đúng là chủ sở hữu tài khoản. Từ ngày 1/7, các ngân hàng đồng loạt triển khai thêm bước xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho khách hàng. Nếu thực hiện thêm phần chữ ký số sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, đến trải nghiệm của khách hàng, gia tăng chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.
Đại diện Vietcombank đề xuất ý kiến về việc bảo mật trên không gian mạng, nếu triển khai chữ ký số có thể đồng nhất trên một nền tảng để gia tăng trải nghiệm khách hàng. Nếu dịch vụ trải nghiệm không tốt về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới khách hàng. Mỗi TCTD cần vừa đảm bảo an toàn bảo mật cho người dân vừa phải thuận tiện sử dụng.
Đại diện Vietinbank cho biết, mỗi ngân hàng cần chuẩn bị các giải pháp trong thời gian tới, nếu quy định bắt buộc sử dụng chữ ký điện tử thì mỗi ngân hàng cần phải đảm bảo cho lợi ích của người dân, có thể tính đến giải pháp một đầu mối chung để giảm thiểu chi phí cũng như cần đảm bảo tính riêng tư và phạm vi sử dụng trên toàn hệ thống.
Cũng tại cuộc họp, qua phát biểu, các ý kiến đều đồng tình và ủng hộ hướng tới một xã hội văn minh, mỗi người dân nên có 1 chữ ký số sử dụng cho tất cả các hoạt động, từ giao dịch ngân hàng, hoạt động công ích cũng như kinh doanh, song cần phải xem xét trong bối cảnh thực tiễn từ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mức thích ứng dần của người dân, không làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như làm tăng chi phí đột biến cho người dân và doanh nghiệp… Chính vì vậy, Luật Giao dịch điện tử đã mở ra hướng tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn các hình thức, trong đó có chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn.
Do đó, các đại biểu có chung quan điểm: “Khi người dân có mức thu nhập cao hơn, nhận thức và thấy rằng cần thiết phải có 1 chữ ký số cho riêng mình thì tự họ sẽ lựa chọn và quyết định, các qui định dưới luật không nên áp đặt để tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng, việc áp dụng chữ ký số sẽ tác động rất lớn đến lệnh chuyển tiền của khách hàng. Nếu tất cả khách hàng dùng chữ ký số thì khi khách hàng chuyển tiền, ngân hàng sẽ phải xác nhận giao dịch, kiểm tra lại dữ liệu, chuyển dữ liệu đối chiếu xác thực với CA, CA phải trả lời xác thực này trong thời gian rất ngắn, chỉ tính bằng giây. Với hàng tỷ giao dịch thì khả năng đáp ứng của CA là rất khó. Chữ ký số có thể dùng trong các giao dịch ít liên quan như ký kết hợp đồng.
Kết thúc cuộc họp, TS Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận và đánh cao các ý kiến tại cuộc họp, đồng thời cho biết, sau cuộc họp, Hiệp hội Ngân hàng tổng hợp lại tất cả các ý kiến, cũng như các số liệu về tác động cụ thể của từng ngân hàng khi sử dụng chữ ký điện tử so với chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn, để gửi tới Ban soạn thảo, các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, tiếp thu ý kiến của các tổ chức tín dụng và có những điều chỉnh để Nghị định khi ban hành phù hợp với thực tế. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam rất mong muốn các TCTD sẽ gửi văn bản đầy đủ, đóng góp ý kiến để tổng hợp và gửi lên cơ quan quản lý nhà nước.
N.A